Đã hơn 130 năm trôi qua, tính từ chiếc xe hơi đầu tiên do kỹ sư người Đức Karl Benz sáng chế ra, ngày nay để sản xuất ra được một chiếc ô tô vẫn là một kỳ tích. Chiếc ô tô hiện đại là kết quả của việc lắp ráp khoảng 30.000 chi tiết vào với nhau, chưa kể tới mỗi chi tiết có một quy chuẩn riêng đảm bảo tiêu chuẩn về an toàn, kỹ thuật v.v. Sản xuất ra đã khó, đưa chiếc xe đó ra nước ngoài còn khó hơn nhiều phần.
Ngành ô tô Việt Nam đã phá dớp "con số 0 tròn trĩnh" về khả năng tự sản xuất, với sự xuất hiện của Vinfast. Không chỉ tự sản xuất được xe "made in Vietnam", mà ngay năm sau Vinfast sẽ đặt chân đến Mỹ. Các tạp chí tài chính quốc tế thậm chí còn định giá Vinfast nếu IPO thành công lên đến hơn 50 tỉ USD...
Trung Quốc đã bắt đầu sản xuất ô tô từ những năm 1930, qua vô vàn khó khăn nay cũng đã trở thành một quốc gia lớn mạnh trong ngành này. Thế nhưng, những ngày đầu chiếc xe "made in China" tới châu Âu, họ thất bại thảm hại. Trong 10 năm, Trung Quốc dần thay đổi, lột xác, và hiện đã tích lũy khoảng 460 triệu xe bán vào EU...
Mời độc giả cùng điểm qua hai câu chuyện về xe "made in China" vào châu Âu và "made in Vietnam" vào Mỹ.
Cú nhân bản của ô tô 'made in China' khiến thế giới sửng sốt
Với đặc thù nhân công rẻ, nhiều công ty và doanh nghiệp đã dừng chân tại Trung Quốc để xây dựng nhà máy sản xuất và/hoặc lắp ráp sản phẩm rồi xuất khẩu đi khắp thế giới. Các mặt hàng gắn mác "Made in China" xuất hiện nhan nhản: từ châu Mỹ tới châu Phi, từ hàng thấp cấp tới hàng xa xỉ.
Nhắc tới "Made in China", chắc hẳn nhiều người trong số chúng ta, không giới hạn tại mỗi Việt Nam, đều có một hình dung giống nhau về những sản phẩm này. Tạp chí The Diplomat từng đăng nhận định rằng Trung Quốc là "công xưởng của thế giới" từ lâu nay, nơi mà "đẻ" ra những sản phẩm có hình thức thiếu sáng tạo, chất lượng kém.
Với ô tô thì sao?
Ấn tượng thứ nhất có thể nói tới đó là các chiếc xe tới từ thương hiệu Trung Quốc trông có vẻ giống một chiếc xe nào đó bạn đã từng thấy!
Quay trở lại thời điểm năm 2015 khi hãng xe Jiangling, tất nhiên là thương hiệu Trung Quốc, cho ra mắt chiếc Landwind X7, thế giới đã vô cùng sửng sốt.
Vì sao?
Vì chiếc xe mang trên mình thành tựu kỹ thuật hàng đầu thế giới? Không phải.
Vì chiếc xe mang trên mình một đột phá về công nghệ? Cũng không phải.
Vì chiếc xe có giá rẻ giật mình? Có thể.
Vì chiếc xe… đạo nhái trắng trợn một mẫu xe đã có trên thị trường? Đúng vậy!
Chiếc Landwind X7 có thiết kế giống với chiếc Range Rover Evoque. Hẳn khi nhìn thấy Landwind X7, "mẹ đẻ" của Range Rover Evoque đã phải khóc thét!
Hình ảnh bi hài khi Range Rover thật đụng độ kẻ đạo nhái Landwind X7, cùng màu đỏ chót!
Quả thực như vậy. Sau khi chiếc xe đó ra mắt, hãng xe Anh Quốc Land Rover đã đệ đơn kiện Jiangling vì vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ với chiếc Range Rover Evoque. Viết lá đơn kiện không phải việc khó, thế nhưng Land Rover phải mất tới 4 năm ròng mới giành được phần thắng về mình.
Theo phán quyết của tòa án, Jiangling đã sao chép "5 yếu tố thiết kế độc đáo của Range Rover Evoque", tòa công ty này dừng sản xuất mẫu Landwind X7 và phải bồi thường cho Lang Rover.
Những cái tên bị gắn mác "đạo nhái" còn có thể kể tới mẫu Zotye SR9 giống Porsche Macan, Baic BJ80 giống Mercedes G-class, Geely GE giống Rolls Royce Phantom…
Ấn tượng thứ hai về ô tô Trung Quốc đó là giá thành rất rẻ.
Dưới đây là chiếc xe ô tô rẻ nhất thế giới: Changli EV.
Thực tế đây là một mẫu xe thuần điện. Nhà sản xuất cho người dùng lựa chọn mua xe có kèm pin hay không. Giá xe bao gồm pin là khoảng 1.200 USD, tức tương đương khoảng 27,2 triệu VNĐ. Một điều thú vị tại Việt Nam là chiếc xe Honda Wave RSX khi ra biển trắng cũng tốn một khoản tiền tương tự. À đấy là chưa nói tới giá xe nếu không bao gồm pin: chỉ hơn 900 USD - khoảng 20 triệu đồng!
Bạn có thể dễ dàng tìm mẫu xe này trên cả các nền tảng thương mại trực tuyến như Alibaba hay Taobao.
Câu hỏi đặt ra là liệu nhà sản xuất có "vấn đề" gì hay không khi làm ra chiếc xe rẻ tới vậy? Không quan tâm lỗ lãi hay sao? Thật ra không phải, câu trả lời chỉ có thể là, các hãng xe này tin rằng lợi nhuận sẽ đến khi bán được nhiều, thật nhiều.
Thử lấy một ví dụ thế này.
Bugatti là một hãng chuyên sản xuất siêu xe với số lượng ít, nhưng mỗi chiếc lại mang giá trị rất lớn. Mẫu xe gây dựng lại danh tiếng của hãng là chiếc Bugatti Veyron sản xuất từ khoảng năm 2005. Theo công bố của hãng thì hãng chỉ sản xuất 450 chiếc và quá trình sản xuất cả 450 chiếc này đã mất tới 10 năm, tức là mỗi năm sản xuất khoảng 45 chiếc.
Tất nhiên là có nhiều phiên bản, mỗi phiên bản một mức giá khác nhau. Chiếc đắt nhất xuất xưởng có giá khoảng 2,3 triệu USD. Giả sử trong cả một năm, Bugatti sản xuất cả 45 chiếc bản đặc biệt có mức giá 2,3 triệu USD thì doanh thu cả năm đó của Bugatti sẽ là: 2,3 (triệu USD) x 45 (chiếc) = 103,5 triệu USD.
Toyota là một hãng xe nổi tiếng với việc sản xuất các mẫu xe phổ thông. Trong năm 2014, hãng đã bán được tổng cộng 10,23 triệu xe; mẫu xe bán chạy nhất của hãng trong năm 2014 là mẫu Toyota Prius C (hay còn gọi là Toyota Aqua tại một số thị trường).
Toyota Prius là dòng xe phổ thông, giá dễ tiếp cận với khoảng 20.440 USD – có thể xếp vào những chiếc xe rẻ nhất của hãng. Giả sử trong năm 2014, hãng bán được 10,23 triệu chiếc xe Prius C thì doanh thu của hãng là: 20.440 (USD) x 10,23 (triệu chiếc) = 209.101 triệu USD
Như vậy, theo ví dụ này thì ngay cả khi Bugatti có bán được xe ở mức giá cao nhất thì doanh thu vẫn chỉ bằng một nửa của Toyota khi bán chiếc xe giá rẻ nhưng bán được nhiều.
Hẳn các hãng xe Trung Quốc cũng làm theo bài học đó!
Tuy nhiên, điều gì cũng có hai mặt của nó: việc bán xe với giá thành quá rẻ nhưng chất lượng quá thấp đã làm hại uy tín của xe ô tô Trung Quốc.
Dù giá cả vô cùng cạnh tranh, khách hàng vẫn ngại "xuống tiền" cho các tên từ Trung Quốc này.
Tới đây, xin liên kết tới câu chuyện mà cựu Phó chủ tịch Mitsubishi Philippines là Froilan Dytianquin đã phải đối mặt khi xe Trung Quốc bắt đầu "đổ bộ" vào Philippines những năm 2000.
Ông Froilan Dytianquin (giữa) khi còn phụ trách mảng Marketing của Mitsubishi Philippines
Khi đó, ông kể, Trung Quốc gia nhập thị trường với chính sách về giá "cực đoan", khiến ông và các cộng sự vô cùng lo lắng khi một số nhà bán lẻ của Mitsubishi đã chuyển hướng sang bán lẻ xe của Trung Quốc. Tuy nhiên, họ đã phải sớm đóng cửa sau một thời gian hoạt động vì người dân né mua xe Trung Quốc do yếu tố chất lượng.
Tệ tới nỗi, tại một showroom xe Trung Quốc, khi họ đang bàn giao cho khách hàng là một công ty đa quốc gia, chiếc xe mới lăn bánh được một đoạn từ showroom ra bỗng dưng... hỏng!!!
* Còn tiếp: Mời bạn đón đọc bài viết về cách Trung Quốc thay đổi để vào châu Âu, và cách xe Việt Vinfast định vị uy tín, chất lượng khi chuẩn bị vào Mỹ.
Minh Đức
Nhịp sống Việt