Tại dự thảo báo cáo tổng kết thi hành Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Cục Hàng không vừa bất ngờ đề xuất bỏ trần giá vé máy bay với các đường bay có từ 3 hãng hàng không tham gia khai thác trở lên.
Lãnh đạo Cục này cho biết, dịch vụ vận chuyển hàng không có tính mùa vụ cao. Mùa cao điểm, giờ "đẹp" sẽ có nhiều hành khách, có người sẵn sàng trả giá cao, để mua được vé sát giờ bay, điều kiện linh hoạt. Ngược lại, chuyến bay mùa thấp điểm, giờ bay muộn thường có giá vé phù hợp nhằm lấp đầy chỗ trống trên tàu bay, do đó giá vé trở nên linh động hơn.
Hành khách làm thủ tục check-in tại quầy của Vietnam Airlines. (Ảnh: NLĐ)
Tuy nhiên, đề xuất này khiến không ít người nghi ngại các hãng sẽ "bắt tay" đẩy giá vé. Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện các hãng cho rằng, khách đi máy bay biết rõ mức giá nào hợp lý. Doanh nghiệp tham gia thị trường phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình, lời ăn, lỗ chịu, tất cả đều vận hành theo cơ chế thị trường.
Xuất khẩu gạo giảm do chuyển hướng quá đà?
4 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 1,89 triệu tấn, giảm hơn 10% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu là do gạo trắng xuất khẩu sang thị trường châu Á giảm.
Trong quý I, hai khách hàng "ruột" lâu nay là Philippines và Malaysia đã giảm nhập khẩu gạo của Việt Nam tới hơn 270.000 tấn, tương ứng với tỷ lệ giảm hơn 36%. Trong khi lượng gạo trắng các nước này nhập của Ấn Độ chỉ trong 2 tháng đầu năm đã tăng hơn 3 lần. Như vậy, suy đoán về việc giá gạo Việt Nam tăng quá cao khiến khách hàng quay lưng lại là hoàn toàn có cơ sở.
Mặt khác, tác giả bài viết trên Thời báo kinh tế Sài Gòn online cũng suy luận ngược trở lại khi cho rằng, diện tích gieo trồng gạo trắng phẩm cấp thấp đã bị thu hẹp, sản lượng giảm, khiến giá bị đẩy lên cao, không hẳn là do chất lượng đã được nâng cao như không ít ý kiến đã khẳng định.
4 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 1,89 triệu tấn, giảm hơn 10% so với cùng kỳ. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Có thể đây cũng là nguyên nhân khiến Việt Nam phải nhập gần 47.000 tấn gạo trắng của Ấn Độ trong hai tháng đầu năm, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ nhập vài trăm tấn.
Cám dỗ khó cưỡng từ ứng dụng giao đồ ăn
Trước khi COVID-19 bùng phát, dịch vụ giao đồ ăn qua ứng dụng thứ ba là một khái niệm chưa phổ biến với người Việt. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi nhanh chóng.
Theo khảo sát của QandMe (năm 2020), tỷ lệ đặt đồ ăn qua bên ứng dụng thứ ba đạt 82% (trong khi năm 2018 chỉ là 58%). Bên cạnh đó, Việt Nam đang là nước có tốc độ tăng trưởng mảng dịch vụ gọi xe (bao gồm cả giao đồ ăn) đứng thứ 2 tại khu vực Đông Nam Á và dự kiến, quy mô thị trường này sẽ chạm mốc 2 tỷ USD vào năm 2025.
Thị trường đang rất sôi động với sự cạnh tranh của nhiều đối thủ lớn, như: Now.vn, BaeMin, GrabFood, GoFood… Các tay chơi đang chi đậm trong cuộc chiến khuyến mại để giành thị phần, thậm chí để triệt hạ đối thủ.
Tờ Đầu tư dẫn lời một chuyên gia cho rằng, miếng bánh rất hấp dẫn, nhưng không hề dễ xơi. Yêu cầu đặt ra cho các ứng dụng là phải tăng lượng đặt hàng và giảm chi phí. Đơn vị nào giao hàng nhanh nhất, có nhiều khuyến mãi nhất và nhiều thực đơn phong phú nhất sẽ thắng cuộc.
VTV.vn - Cục Hàng không đề xuất bỏ trần giá vé trên đường bay có từ 3 hãng cùng khai thác để tăng cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.72453101171501202-aig-yad-yat-tab-oc-yab-gnah-ev-aig-nart-ob/et-hnik/nv.vtv