Theo quan chức trên, dự thảo nghị quyết của Đại hội đồng kêu gọi "lập tức đình chỉ việc cung cấp, mua bán hoặc chuyển giao trực tiếp hay gián tiếp mọi loại vũ khí, đạn dược và thiết bị quân sự cho Myanmar".
Biểu tình phản đối chính biến Myanmar bên ngoài Đại sứ quán Myanmar tại Thái Lan. Ảnh: ANI
Liechtenstein là quốc gia đưa ra đề xuất này, được Liên minh châu Âu (EU), Anh và Mỹ ủng hộ. Dự thảo nghị quyết đã được thảo luận trong nhiều tuần và nhận được sự đồng thuận của 48 quốc gia, trong đó Hàn Quốc là quốc gia châu Á duy nhất.
Không giống các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ, các nghị quyết của Đại hội đồng LHQ không có tính ràng buộc, song lại mang ý nghĩa chính trị mạnh mẽ.
Nếu Đại hội đồng LHQ không thể đạt đồng thuận về dự thảo nghị quyết trên, dự thảo sẽ được đưa ra biểu quyết tại phiên họp toàn thể dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 18-5.
Theo AFP, dự thảo nghị quyết cũng kêu gọi quân đội Myanmar "chấm dứt tình trạng khẩn cấp" và lập tức ngăn chặn "mọi hành vi bạo lực chống lại người biểu tình ôn hòa", cũng như "trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho Tổng thống Win Myint, Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi" và tất cả những cá nhân "bị giam giữ, buộc tội hoặc bắt giữ tùy tiện" sau cuộc chính biến hôm 1-2.
Dự thảo cũng kêu gọi Myanmar nhanh chóng thực hiện đồng thuận năm điểm đã đạt được với lãnh đạo các nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hôm 24-4, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho đặc phái viên LHQ tới Myanmar và cung cấp quyền tiếp cận an toàn và không bị cản trở các nỗ lực nhân đạo.
Một số tổ chức phi chính phủ từ lâu đã kêu gọi việc cấm vận vũ khí đối với Myanmar.
Trước đó, tại hội nghị thượng đỉnh về vấn đề Myanmar hồi tháng 4, lãnh đạo các nước ASEAN đã thống nhất một tuyên bố chung gồm năm điểm liên quan việc giải quyết khủng hoảng tại quốc gia này.
Năm điểm thống nhất của ASEAN về Myanmar là: chấm dứt bạo lực, đối thoại mang tính xây dựng giữa “tất cả các bên liên quan”, gửi viện trợ cho Myanmar, bổ nhiệm đặc phái viên ASEAN để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán, và cho phép đặc phái viên được phép đến Myanmar.
Từ ngày 1-2, Hội đồng Bảo an LHQ đã đưa ra bốn tuyên bố về Myanmar, song lần nào các cụm từ đề cập khả năng áp lệnh trừng phạt quốc tế cũng đều bị Trung Quốc phản đối.
Myanmar lâm vào tình trạng hỗn loạn kể từ cuộc chính biến hồi tháng 2, khiến người dân tại quốc gia này không muốn chấp nhận việc quay trở lại chế độ quân sự sau năm thập niên quản lý kinh tế yếu kém và nền kinh tế kém phát triển.
Theo một nhóm chuyên theo dõi cuộc khủng hoảng, ít nhất 780 người đã thiệt mạng, trong đó có hơn 50 trẻ em, cũng như hơn 3.800 người đã bị giam giữ trong chiến dịch đối phó người biểu tình của quân đội Myanmar.
Chính quyền quân sự Myanmar phủ nhận con số này.