Mặc dù sau này Thiên Lương có dịch sách của James Joyce “Dân Dublin”, của Oscar Wilde “Bức tranh Dorian Gray”, “Tội ác huân tước Arthur Savile” và bốn truyện khác, nhưng các tác phẩm của Vladimir Nabokov đã định hình phong cách và tên tuổi của anh trong làng văn Việt Nam.
Nhưng khác với nhiều tác phẩm khác, “Gatsby vĩ đại” có một số phận kỳ lạ tại Việt Nam, với những cách hiểu hết sức khác nhau của các dịch giả và độc giả.
Có một ấn tượng chung của đa số độc giả Việt Nam về “Gatsby vĩ đại” là cuốn sách này viết về giấc mơ Mỹ, về nỗ lực vươn lên bất chấp tất cả của Jay Gatsby — một thanh niên nghèo, xuất thân từ một gia đình nông dân, mong được gia nhập giai cấp thượng lưu Mỹ, chiếm được tình yêu của Daisy bằng mọi giá, không từ cả những việc làm ăn phi pháp.
Bi kịch câu chuyện là Gatsby không thể giành được Daisy, chết một cái chết oan uổng vì một tội ác mà anh không trực tiếp gây ra. Nói chung Gatsby là một nhân vật đáng thương, rỗng tuếch, theo đuổi một ảo ảnh vừa vô nghĩa vừa vô ích, thậm chí còn bằng những cách thức bất chấp luân thường đạo lý, nên cái kết thúc bi thảm ấy cũng hợp lý với anh ta và thỏa mãn tâm lý các đối tượng độc giả tôn thờ luân lý.
Nhưng đó là cách hiểu đơn giản nhất, mộc mạc nhất, ngây thơ nhất, và tầm thường hóa cuốn tiểu thuyết vĩ đại này thành giấc mơ vật chất của một đại gia quê mùa với một tình yêu mù quáng.
Thực ra cái mà Gatsby theo đuổi, hay nói cách khác là giấc mơ của anh ấy, không phải Daisy mà sự làm chủ dĩ vãng: quay lại nó, lặp lại nó, thậm chí thay đổi nó.
Trong tiểu thuyết có một đoạn đối thoại nổi tiếng giữa Nick với Gatsby, khi Nick nói:
“Tôi thì sẽ không đòi hỏi cô ấy quá nhiều” - Tôi đánh bạo “Anh không thể lặp lại dĩ vãng.”
Gatsby trả lời:
“Không thể lặp lại dĩ vãng?”- Y kêu lên đầy vẻ hoài nghi. “Sao, dĩ nhiên ta có thể!”.
Giấc mơ kỳ lạ ấy: Lặp lại dĩ vãng cũng tàn phá cuộc đời Humbert, Lolita và nhiều người liên quan trong tiểu thuyết “Lolita”
của Vladimir Nabokov. Humbert không hẳn là yêu Lolita, mà anh ta chỉ muốn lặp lại dĩ vãng diệu kỳ đã có với Annabel từ thuở ấu thơ.
Gatsby, Humbert và nhiều người khác luôn muốn quay lại dĩ vãng, quay lại những ngày xa xưa tươi đẹp nào đó, phải chăng vì họ thấy an toàn trong nó, vì nhớ hơi ấm của nó, hay vì sợ sự nghiệt ngã của thời gian?
Dĩ vãng Gatsby có những phần mà anh muốn chối bỏ: quá khứ nghèo hèn cơ cực, con trai của một gia đình nông dân miền Trung Tây nước Mỹ; có những phần mà anh tự hào: chiến đấu dũng cảm trong quân đội, được trao tặng nhiều huân chương, theo học một khóa ngắn hạn tại Oxford; có những phần mà anh khao khát: tình yêu với Daisy khi cô chưa lấy chồng.
Và tất cả các phần dĩ vãng đó đều tác động lên Gatsby theo nhiều cách khác nhau, với những cường lực khác nhau, biến anh thành một nhân vật vừa cao ngạo hợm hĩnh vừa tự ti nhút nhát, ôm những hoài bão khổng lồ và một ước mơ Icarus.
Với Gatsby, Daisy không hẳn là một người tình trong mộng, nói đúng hơn, cô ấy là một Chén thánh, một Thánh tích. Gatsby không chỉ muốn có tình yêu của Daisy, mà anh muốn sở hữu cô, muốn phủ nhận toàn bộ quá khứ giữa hai quãng đời gặp gỡ của anh và cô, muốn cô quay lại cùng anh về những ngày xưa tươi đẹp ấy như chưa từng có chuyện gì khác đã xảy đến với cô. Ngay cả khi Gatsby hiểu ra rằng Daisy là một cô gái thực dụng và hời hợt, anh vẫn sống chết theo đuổi giấc mơ của mình.
Thực ra trong văn hóa phương Tây, tính cá nhân được đề cao, con người có bản năng chinh phục thiên nhiên, chinh phục tất cả, và đôi khi đối tượng yêu chỉ là một phương tiện. Có thể thấy nhiều nhân vật văn chương phương Tây có tình yêu đặc biệt kiểu Gatsby, ví dụ như Forrest Gump, Romeo, Rhett Butler,… với những mối tình có thể rất khó hiểu với tư duy người thường. Forrest Gump suốt đời yêu một cô gái mà không cần biết cô ấy làm gì và ở với ai, Romeo sẵn sàng chết vì Juliet, Rhett Butler yêu người đàn bà của mình bất chấp mọi chuyện.
Sự vĩ đại của một nhân vật văn chương rất khó xét đoán theo những góc nhìn phàm nhân, Gatsby vĩ đại không vì mục tiêu Daisy của mình, thậm chí cái mục tiêu ấy còn quá tầm thường và thực dụng. Anh vĩ đại vì tầm cỡ giấc mơ của mình, vì sức mạnh niềm tin của mình, vì sự giàu có của mình, vì tinh thần hướng thượng và sự hy sinh cao cả đến không thể hiểu được cho niềm tin ấy. Tất cả những điều đó biến anh thành một nhân vật có tầm vóc phi thường, gần như một vị thánh.
Nếu chỉ dùng lợi, danh là cái đích, là mục tiêu theo đuổi, thì nhân loại đã không tôn thờ những vĩ nhân như Đức Phật, Đức Chúa, các vị thánh tử vì đạo, những nhà từ thiện thầm lặng, các nhà khoa học, những anh hùng liệt sỹ đã hy sinh cho tổ quốc mình.
Vậy nên câu chuyện về Gatsby không chỉ là về giấc mơ Mỹ hoặc ước vọng vươn lên của một cậu bé nghèo hèn, nó chính là câu chuyện về tinh thần hướng thượng của nhân loại; với những vĩ nhân khát khao vươn tới những chân trời tươi đẹp hơn, tới chân thiện mỹ, và sẵn sàng làm tất cả mọi điều, thậm chí dám hy sinh cả mạng sống, cho niềm tin của mình.
Có lẽ nhờ tinh thần cao cả và trong sáng của Gatsby mà tiểu thuyết này được coi là tác phẩm phải đọc với hàng triệu học sinh Mỹ, là tác phẩm gối đầu giường của nhiều văn hào, và luôn chiếm vị trí dẫn đầu trong mọi bảng bình chọn văn chương Anh ngữ.
Bản dịch “Gatsby vĩ đại” của Thiên Lương biết đâu sẽ mang được một chàng Gatsby hoàn toàn khác đến với độc giả Việt Nam, và cho thấy được nguyên do tại sao mà cuốn sách này lại được đánh giá cao đến thế trong nền văn chương Anh ngữ.
Đặng Thu HươngXem thêm: /722146-aig-iad-al-ihc-yah-iad-iv-ybstaG/aoh-nav-ueil-uT/nv.moc.dnac.acnv