Một trong những tảng đá lớn văng xuống vườn nhà dân sau vụ nổ mìn phá đá hôm 5-5 - Ảnh: LÊ TRUNG
Đó là chuyện xảy ra ngày 5-5 ở thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, Quảng Nam. Người dân thêm lo âu chất chồng khi cuộc sống bất an từ lúc mỏ đá vôi ở đây vang những tiếng nổ mìn phá đá.
Mìn nổ rung nhà, đá bay tứ tung
Người dân đã làm đơn kiến nghị tập thể gửi các cấp chính quyền và Phòng tài nguyên - môi trường huyện. Đơn phản ảnh việc đơn vị khai thác đá vôi làm nguyên liệu cho Nhà máy ximăng Xuân Thành (thị trấn Thạnh Mỹ) đã nổ mìn trên đỉnh đồi sát khu dân cư sinh sống.
Lúc 11h45 trưa 5-5 đã nổ mìn làm văng đá lớn, đường kính hơn 1m từ đỉnh núi xuống. Nếu đá lăn vô nhà cửa sẽ nguy hiểm đến tính mạng người dân sinh sống gần khu vực nổ mìn.
Khu vực được cấp phép khai thác đá vôi khá gần với nhà dân và chỉ cách tuyến đường quốc lộ 14B vài trăm mét. Chị Trần Thị Hà (thôn Thạnh Mỹ 2) kể lại trưa 5-5, chị nghe tiếng nổ lớn phát ra từ đỉnh núi đá vôi sau nhà.
"Cả gia đình đang ăn cơm, nghe người dân hô hoán và bỏ chạy ra ngoài đường. Tôi bồng đứa con chạy thục mạng ra đường, tưởng núi lở. Ra đường nhìn thấy khói bụi bay kín một vùng, sau này mới biết họ nổ mìn phá đá" - chị Hà kể.
Còn ông Huỳnh Tấn Tài kể: nghe tiếng mìn nổ lớn anh nhìn ra sau vườn thấy nhiều khối đá bay xuống vườn, cây ngã rụi. "Bà con ai cũng khiếp sợ, nhà cửa rung chuyển. Sợ nhất khi nghĩ đến mùa mưa, khu vực núi đá vôi này sẽ bị sạt lở" - ông Tài bức xúc.
Ông Trần Ngọc Tuấn bức xúc: "Trước khi nổ mìn, họ không thông báo gì để dân chuẩn bị, lỡ đá bay đè người, trâu bò thì sao?".
Yêu cầu làm đê chắn đá rơi
Ông A Viết Sơn - chủ tịch UBND huyện Nam Giang - cho biết sau khi nhận đơn kiến nghị của dân, huyện đã kiểm tra, làm việc với nhà máy ximăng, đơn vị khai thác. "Bên phía họ ghi nhận việc nổ mìn có ảnh hưởng, gây thiệt hại cho người dân. Hiện đã tổng hợp số liệu thiệt hại, nhà máy ximăng cũng thống nhất kiểm tra thực tế nhưng chưa có phương án hỗ trợ thiệt hại về cây cối, hoa màu, nhà cửa.
Việc đánh mìn có nằm trong lưu lượng được cho phép theo quyết định hay không, cái này huyện không có chức năng theo dõi được, chúng tôi muốn cơ quan chức năng của tỉnh kiểm tra" - ông Sơn nói.
Ông Nguyễn Công Bình, trưởng Phòng tài nguyên - môi trường huyện Nam Giang, cho hay việc nổ mìn này đang trong thời gian xây dựng cơ bản, đơn vị khai thác chưa hoạt động. Mới đây huyện làm việc với các đơn vị và yêu cầu phải làm một bờ kè, tuyến đê để chắn đá lăn xuống khu vực vườn, nhà dân, phải bồi thường phần đất của dân từ bờ kè vào mỏ đá. Phải có bờ kè vì sự an toàn khi khai thác đá, phía nhà máy ximăng cũng thống nhất.
Ngày 10-5, Công ty cổ phần Tập đoàn Thai Group có tờ trình gửi tỉnh, huyện đề nghị thống nhất chủ trương thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng khu vực tuyến đê chắn và khu vực hành lang an toàn của dự án khai thác đá vôi làm nguyên liệu sản xuất ximăng tại khu vực Thạnh Mỹ.
Tuy nhiên theo người dân, đê chắn cũng khó an toàn vì đá từ trên đỉnh núi bay văng rất xa. Nhà dân sát mỏ đá có nguy cơ bị rung, nứt vì nổ mìn.
Phải có giải pháp an toàn
Theo tài liệu, tháng 3-2021, Bộ Tài nguyên - môi trường đã có quyết định cho phép Công ty cổ phần Tập đoàn Thai Group khai thác mỏ đá vôi làm nguyên liệu sản xuất ximăng tại khu vực Thạnh Mỹ, thị trấn Thạnh Mỹ với diện tích 31ha, trữ lượng khai thác hơn 44 triệu tấn, công suất hơn 1,5 triệu tấn/năm, trong thời hạn 29 năm.
Bộ yêu cầu doanh nghiệp phải có biện pháp giảm thiểu các tác động tới cộng đồng dân cư, bảo vệ quốc lộ 14B trong khu vực khai thác. Trường hợp có dấu hiệu không đảm bảo an toàn phải dừng ngay hoạt động, có biện pháp khắc phục kịp thời.
TTO - UBND huyện Nam Đông và Sở Tài nguyên - môi trường Thừa Thiên Huế yêu cầu Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh ngừng thi công mỏ đá tại huyện Nam Đông, khi mỏ đá đã hết hạn khai thác từ cuối năm 2020.
Xem thêm: mth.36975209081501202-iov-ad-om-hnac-gnos-pon-mon/nv.ertiout