Ủ bệnh ngắn, biến chứng cao
Theo BS Trương Hữu Khanh – Chuyên gia truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biến chủng virus mới này khác biệt với biến chủng trước, đặc biệt nguy hiểm là nó lây lan nhanh và thời gian ủ bệnh rất ngắn nên mới có những trường hợp tiếp xúc ca bệnh 1-2 ngày đã có triệu chứng bệnh.
Virus nhân lên nhanh chóng nên chỉ 1 - 2 ngày nồng độ virus trong dịch họng hầu đã nhân lên đủ để xét nghiệm dương tính.
Đến nay qua các báo cáo theo dõi vẫn nghi ngờ chủng này tấn công người bệnh nhanh hơn.
GS Nguyễn Gia Bình -nguyên trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu cho biết, qua báo cáo trong nhóm điều trị Covid-19 , ông thấy các bệnh nhân có diễn tiến nặng hơn nhiều so với đợt dịch ở Hải Dương.
Đến nay có 16 ca mắc Covid-19 nặng tiên lượng điều trị rất nặng đặc biệt có 2 ca ECMO đều đánh giá khó khăn do bệnh nhân có tiền sử xơ gan giai đoạn cuối, 1 bệnh nhân ở TP.HCM từ An Giang chuyển lên thì nặng, phổi trắng xoá.
Nhiều ca bệnh biến chứng xuống phổi ngay trong tuần đầu tiên. GS Bình cho biết, đến nay dù chưa đủ cơ sở để đánh giá chủng Ấn Độ biến đổi độc lực, nhưng tốc độ lây lan là nhanh.
Như ở Ấn Độ, dịch bùng phát bởi tập trung đông người, lan rộng với số ca nhiễm kỉ lục gây quá tải bệnh viện, thiếu oxy, hệ thống y tế không đáp ứng đủ nhu cầu điều trị là yếu tố quan trọng khiến nhiều ca tử vong, chứ chưa có đủ cơ sở để nói do độc lực của biến chủng mới.
Biến chủng mới của Virus SASR-CoV-2 nguy hiểm như thế nào?
B.1.617 nguy hiểm như thế nào?
TS Nguyễn Hồng Vũ – Viện nghiên cứu Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA cho biết, biến thể của virus SARS-CoV-2 với tên gọi là B.1.617 được phát hiện lần đầu tiên vào khoảng cuối năm ngoái ở Ấn Độ và hiện nay trở nên rất phổ biến trong làn sóng dịch bệnh mới đây của nước này.
Dù rằng chưa có nhiều nghiên cứu trực tiếp trên chủng virus này nhưng dựa vào những vị trí đột biến khá tương đồng với các biến thể khác được tìm thấy ở Anh, ở Brazil, ở Nam Phi hoặc ở California, Hoa Kỳ, các chuyên gia tiên đoán rằng chúng có khả năng lan truyền nhanh hơn và làm giảm tác dụng của các kháng thể kháng virus được tạo ra trong người hồi phục sau khi nhiễm bệnh Covid-19 hoặc sau khi chích vaccine Covid-19.
Trong các đột biến trên, chủng B.1.617 thì 3 đột biến sau đây trên protein S được "quan ngại" nhiều đó là:
Thứ nhất, E484Q. Đột biến ở vị trí 484, thay thế amino axit glutamic thành glutamine. Đột biến này khá giống với đột biến E484K trên chủng Nam Phi, thay thế amino axit glutamic thành lysine.
Đột biến này được dự đoán có thể tạo ra khả năng liên kết mạnh hơn của virus với thụ thể hACE2 của con người (tăng khả năng lây nhiễm), cũng như khả năng trốn tránh hệ thống miễn dịch của vật chủ tốt hơn.
Thứ hai, L452R. Đột biến ở vị trí 452, được tìm thấy trước đó trên chủng biến thể ở California, Hoa Kỳ thay thế leucine thành arginine, cũng tạo ra ái lực mạnh hơn của protein đột biến đối với thụ thể ACE2 và giảm khả năng nhận biết của hệ thống miễn dịch.
Thứ ba, P681R. Đột biến ở vị trí 681 làm thay thế proline thành arginine. Điểm đột biến này nằm ở vị trí cắt của enzyme furin trên protein S, quá trình cắt này giúp virus xâm nhập thành công vào bên trong tế bào. Do vậy, đột biến này có thể giúp tăng khả năng lây nhiễm của virus.
Một nghiên cứu gần đây (đăng ngày 5 tháng 5 trên BioRxiv) của nhóm các nhà khoa học của Đức, sử dụng protein S chứa 8 đột biến của chủng Ấn Độ (có chứa 3 đột biến kể trên) để nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Họ thấy rằng so với chủng ban đầu, biến thể Ấn Độ với các đột biến này có thể xâm nhập tốt hơn vào 2 dòng tế bào (tế bào ruột và tế bào phổi).
Ngoài ra họ còn cho thấy biến thể này có khả năng kháng lại hoàn toàn Bamlanivimab, một loại kháng thể đơn dòng (monoclonal antibody) đang được sử dụng để điều trị bệnh Covid-19.
Sự giảm khả năng "trung hòa" virus cũng được thấy ở kháng thể tạo ra từ người đã nhiễm bệnh (bởi chủng cũ) hoặc những người đã được chích vaccine (của Pfizer-BioNTech) tuy nhiên sự giảm này là không quá nhiều.
Một nhóm nghiên cứu khác ở Ấn Độ cũng có công bố một nghiên cứu (đăng ngày 5 tháng 5 trên BioRxiv) sử dụng mô hình chuột đồng (Syrian golden hamsters) cho thấy rằng virus chủng B.1.617 có thể gây bệnh nặng hơn dựa trên các chỉ số về cân nặng sau khi nhiễm virus, số lượng virus trong cơ thể và hình nhuộm sinh thiết mô phổi.
Ngọc Anh
Doanh nghiệp tiếp thị