vĐồng tin tức tài chính 365

Đại dịch và khủng hoảng tâm lý

2021-05-18 19:41

Đại dịch và khủng hoảng tâm lý

Nguyễn An Nam

(KTSG) - Thời kỳ khó khăn do đại dịch Covid-19 đang quét qua từng quốc gia, từng gia đình và cá nhân. Kinh tế suy giảm; sự gò bó của không gian sống buộc phải giảm hướng ngoại và di chuyển; những trở lực trên con đường mưu sinh; sự thay đổi đột ngột các mục tiêu, kế hoạch công việc, thậm chí là sự sụp đổ những dự tính lớn lao trong sự nghiệp... đều là những nguyên nhân có thể dẫn đến khủng hoảng tâm lý.

Bóng ma khủng hoảng tâm lý có sức tàn phá và hủy diệt con người không kém gì so với bóng ma tai ương mà đại dịch gây ra.

Ở tầm mức quốc gia, bộ mặt khủng hoảng y tế và nhân đạo đang thể hiện ở Ấn Độ, quốc gia có số tỉ phú đứng thứ ba thế giới (theo Forbes) và có hơn 4.000 người chết mỗi ngày vì Covid-19. Sự khủng hoảng dai dẳng cũng kéo theo những bất ổn xã hội thể hiện trong các cuộc bạo động ở các nước Mỹ Latinh hay sự gia tăng phân biệt chủng tộc như tại Mỹ với các cuộc tấn công nhằm vào người gốc Á...

Trong bức tranh thu nhỏ ở phạm vi từng gia đình, từng trường học, cuộc khủng hoảng ngấm ngầm đó cũng góp phần dẫn đến tỷ lệ ly hôn gia tăng ở Anh, Mỹ và nhiều quốc gia; tỷ lệ học sinh tự sát vì áp lực cũng tăng đột biến tại Nhật (theo báo cáo của Bộ Giáo dục Nhật Bản, năm 2020, nước này có 479 học sinh tiểu học và trung học tự sát, tăng cao so với năm 2019).

Trong một bài ghi nhận tỷ lệ ly hôn gia tăng ở Anh, phóng viên BBC dẫn lời nhà nghiên cứu nhân khẩu học tại Đại học Umea (Thụy Điển): “Số lượng các cuộc ly hôn có xu hướng gia tăng trong các thời kỳ kinh tế suy thoái. Sự bất ổn về tài chính trong gia đình dễ dẫn tới bất ổn trong hôn nhân”.

Trong khi đó, The Japan Times dẫn một số nghiên cứu, lý giải nguyên do học sinh tự tử gia tăng trong đại dịch tại Nhật Bản là bởi các em lo lắng, hoang mang về tương lai, việc học bị gián đoạn, sa sút, và sự rạn nứt trong quan hệ với phụ huynh.

Những sang chấn tâm lý, nguy cơ trầm cảm bởi đại dịch đang là vấn đề nhức nhối nhưng nó lại ít được quan tâm trị liệu và chưa được xem là hạng mục cấp bách cần giải quyết bởi mọi nỗ lực y học tại các quốc gia đều đang đổ dồn vào việc khống chế dịch bệnh.

Có thể nói Việt Nam cũng không ngoại lệ, bởi hệ lụy mà đại dịch hiện nay đang tạo ra là kịch bản chung. Việt Nam dẫu là quốc gia được ghi nhận có sự thành công nhất định trong kiểm soát dịch bệnh, nhưng trong một thế giới không thể gián đoạn các thiết lập tương quan với bên ngoài, không nơi nào có thể tự tin cho rằng mình được yên thân, nhất là khi các nước láng giềng đều “thấm đòn” dịch bệnh.

Cũng có nghĩa cùng với những kịch bản ứng phó tai ương dịch bệnh, kịch bản cho khủng hoảng tâm lý cũng cần được chuẩn bị một cách đầy đủ ở quy mô quốc gia - trong không gian giáo dục, trong các gia đình, cho đến ý thức rèn luyện của mỗi cá nhân, để tăng sức đề kháng, khả năng thích ứng và sống còn.

Thiết nghĩ, những chương trình tư vấn tâm lý qua mạng Internet, những không gian chia sẻ trực tuyến để giải quyết các trục trặc trong đời sống tinh thần cần sớm được xây dựng để tạo ra những cộng đồng giúp đỡ nhau hóa giải các khó khăn gặp phải.

Đặc biệt, các kênh tư vấn tâm lý được nhà trường tổ chức bên ngoài chương trình học cho học sinh, theo cách mà một trường phổ thông ở Hà Nội vừa thử nghiệm, có thể là hình mẫu cần nhân rộng, giúp học sinh tìm thấy sự cân bằng.

Và trong hoàn cảnh dịch bệnh dễ dẫn đến sự bi quan như hiện tại, cần thêm những nỗ lực vượt thoát các nguy cơ tác động xấu đến tâm lý. Trên thực tế, việc cha mẹ hướng con trẻ đến những khám phá tri thức và giải trí thông qua phương tiện công nghệ đang là một xu hướng.

Tại Ấn Độ, ngay trong bối cảnh dịch bệnh khiến nhiều người hoảng loạn, một nhóm học sinh đã đứng ra thiết lập một ứng dụng tiếp nhận những lời kêu cứu chăm sóc y tế với các tổ chức trợ giúp y tế cấp thời đang tạo ra những hình ảnh đẹp, hay việc những nhóm thiện nguyện tại Việt Nam giữ vững tinh thần săn sóc sự học cho trẻ em nghèo cũng là ví dụ về sức lan tỏa thông điệp chữa lành.

Nhìn một cách tích cực, đại dịch gần như một điều kiện giúp cân chỉnh giá trị sống của con người thời hiện đại. Đã có những xu hướng thị trường cho thấy sự dịch chuyển văn hóa thú vị. Như trong đại dịch, người ta đọc sách nhiều hơn. Số lượng sách phát hành tại Anh quốc và một số nước phương Tây đang gia tăng.

Riêng tại Anh, doanh số sách năm 2020 tăng 7% so với 2019. Phải chăng cuộc khám phá tri thức, làm giàu đời sống tinh thần là những mục tiêu mà con người hướng tới trong hoàn cảnh sự chóng vánh của sự hiện đại hào nhoáng bị phơi bày.

Quan tâm nhiều hơn đến những chuyển biến trong tâm hồn con người; chăm chút đời sống và những giá trị tinh thần cho chính mình và những người thân yêu, kể cả tha nhân, để cùng nhau thoát ra nguy cơ nghèo nàn và khô cằn mà đại dịch mang lại, đó là phận sự của mỗi xã hội và mỗi con người trong nghịch cảnh chung. 

Xem thêm: lmth.yl-mat-gnaoh-gnuhk-av-hcid-iad/042613/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Đại dịch và khủng hoảng tâm lý”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools