vĐồng tin tức tài chính 365

Thứ trưởng Bộ NNPTNT: Nguyện vọng của ông Hồ Quang Cua rất tốt

2021-05-18 16:21

Trước nguyện vọng bán quyền sở hữu giống ST25 cho Nhà nước ông Hồ Quang Cua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định: Đó là nguyện vọng chính đáng và rất tốt. Nếu được thực hiện, nhiều doanh nghiệp, đơn vị có thể khai thác được giống lúa này.

Sau khi gạo ST25 bị đăng ký thương hiệu ở Mỹ và mới đây là ở Úc, Anh hùng lao động Hồ Quang Cua - "cha đẻ" gạo ngon nhất thế giới năm 2019 - bày tỏ mong muốn được nhượng bản quyền giống lúa thơm ST25 lại cho Nhà nước.

Trước nguyện vọng này của ông Hồ Quang Cua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho hay, để định giá mua bản quyền giống lúa ST25, cần bàn bạc rất kỹ lưỡng, có căn cứ các bên. Do đó, sẽ có hội đồng tư vấn để giúp Bộ thực hiện việc này.

Kỹ sư Hồ Quang Cua, cha đẻ của giống gạo ST25. Ảnh: Nhật Hồ
Kỹ sư Hồ Quang Cua, cha đẻ của giống gạo ST25. Ảnh tư liệu của Nhật Hồ (chụp trước tháng 5.2021)

Nguyện vọng của ông Cua là chính đáng

Thưa Thứ trưởng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có sẵn sàng tiếp nhận quyền sở hữu đối với giống lúa ST25 của ông Hồ Quang Cua?

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương đã ngồi bàn với nhau để hỗ trợ cho doanh nghiệp Hồ Quang Trí và cá nhân ông Hồ Quang Cua trong vấn đề bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu ở thị trường nước ngoài.

Ngay lập tức, doanh nghiệp này phối hợp với tập đoàn PAN thực hiện việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu ở Mỹ và phía Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ (USPTO) đã nhận được hồ sơ rồi.

Với giống lúa ST25, ông Hồ Quang Cua có nguyện vọng bán quyền sở hữu giống cho Nhà nước, tôi cho rằng đó là nguyện vọng chính đáng và rất tốt, để nhiều doanh nghiệp, nhiều đơn vị có thể khai thác được giống lúa ST24, ST25.

Nguyện vọng muốn nhượng quyền sở hữu giống lúa ST25 cho Nhà nước đã được ông Hồ Quang Cua gửi đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chưa, hay đó mới chỉ là phát biểu của ông Cua trên báo chí?

- Đến bây giờ ông Hồ Quang Cua, cũng như doanh nghiệp Hồ Quang Trí cũng chưa có văn bản đề nghị. Song, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã giao Cục Trồng trọt trực tiếp liên hệ với ông Cua.

Nếu giả sử ông Cua có văn bản ra, Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc được sử dụng kinh phí trong Chương trình giống 2021-2025, mua lại quyền sở hữu giống lúa này, đồng thời giao cho Cục Trồng trọt quản lý.

Căn cứ nào để định giá mua bản quyền giống lúa ST25? Thưa Thứ trưởng?

- Dù đây là vụ mua bán chưa có tiền lệ về chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ từ cá nhân cho cơ quan quản lý nhà nước, nhưng văn bản quy phạm pháp luật trong việc này đã có rồi. Chúng ta có thể lấy đó là một trong những căn cứ để hình thành nên mức giá.

Cụ thể, như Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, Luật Chuyển giao Công nghệ và các văn bản liên quan đã được khẳng định rất rõ về trách nhiệm, quyền hạn và quyền lợi của tác giả.

Theo đó, tối thiểu tác giả sẽ nhận được không dưới 30% giá trị làm lợi của công trình và dựa trên căn cứ kinh phí triển khai đề tài…

Việc mua bán bản quyền, quyền sở hữu đối với giống lúa này chắc chắn phải có cơ quan thẩm định giá, Bộ khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để bàn bạc kỹ lưỡng, chuẩn xác.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến. Ảnh: V.T
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến (ảnh chụp tháng 5.2020). Ảnh: V.T

Nhượng quyền sở hữu giống lúa ST25 cho Nhà nước để tránh độc quyền

Sau khi giống lúa ST24, ST25 được chuyển nhượng cho Nhà nước sẽ có những thuận lợi thế nào để phổ biến rộng rãi cho bà con nông dân?

- Việc ông Hồ Quang Cua có nguyện vọng chuyển giao quyền sở hữu giống lúa ST25 cho Nhà nước là để tránh sự độc quyền. Đó là lý do tại sao nhiều doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng trả giá cao hơn để sở hữu giống lúa này nhưng ông Cua không bán.

Khi Nhà nước quản lý thì giống lúa đặc sản này sẽ được phổ biến rộng rãi hơn, tỉ trọng hàng hoá cao hơn, sản lượng lớn hơn.

Trên thực tế, nhiều nhà khoa học hoặc doanh nghiệp chỉ chú trọng đến việc bán được sản phẩm hay không, không có nhiều kinh nghiệm hay nguồn lực để đăng ký bảo hộ thương hiệu, sở hữu trí tuệ ở nước ngoài. Theo ông, việc bảo hộ thương hiệu nông sản hiện nay cần có sự phối hợp giữa ngành chức năng và doanh nghiệp như thế nào để thương hiệu nông sản Việt không bị mất đi như những trường hợp đã từng xảy ra?

- Hiện nay, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào thị trường thế giới với hàng loạt hiệp định tự do thế hệ mới. Tuy nhiên, sự hiểu biết và vận dụng về luật pháp quốc tế trong nông sản vẫn còn hạn chế nhất định.

Do vậy, tới đây việc bảo hộ sở hữu trí tuệ giống lúa ST24, ST25, gạo ST24, ST25 nói riêng và nông sản nói chung chắc chắn phải có sự hỗ trợ của Nhà nước, trong đó có Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương, Bộ KHCN. Các bộ sẽ phải bàn với nhau để giải quyết vấn đề về bảo vệ thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới thế nào.

Nhiều doanh nghiệp cũng đã có kinh nghiệm về các vụ kiện quốc tế như Công ty Tôm Minh Phú thuê công ty luật để bảo vệ cho mình. Tương tự, sản phẩm cá tra chúng ta cũng đã làm thành công.

- Cảm ơn ông đã chia sẻ!

Xem thêm: odl.115019-tot-tar-auc-gnauq-oh-gno-auc-gnov-neyugn-tntpnn-ob-gnourt-uht/et-hnik/nv.gnodoal

Comments:0 | Tags:No Tag

“Thứ trưởng Bộ NNPTNT: Nguyện vọng của ông Hồ Quang Cua rất tốt”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools