Đó là số liệu mà của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM vừa công bố tại báo cáo về tình hình hoạt động của tổ chức tín dụng trên địa bàn trong tháng 4-2021.
Theo đó, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố tính đến ngày 30-4 ước đạt 2,92 triệu tỉ đồng, tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 0,65% so với cuối năm trước.
Trong đó, tiền gửi tiết kiệm của khách hàng cá nhân ước đạt 1,13 triệu tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 39% và tăng 0,35% so với tháng trước, tăng 1,57% so với cuối năm.
Tiền gửi thanh toán của tổ chức kinh tế ước đạt 1,55 triệu tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 53% và tăng 0,42% so với tháng trước, giảm 0,38% so với cuối năm.
Theo NHNN, từ tháng 3-2021, huy động vốn trên địa bàn đã bắt đầu tăng trở lại với mức tăng đạt 0,76% so với tháng trước đó và là tháng đầu tiên tăng trưởng huy động vốn kể từ đầu năm.
Như vậy, sau 2 tháng lượng tiền huy động giảm đáng kể, tháng 1 giảm 0,26% và tháng 2 giảm 0,25%, thì đến tháng 3 dòng tiền nhàn rỗi trong dân và tổ chức kinh tế đã quay trở lại nhà băng cho dù lãi suất tiền gửi hiện vẫn duy trì ở mức thấp.
Theo thống kê, lãi suất huy động bằng VNĐ trên địa bàn thành phố được áp dụng phổ biến ở mức 3,2% - 3,5%/năm đối với kỳ hạn dưới 6 tháng; mức 2,9% - 5,8%/năm đối với kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng; mức 3,8% - 6,3%/năm đối với các kỳ hạn trên 12 tháng.
NHNN chi nhánh TP.HCM dự ước đến cuối tháng 4, vốn huy động trên địa bàn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng (tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 0,65% so với cuối năm ngoái).
Bộ phận tiền gửi tiết kiệm dân cư duy trì tăng trưởng so với cuối năm trước (tăng 1,22%) và chiếm tỷ trọng khoảng 39% trong tổng huy động vốn.
Đáng lưu ý là tiền gửi thanh toán chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng với tỉ lệ đạt khoảng 53%.
Điều đó cho thấy việc quy định duy trì số dư trong tài khoản thanh toán, áp dụng các chính sách ưu đãi khi chuyển tiền trong nội mạng cũng như chuyển tiền liên ngân hàng của khách hàng chính là cách dễ dàng nhất khai thác tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đối với ngân hàng.
Để gia tăng tỷ trọng CASA, nhiều ngân hàng cũng đẩy mạnh các chương trình ưu đãi nhằm thu hút khách hàng.
Mới đây, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) áp dụng chiêu ưu đãi siêu miễn phí khi chuyển khoản online, thanh toán hóa đơn hay rút tiền, thông qua sản phẩm gói tài khoản ưu việt. Ngoài miễn phí, “thượng đế” còn được tặng thêm nhiều lợi ích khác như: tặng thêm đến 0,5% lãi suất khi gửi tiết kiệm online, hạn mức chuyển khoản cao lên đến 6 tỉ đồng/ngày, hoàn tiền tới 3,6 triệu đồng/năm khi thanh toán hóa đơn, nạp tiền tự động …
Hay như, Agribank cũng vừa công bố chính sách miễn phí 100% phí dịch vụ chuyển tiền trong hệ thống Agribank, áp dụng trên tất các kênh thanh toán: tại quầy giao dịch, ATM, Agribank E-Mobile Banking, SMS Banking, Bankplus.Đơn vị này cũng miễn 100% phí dịch vụ chuyển tiền ra ngoài hệ thống Agribank, áp dụng trên các kênh ngân hàng điện tử: ATM, Agribank E-Mobile Banking.
Theo báo cáo của Vụ Thanh toán NHNN, so với cùng kỳ 3 tháng đầu năm 2020, giao dịch qua kênh Internet tăng tương ứng 55,9% về số lượng và 28,4 % về giá trị; giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 78% về số lượng và 103% về giá trị; giao dịch qua kênh QR code tăng tương ứng 83% về số lượng và 146% về giá trị.