vĐồng tin tức tài chính 365

Kiểm toán nêu loạt vấn đề về phân loại nợ, trích lập dự phòng tại PVcomBank

2021-05-19 03:52

Kiểm toán nêu loạt vấn đề về phân loại nợ, trích lập dự phòng tại PVcomBank

Hoàng Thắng

(KTSG Online) - Kiểm toán viên của Công ty Hãng Kiểm toán AASC cho rằng PVcomBank sẽ giảm 541,198 tỉ đồng nếu thực hiện đầy đủ quy định về phân loại nợ, trích lập dự phòng và thoái lãi dự thu với các khoản cho vay khách hàng.

Kiểm toán viên của Hãng kiểm toán AASC chưa thể xác định khả năng thu hồi các khoản phải thu của PVcomBank. Ảnh minh hoạ: H. Thắng. 

 Bốn ý kiến ngoại trừ về phân loại nợ và trích lập dự phòng tại PVcomBank

Báo cáo tài chính năm 2020 đã kiểm toán của Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) cho thấy, thu nhập lãi thuần của ngân hàng chỉ ở mức 1.639,6 tỉ đồng, giảm 6% so với năm 2019.

Một số khoản thu ngoài lãi của PVcomBank ghi nhận sự tăng trưởng so với năm 2019. Cụ thể, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ dịch vụ ở mức 232,9 tỉ đồng, tăng 26,6%, lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh ở mức 184,4 tỉ đồng – tăng 158,9%, lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư là gần 812,8 tỉ đồng – tăng 26%.

Còn thu nhập từ hoạt động góp vốn, mua cổ phần là 89,9 tỉ đồng, giảm 63,4%.

Ngược lại, hoạt động kinh doanh ngoại hối của PVcomBank ghi nhận khoản lỗ hơn 121 tỉ đồng trong năm 2020, tăng 9% so với năm 2019.

Chi phí hoạt động của ngân hàng là 2.341,6 tỉ đồng trong năm 2020, tăng 11,1% so với năm 2019. Điều này khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2020 của ngân hàng chỉ còn 453,9 tỉ đồng, giảm 23,5% so với năm 2019.

PVcomBank cũng tiến hành trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng năm 2020 ở mức 378,2 tỉ đồng giảm 1% so với năm 2019.

Kết quả, PVcomBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế năm 2020 ở mức 75,7 tỉ đồng, giảm 64% so với năm 2019. Còn lợi nhuận sau thuế ở mức 73,5 tỉ đồng, giảm 65%.

Tổng nợ xấu của ngân hàng ở mức 2.627 tỉ đồng tính tới 31-12-2020, tăng 27% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn ở mức hơn 750 tỉ đồng - tăng 45%, nợ có khả năng mất vốn ở mức 1.157,7 tỉ đồng - tăng 26%.

Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dự nợ vay tăng từ mức 2,63% lên 3,12%.

Nợ nghi ngờ của ngân hàng ở mức 718,9 tỉ đồng, tăng 15% so với thời điểm đầu năm.

Tuy nhiên, kiểm toán viên của Công ty kiểm toán AASC – đơn vị thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính - đã đưa ra loạt ý kiến ngoại trừ về việc phân loại nợ, trích lập dự phòng, các khoản phải thu, tài sản đảm bảo để cấn trừ nợ của PvcomBank.

Thứ nhất, ngân hàng chưa thực hiện phân loại nhóm nợ, trích lập dự phòng và thoái lãi dự thu với các khoản cho vay của khách hàng theo quy định hiện hành.

Cụ thể, số dự phòng rủi ro cho vay và lãi thoái thu mà PVcomBank cần ghi nhận bổ sung – không bao gồm các khoản cho vay được giữ nguyên nhóm nợ theo Đề án tái cơ cấu Ngân hàng giai đoạn 2016-2020 (Đề án tái cơ cấu - PV) và phương án cơ cấu lại của PVcomBank đến năm 2030 (Phương án cơ cấu lại -PV) - lần lượt là 821,49 tỉ đồng và 1.215 tỉ đồng.

Theo kiểm toán viên của AASC, chỉ tiêu ‘dự phòng rủi ro cho vay và ứng trước khách hàng’ – thuộc bảng cân đối kế toán hợp nhất năm 2020 - sẽ tăng 821,49 tỉ đồng nếu PVcomBank thực hiện theo đúng quy định. Còn chỉ tiêu ‘các khoản lãi, phí phải thu’ và ‘lợi nhuận chưa phân phối’ sẽ giảm lần lượt 1.215 tỉ đồng và 2.037 tỉ đồng, theo kiểm toán viên của AASC.

Ngoài ra, chỉ tiêu ‘lợi nhuận trước thuế’ - thuộc báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2020 – sẽ giảm 541,189 tỉ đồng.

Thứ hai, PVcomBank chưa thực hiện phân loại nhóm nợ, trích lập dự phòng và thoái lãi dự thu đầy đủ đối với các khoản đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết được ghi nhận tại ngày 31-12-2020.

Kiểm toán viên cho rằng số dự phòng rủi ro chứng khoán kinh doanh, dự phòng rủi ro chứng khoán đầu tư và lãi thoái thu cần ghi nhận bổ sung – không bao gồm các trái phiếu được giữ nguyên nhóm nợ theo Đề án tái cơ cấu và các trái phiếu giữ nguyên nhóm nợ, thu hồi nợ, trích lập dự phòng, thoái thu lãi theo Phương án cơ cấu lại - lần lượt là 25,76 tỉ đồng, 109,361 tỉ đồng và 27,213 tỉ đồng.

Theo đó, chỉ tiêu ‘dự phòng rủi ro chứng khoán kinh doanh’ và ‘dự phòng rủi ro chứng khoán đầu tư’ sẽ tăng lần lượt 25,76 tỉ đồng và 109,361 tỉ đồng nếu PVcomBank thực hiện theo đúng quy định.

Còn chỉ tiêu ‘các khoản lãi, phí phải thu” và ‘lợi nhuận chưa phân phối” sẽ giảm lần lượt 27,213 tỉ đồng 162,334 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, chỉ tiêu ‘lợi nhuận trước thuế’ sẽ tăng 64,541 tỉ đồng.

Thứ ba, PVcomBank chưa thực hiện trích lập dự phòng rủi ro cho các tài sản có nội bảng khác đầy đủ theo quy định.

Kiểm toán viên cho rằng chỉ tiêu ‘các khoản dự phòng rủi ro cho các tài sản Có nội bảng khác” sẽ tăng lên và “Lợi nhuận chưa phân phối” – thuộc bảng cân đối kế toán hợp nhất - sẽ cùng giảm 253,924 tỉ đồng nếu ngân hàng thực hiện đúng quy định.

Còn ‘lợi nhuận trước thuế” – thuộc báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất - sẽ giảm 130,262 tỉ đồng.

Thứ tư, PVcombank ghi nhận một số khoản thu nhập từ bán một số khoản đầu tư chứng khoán vốn và khoản đầu tư dài hạn trong năm 2017, nhưng chưa thỏa mãn các điều kiện ghi nhận doanh thu theo Chuẩn mực kế toán.

Tới năm 2020, ngân hàng đã thu hồi một khoản đầu tư dài hạn đã bán trên và hạch toán lãi phát sinh từ giao dịch này trong năm 2017 vào chi phí hoạt động khác.

Kiểm toán viên cho rằng các chỉ tiêu ‘chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán’, ‘đầu tư dài hạn khác’, “dự phòng giảm giá đầu tư dài hạn’ sẽ tăng lần lượt 51,421 tỉ đồng, 11,5 tỉ đồng và 2,33 tỉ đồng nếu ngân hàng thực hiện đúng quy định.

Còn chỉ tiêu ‘các khoản phải thu’ và ‘lợi nhuận chưa phân phối’ sẽ giảm đi tương ứng là 160,102 tỉ đồng và 100,511 tỉ đồng.

Ngoài ra, chỉ tiêu ‘lợi nhuận trước thuế” sẽ tăng thêm 37,556 tỉ đồng.

“Nếu hạch toán đúng theo các ý kiến trên, hợp nhất năm 2020, PVcomBank sẽ lỗ gần 493,6 tỉ đồng thay vì con số lãi trước thuế gần 76 tỉ đồng trên báo cáo”, kiểm toán viên của AASC kết luận.

Chưa xác định được khả năng thu hồi khoản đầu tư vào Đông Thịnh Phát

Với các khoản phải thu của PVcomBank, kiểm toán viên cho biết ngân hàng đã thực hiện chuyển nhượng khoản đầu tư góp vốn mua cổ phần cho Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đông Thịnh Phát theo phương án trả chậm.

Việc thanh toán khoản chuyển nhượng này được chia thành 3 đợt với tổng giá trị phải thu là 727,8 tỉ đồng. Nhưng đối tác mới thanh toán 6 tỉ đồng tính tới thời điểm lập báo cáo tài chính, còn PVcombank đã phải trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi theo thời gian quá hạn hợp đồng với số tiền 161 tỉ đồng.

“Kiểm toán chưa thể xác định được khả năng thu hồi đầy đủ của khoản phải thu này, do đó kiểm toán không thể xác định liệu có cần thiết phải điều chỉnh các số liệu này hay không”, kiểm toán viên của AASC cho biết.

Ngoài ra, PVcomBank đã nhận bàn giao tài sản đảm bảo để cấn trừ nợ của một khoản trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết với tổng giá trị tài sản đảm bảo được cấn trừ nợ là 736,68 tỉ đồng. Thu nhập phát sinh từ giao dịch này là 240,204 tỉ đồng.

Nhưng tương tự khoản phải thu Công ty Đông Thịnh Phát, kiểm toán viên chưa thể xác định giá trị lợi ích kinh tế sẽ thu được từ giao dịch. Đồng thời chưa khẳng định việc ghi nhận thu nhập này có đảm bảo nguyên tắc thận trọng theo quy định không.
 

Xem thêm: lmth.knabmocvp-iat-gnohp-ud-pal-hcirt-on-iaol-nahp-ev-ed-nav-taol-uen-naot-meik/224613/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Kiểm toán nêu loạt vấn đề về phân loại nợ, trích lập dự phòng tại PVcomBank”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools