Thị trường chứng khoán Việt Nam khởi động phiên giao dịch đầu tuần mới với diễn biến tích cực khi sắc xanh bao trùm lên nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Các chỉ số vì vậy cũng được kéo lên trên mốc tham chiếu. Tuy nhiên, đà tăng dần yếu đi khi áp lực bán dâng cao khiến hàng loạt cổ phiếu lớn lao dốc.
Cuối phiên, VN-Index và UPCoM-Index đều đóng cửa trong sắc đỏ, trong khi đó, HNX-Index giữ được sắc xanh nhờ sự bứt phá của SHB.
Tâm điểm của phiên 17/5 tập trung vào nhóm cổ phiếu họ Vingroup, trong đó có thời điểm cả 3 cổ phiếu thuộc doanh nghiệp này là VIC, VHM và VRE đều bứt phá rất mạnh, tạo động lực đẩy VN-Index tăng mạnh. Tuy nhiên, áp lực quá mạnh vào cuối phiên đã khiến VIC đảo chiều giảm đến 1% xuống 124.000 đồng/cp, còn VRE chỉ tăng nhẹ 0,2% lên 30.700 đồng/cp. VHM là cái tên đáng chú ý nhất khi tăng 3,7% lên 100.800 đồng/cp. VHM là nhân tố quan trọng nhất giúp nâng đỡ VN-Index, tuy nhiên, lực đẩy của VHM là không đủ để giữ sắc xanh của chỉ số này khi mà rất nhiều cổ phiếu lớn khác giảm sâu.
Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, HĐQT VHM trình kế hoạch 2021 với doanh thu 90.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 35.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 26% và 24% so với thực hiện năm trước. Cổ tức năm 2020 dự kiến 45%, bao gồm 15% bằng tiền và 30% bằng cổ phiếu.
Đối với VRE, mục tiêu doanh thu thuần năm nay là 9.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.500 tỷ đồng, lần lượt tăng 8% và 5% so với kết quả năm ngoái. HĐQT trình việc giữ lại toàn bộ lợi nhuận để bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh, dù đang có 7.974 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Bên cạnh đó, SHB tăng 3,8% lên 29.700 đồng/cp và là mã có tác động tích cực nhất đến HNX-Index, giúp chỉ số này giữ được đà tăng tốt.
Trong khi đó, rất nhiều cổ phiếu chủ chốt giảm sâu như GVR, MSN, VJC, VNM, BVH, GAS… Điều này khiến VN-Index đóng cửa phiên với mức giảm tương đối mạnh. GVR giảm 3,6% xuống 25.350 đồng/cp, MSN giảm 3,6% xuống 104.200 đồng/cp, VJC giảm 3,3% xuống 114.000 đồng/cp, VNM giảm 2,6% xuống 87.200 đồng/cp.
Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, sự phân hóa diễn ra tương đối mạnh. Bên cạnh nhóm Vingroup, NVL và THD giữ được đà tăng tốt khi NVL tăng 2,6% lên 137.600 đồng/cp, còn THD tăng 0,5% lên 194.500 đồng/cp. Trong khi đó, BCM giảm nhẹ 0,7% xuống 54.000 đồng/cp.
Đối với các mã bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ, một số cổ phiếu vẫn giữ được đà tăng tốt, trong đó, TIX và HQC được kéo lên mức giá trần. TDH tăng 5,6% lên 7.200 đồng/cp. TCH tăng 1,8% lên 22.900 đồng/cp, AMD tăng 3,7% lên 7.000 đồng/cp. Bộ đôi cổ phiếu FLC và FIT đều có được mức tăng giá nhẹ.
Cổ phiếu bất động sản giảm sâu đáng chú ý trong phiên 17/5 có KBC với mức giảm 4,5% xuống 33.800 đồng/cp. Bên cạnh đó, NLG giảm 3,7% xuống 36.750 đồng/cp, phiên 18/5 sẽ là ngày giao dịch không hưởng quyền để NLG thực hiện chi trả cổ tức đợt 2/2020 bằng tiền tỷ lệ 4,8%. Thời gian thanh toán là 30/6/2021. Các mã như KDH, DIG, BII, NTL, PDR… cũng giảm giá trên 2%.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 7,66 điểm (-0,6%) xuống 1.258,7 điểm. Toàn sàn có 141 mã tăng, 278 mã giảm và 41 mã đứng giá. HNX-Index tăng 2,07 điểm (0,7%) lên 296,79 điểm. Toàn sàn có 65 mã tăng, 143 mã giảm và 69 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,58 điểm (-0,72%) xuống 80,42 điểm.
Khối lượng khớp lệnh trên hai sàn HoSE và HNX tăng nhẹ so với phiên trước đó và xấp xỉ mức trung bình 20 phiên với 835 triệu cổ phiếu tương ứng với giá trị khớp lệnh đạt 23.512 tỷ đồng. FLC và HQC là 2 mã bất động sản nằm trong danh sách 10 mã khớp lệnh mạnh nhất thị trường với lần lượt 34,5 triệu cổ phiếu và 27 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng 1.300 tỷ đồng trên toàn thị trường, trong đó, VIC là cổ phiếu bất động sản duy nhất nằm trong các mã bị khối ngoại bán ròng mạnh với 165 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VHM và LHG là 2 mã bất động sản có mặt trong số các cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh nhất nhưng giá trị đều không quá lớn với lần lượt 17 tỷ đồng và 6,3 tỷ đồng.
Theo CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), thị trường rung lắc và điều chỉnh trong phiên đầu tuần với thanh khoản gia tăng so với phiên trước đó và xấp xỉ mức trung bình 20 phiên cho thấy áp lực bán ra là tương đối mạnh. Điều này là tương đối dễ hiểu do thị trường vẫn chưa thể bứt phá ra khỏi vùng 1.250 - 1.286 điểm (đỉnh tháng 4/2021) nên áp lực chốt lời sẽ luôn thường trực. Khối ngoại cũng góp phần vào lực bán với giá trị bán ròng khoảng 1.300 tỷ đồng trên hai sàn.
Tuy nhiên, trên góc nhìn kỹ thuật, thị trường tiếp tục kết phiên trên ngưỡng 1.250 điểm nên xác suất để thị trường nối dài sóng tăng 5 được đánh giá là cao hơn so với khả năng thị trường bước sang sóng điều chỉnh a. Theo đó, trong phiên giao dịch tiếp theo 18/5, thị trường có thể sẽ tăng điểm trở lại để hoàn thành sóng tăng 5 với target quanh ngưỡng 1.325 điểm (fibonacci retracement 161,8% sóng điều chỉnh 4)./.
Xem thêm: lmth.10730000042210202-5-71-neihp-gnort-ahp-tub-lvn-av-mhv/nv.semitaer