vĐồng tin tức tài chính 365

An ninh hàng không nên thuộc doanh nghiệp hay Nhà nước?

2021-05-17 06:38

Cục Hàng không Việt Nam đang lấy ý kiến dự thảo Báo cáo tổng kết thi hành Luật Hàng không dân dụng Việt Nam. Một trong những nội dung quan trọng của dự thảo là liên quan đến công tác quản lý lực lượng kiểm soát an ninh hàng không (ANHK).

Có đến 26 đầu mối quản lý an ninh hàng không

Cục Hàng không cho rằng lực lượng kiểm soát ANHK tuy được pháp luật yêu cầu thống nhất về nghiệp vụ, vũ khí, trang thiết bị, phương tiện, chỉ huy, chỉ đạo… nhưng lại có quá nhiều chủ thể quản lý nên khó thực hiện được.

Cụ thể, hiện nay ANHK ở Việt Nam có đến 26 tổ chức quản lý (21 cảng hàng không của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, Công ty TNHH Kỹ thuật máy bay Việt Nam, các hãng hàng không VASCO, Hải Âu, Ngôi sao Việt).

Cục Hàng không nhấn mạnh ANHK là nhiệm vụ quan trọng của quốc gia nhưng lại giao phó cho các doanh nghiệp (DN) cổ phần không tương xứng với vị trí, yêu cầu của công tác bảo đảm. Do thẩm quyền và trách nhiệm của DN cổ phần bị hạn chế bởi đối tượng của ANHK là các trường hợp có hành vi khủng bố, phá hoại nhằm gây tổn thất và rối loạn dây chuyền vận tải hàng không.

Trong khi đó, công tác bảo đảm ANHK đòi hỏi sự tập trung, thống nhất cao và cần phải kịp thời trong chỉ đạo, điều hành từ nhà chức trách hàng không. Còn tổ chức chủ quản của lực lượng kiểm soát ANHK hiện nay lại là nhiều DN cổ phần nên không đáp ứng được yêu cầu tập trung, thống nhất, nhanh chóng và kịp thời.

Cục Hàng không cũng cho rằng nhiệm vụ bảo đảm ANHK vốn mang tính công ích, luôn mâu thuẫn với tính chất thương mại và mục đích trước tiên của DN cổ phần là lợi nhuận. Mô hình hiện tại tạo nguy cơ cho công tác bảo đảm ANHK thuộc DN cổ phần bị thương mại hóa và không được đầu tư đúng mức, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả, chất lượng của công tác này.

Từ đó, Cục Hàng không chỉ ra lực lượng ANHK trực thuộc các công ty cổ phần sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự chỉ đạo điều hành, tính tập trung thống nhất, tính chuyên nghiệp của lực lượng và chất lượng, cũng như hiệu quả công việc.

“DN cổ phần chịu trách nhiệm bảo đảm ANHK là không phù hợp quy định của pháp luật hiện hành và chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng đất nước và yêu cầu thực tiễn đặt ra” - Cục Hàng không nhấn mạnh.

An ninh hàng không nên thuộc doanh nghiệp hay Nhà nước? - ảnh 1
Chuyên gia cho rằng việc tuần tra, giám sát giao cho sân bay quản lý, còn lực lượng an ninh hàng không soi chiếu nên do cơ quan hành pháp đảm trách. Ảnh: ACV

Nên có đơn vị độc lập

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, lãnh đạo một sân bay khu vực miền Trung cho biết mô hình ANHK của mỗi nước là khác nhau. Tùy vào tình hình an ninh quốc gia và nhu cầu vận tải hàng không để họ xây dựng chương trình ANHK tương thích nhằm kiểm soát dòng khách, nguy cơ tiềm ẩn.

Trong đó, nhiều nước tiên tiến giao nhiệm vụ “canh cửa” cho các công ty chuyên nghiệp ngoài ngành hàng không, thay vì nhiệm vụ này thuộc nội bộ ngành hàng không.

“Như vậy, vấn đề đặt ra ở đây là việc thiết kế các quy chuẩn và cơ chế giám sát từ nhà chức trách để việc thực thi kiểm soát ANHK đảm bảo an toàn, đúng quy định pháp luật. Thậm chí, một số quốc gia còn đưa an ninh quốc gia vào phụ trách ANHK” - vị này thông tin.

Theo vị này, nếu tính tới việc tách bạch ANHK trở thành dịch vụ công ích do Nhà nước tổ chức thì đòi hỏi phải có bộ máy riêng để vận hành, đồng thời sẽ làm tăng kinh phí để vận hành, trả lương cho nhân viên. Còn để cho DN quản lý, họ sẽ tính toán, cân đối các khoản thu để không tăng thêm gánh nặng ngân sách.

“Trong giai đoạn này cần xem xét thấu đáo để hoạt động kiểm soát ANHK đảm bảo an toàn, an ninh mà không tăng thêm gánh nặng từ ngân sách” - vị này chia sẻ.

Một chuyên gia trong lĩnh vực ANHK (đề nghị không nêu tên) cho rằng có nhiều vấn đề cần xem xét thấu đáo để tính tới việc tách bạch ANHK ra khỏi DN, hay để Nhà nước quản lý. Bởi chúng ta cần đánh giá trên phạm vi rộng ở các cảng hàng không, sân bay về mức độ tác động của an ninh quốc gia, hay như vậy là đảm bảo hay chưa. Chẳng hạn ở Mỹ, họ thấy việc cần thiết phải thắt chặt ANHK nên họ đưa bộ phận an ninh soi chiếu do Bộ An ninh nội địa đảm trách.

Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) Phạm Ngọc Sáu cho biết hiện sân bay Vân Đồn chưa tổ chức lực lượng ANHK mà thuê từ Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

Theo ông Sáu, về vấn đề này, ngành chức trách cần phải cải tiến, xây dựng các bộ tiêu chí phù hợp thực tiễn, nếu không sẽ phát sinh độc quyền vì dịch vụ tập trung vào một vài đơn vị chi phối. Chưa kể, dịch vụ này nếu chất lượng không đảm bảo, tiêu chuẩn không phù hợp, thái độ chưa thân thiện, sự sẵn hàng hỗ trợ khách chưa kịp thời sẽ khiến hình ảnh ngành hàng không sụt giảm.

Từ đó, ông Sáu đề xuất nên xây dựng đơn vị độc lập phụ trách chung ANHK tại cảng hàng không, sân bay để tránh độc quyền.

Đồng thời, theo ông Sáu, nên tách ANHK thành hai mảng, trong đó mảng soi chiếu do cơ quan hành pháp đảm trách để đảm bảo tính thực thi với công cụ, vũ khí (nếu có)… nhằm trấn áp kịp thời vì thời gian qua đã xảy ra một số vụ việc đáng lo ngại đến an ninh trật tự.

Mảng thứ hai (an ninh tuần tra, kiểm soát) do nhà khai thác cảng phụ trách hoặc thuê miễn là đáp ứng các điều kiện, tiêu chí do nhà chức trách yêu cầu và tăng cường giám sát việc thực hiện.•

 

Mâu thuẫn quyền cung cấp dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không

Cục Hàng không cũng cho rằng việc cung cấp dịch vụ bảo đảm ANHK, một dịch vụ công ích duy nhất do lực lượng kiểm soát ANHK tại cảng hàng không, sân bay thực hiện, đang vướng quy định tại Điều 64 Luật Hàng không dân dụng.

Cụ thể, tại khoản 3 Điều 64 quy định DN cảng hàng không có quyền tổ chức cung cấp dịch vụ bảo đảm ANHK, an toàn hàng không, dịch vụ hàng không và các dịch vụ công cộng khác tại cảng hàng không, sân bay.

Trong khi đó, theo Nghị định 32/2019 về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên thì sản phẩm, dịch vụ công ích phải do Nhà nước đặt hàng, đấu thầu, hoặc giao nhiệm vụ trong trường hợp pháp luật chuyên ngành quy định. Tức chủ thể tổ chức cung cấp dịch vụ phải là cơ quan nhà nước, trong khi các DN cảng hàng không hiện nay là DN cổ phần.

Theo Cục Hàng không, quy định tại Điều 64 đã làm phát sinh mâu thuẫn về quyền cung cấp dịch vụ bảo đảm ANHK của hai tổ chức gồm DN cảng hàng không và Bộ GTVT. Vì vậy, việc cải cách lại các quy định về bảo đảm ANHK trong luật là thực sự cần thiết.

Xem thêm: lmth.895589-coun-ahn-yah-peihgn-hnaod-couht-nen-gnohk-gnah-hnin-na/iht-od/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“An ninh hàng không nên thuộc doanh nghiệp hay Nhà nước?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools