Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu kho chứa, hệ thống bảo quản nông sản hiện đại đang trở nên bức thiết.
Thiếu nghiêm trọng hệ thống bảo quản
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương đã lập các phương án để tiêu thụ nông sản, tích cực xúc tiến thương mại tìm đầu ra cho hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản.
Trong đó, việc xây dựng các kho bảo quản, tích trữ nông sản đang là vấn đề quan trọng trong thời điểm dịch bệnh ảnh hưởng đến chuỗi tiêu thụ, cung ứng hàng hóa.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Bắc Giang, Hợp tác xã Công nghệ cao Khang Thịnh, xã Tự Lạn (Việt Yên – Bắc Giang) đã thực hiện bảo quản hàng chục tấn nông sản trong kho lạnh như: Bí xanh, khoai sọ, bắp cải và nhiều loại rau xanh khác.
Với việc áp dụng công nghệ, bảo quản nông sản sau thu hoạch, sẽ đảm bảo nông sản không bị ùn ứ, phải đổ bỏ nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Tại Hà Nội, không riêng gì mặt hàng hoa tươi, nhiều hộ nông dân cũng đã đầu tư kinh phí để xây các nhà lạnh nhằm bảo quản nông sản sau thu hoạch. Tuy nhiên, phần lớn các nhà lạnh này đều được làm tự phát, quy mô nhỏ, thiết kế thô sơ, cần được xây dựng bài bản hơn mới đáp ứng yêu cầu bảo quản nông sản, đặc biệt là các nông sản phục vụ xuất khẩu.
Trao đổi với PV Lao Động, ông bà Nguyễn Thị Hà (Tây Tựu - Từ Liêm - Hà Nội) - cho biết: Nhiều hộ trồng hoa ở Tây Tựu không muốn đầu tư kho lạnh, bởi giá thành hoa đang rất rẻ, thêm kho lạnh sẽ thêm chi phí, người trồng hoa sẽ lỗ nặng hơn nếu sản phẩm bị ứ thừa.
Theo Bộ NNPTNT, nhu cầu kho lạnh của Việt Nam hiện nay rất lớn. Trong khi đó, cả nước hiện có 48 kho lạnh làm dịch vụ bảo quản nông thủy sản với công suất khoảng 700.000 palet và hàng nghìn kho lạnh với tổng công suất bảo quản ước đạt 2 triệu tấn sản phẩm phục vụ chủ yếu là xuất khẩu.
Với số lượng và công suất hạn chế như vậy, chưa đáp ứng được nhu cầu bảo quản nông sản, thủy sản phục vụ nhu cầu bảo quản tươi và chế biến xuất khẩu. Đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, nhu cầu bảo quản, tích trữ nông sản sau thu hoạch đang tăng lên rất lớn.
Gánh nặng chi phí đầu tư
Trao đổi với PV Lao Động chiều 18.5.2021, ông Phạm Thái Bình – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An - chia sẻ: Gạo là một mặt hàng kinh doanh, xuất khẩu có điều kiện (phải được Bộ Công Thương cấp phép); doanh nghiệp muốn mạnh trong ngành hàng này phải luôn chủ động nguồn hàng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng xuyên suốt 12 tháng trong năm, với chất lượng giá cả luôn ổn định.
Muốn đạt được như vậy thì doanh nghiệp phải có vùng nguyên liệu trồng lúa ổn định; song song theo đó phải có hệ thống sấy lúa ướt và chứa lúa khô với công nghệ tiên tiến hiện đại theo dây chuyền tự động.
"Với 10 silo, mỗi silo chứa 3.000 tấn, chi phí đã hết 3 triệu USD, đây là khoản chi hoàn toàn không nhỏ. Tuy nhiên, xây hệ thống silo dù đắt vậy nhưng tính ra vẫn rẻ hơn xây kho chứa.
Bởi nếu chứa lúa khô trong kho không thực hiện được vì không đủ nhân công đâu xúc lúa bào bao, cất vào kho... Làm như vậy không đáp ứng được tiến độ, trong khi hệ thống silo thì hoàn toàn tự động và dự trữ theo công nghệ Châu Âu chất lượng lúa gạo hoàn toàn yên tâm. Chính vì vậy, chúng tôi chuẩn bị đầu tư thêm 20 silo để tăng sức chứa thêm 60.000 tấn nữa!” – ông Phạm Thái Bình nói.
Nhiều thương nhân cũng cho biết, để đầu tư một hệ thống bảo quản nông sản sau thu hoạch đúng tiêu chuẩn, yêu cầu quốc tế, chi phí đầu tư hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu USD, nên đây là vấn đề hoàn toàn không nhỏ. Chính vì vậy, nếu không có thị trường ổn định, nhiều doanh nghiệp chọn giải pháp thuê kho lạnh theo thời vụ.
Xem thêm: odl.525019-91-divoc-hneb-hcid-hnac-iob-gnort-nas-gnon-nauq-oab-ohk-ueiht-oc-yugn/et-hnik/nv.gnodoal