Mật ong Việt Nam: Làm thế nào để hưởng thuế suất riêng rẽ khi xuất vào Mỹ?
L. Nhi
(KTSG Online) - Mỹ đã chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá (CBPG) đối với sản phẩm mật ong từ 5 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để mật ong Việt Nam có thể hưởng mức thuế suất riêng rẽ, thấp hơn các mức trong khung phía nguyên đơn đề xuất.
Mật ong Việt Nam lần đầu "bơi ra biển" và gặp rào cản bị điều tra chống bán phá giá Ảnh:TTXVN |
Ngày 14-5-2021, Bộ Công Thương nhận được thông tin việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) chính thức khởi xướng điều tra CBPG đối với sản phẩm mật ong có xuất xứ từ Argentina, Brazil , Ấn Độ, Ucrainavà Việt Nam. Nguyên đơn trong vụ việc này là Hiệp hội các nhà sản xuất mật ong Mỹ và Hiệp hội mật ong Sioux. Hàng hóa bị điều tra là 5 loại mật ong thô được phân loại theo mã của Mỹ. Các doanh nghiệp cần kiểm tra đối chiếu với mã HS và mô tả sản phẩm của Mỹ khi xuất khẩu. Thời kỳ thu thập số liệu bán phá giá (POI): Từ ngày 1-10-2020 đến ngày 31-3-2021.Biên độ bán phá giá do DOC ước tính với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam: Trong khoảng 47,56% - 138,23%. Đây là một mức thuế rất cao và nếu bị áp mức thuế này, mật ong Việt Nam khó có thể có cửa xuất khẩu sang Mỹ.
Dự kiến, thời gian điều tra là 12 tháng (có thể gia hạn thêm 6 tháng theo quy định của Mỹ). Hiện nay, DOC đã ban hành Bản câu hỏi về lượng và giá trị (Q&V) xuất khẩu để xem xét lựa chọn bị đơn bắt buộc. Thời hạn nộp Bản câu hỏi Q&V đến 27-5-2021 (theo giờ của Mỹ). DOC sẽ ban hành bản câu hỏi đầy đủ cho các doanh nghiệp và thời hạn trả lời là 30 ngày.
Vấn đề đặt ra với các nhà xuất khẩu Việt Nam là làm thế nào để hạn chế mức thuế bị áp và có thể hưởng mức thuế suất riêng rẽ (không giống như các bị đơn không hợp tác). Bộ Công Thương khuyến cáo: Hiệp hội và doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu mật ong nên hợp tác với DOC trả lời Bản câu hỏi Q&V.
Các doanh nghiệp đã trả lời bản câu hỏi Q&V này nhưng không được lựa chọn làm bị đơn bắt buộc có thể nộp đơn xin hưởng thuế suất riêng rẽ (separate rate). Trong các vụ việc trước đây DOC điều tra, nếu doanh nghiệp không trả lời bản câu hỏi Q&V thì không được DOC xem xét hưởng thuế suất riêng rẽ. Đồng thời đọc kỹ hướng dẫn của DOC để trả lời và nộp Bản trả lời câu hỏi theo đúng định dạng và thời hạn quy định. Việc chậm nộp so với thời hạn quy định hầu như không được DOC chấp nhận trong mọi trường hợp.
Mặt khác, doanh nghiệp phải thường xuyên phối hợp, cung cấp thông tin cho Bộ Công Thương (Cục Phòng vệ thương mại- PVTM) để nhận được sự hỗ trợ kịp thời. Bất kỳ hành động thể hiện sự bất hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ có thể dẫn tới việc Cơ quan điều tra Mỹ sử dụng các chứng cứ sẵn có bất lợi hoặc áp dụng mức thuế CBPG cao nhất.
Đây là lần đầu tiên sản phẩm mật ong của Việt Nam có nguy cơ bị điều tra biện pháp PVTM và có thể là vụ việc điều tra PVTM thứ ba trên thế giới sau vụ việc Mỹ điều tra CBPG đối với mật ong Trung Quốc và vụ việc Mỹ điều tra CBPG và chống trợ cấp đối với mật ong Argentina năm 2001.
Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp, làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nuôi ong Việt Nam và các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong sang Mỹ nhằm chủ động nắm bắt thông tin và chuẩn bị phương án ứng phó kịp thời trong trường hợp bị khởi xướng điều tra.