Bắc Giang dựng kịch bản tiêu thụ 180.000 tấn vải thiều trong 'mùa' Covid-19
Nam Bình
(KTSG Online) – Mùa vải thiều ở Bắc Giang sắp vào vụ thu hoạch trong khi dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp ở địa phương này với hàng chục ca nhiễm mới mỗi ngày. Trước tình hình này, UBND tỉnh Bắc Giang đã lập ra nhiều kịch bản nhằm tìm đầu ra cho khoảng 180.000 tấn vải thiều trong vụ này.
Xây thêm lò sấy, chủ động khâu tiêu thụ
Chỉ còn vài ngày nữa là vào chính vụ thu hoạch vải thiều. Đây là thời điểm “làm kinh tế” chính trong năm của bà con trồng vải ở Lục Ngạn (Bắc Giang). Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến việc thu hoạch, tiêu thụ vải có thể bị ảnh hưởng.
Ngày 17-5, UBND tỉnh này đã ban hành kế hoạch tiêu thụ vải thiều trong tình hình dịch bệnh Covid-19. Trong kế hoạch này, tỉnh Bắc Giang đưa ra các kịch bản cụ thể để thông suốt các khâu từ thu hoạch, chế biến đến tiêu thụ trái vải trong vụ mùa năm nay.
Ông Trần Bá Linh, Chủ tịch HĐQT Kiêm Giám đốc HTX Cây ăn quả Lục Ngạn (có trụ sở tại xã Tân Quang, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) cho biết, từ đầu năm nay, HTX đã vận động bà con xây thêm lò sấy dự phòng.
Trong trường hợp vì ảnh hưởng Covid-19 mà không bán được hàng tươi thì sẽ đưa vào sấy để chủ động trong việc bảo quản sản phẩm. Hiện đã có nhiều hộ gia đình, HTX xây thêm lò sấy, chuẩn bị cho vụ mùa năm 2021.
Riêng đối với HTX Cây ăn quả Lục Ngạn, hiện có hơn 20ha trồng vải thiều ở xã Tân Quang (huyện Lục Ngạn) với sản lượng thu hoạch dự kiến khoảng 400 tấn cũng sắp vào vụ thu hoạch.
Năm nay thời tiết thuận lợi, cùng với việc người trồng vải ở Lục Ngạn ngày càng thuần thục các quy trồng chăm sóc cây vải để cho sản phẩm chất lượng cao nên vải thiều của HTX vừa đạt năng suất cao vừa có chất lượng tốt.
Theo ông Linh, những năm trước, sản phẩm vải thiều đưa vào làm “hàng sấy” chỉ là vải loại sau khi đã bán quả tươi. Việc bán quả tươi cũng được giá hơn so với việc phải đưa vào làm hàng sấy.
Đóng gói vải thiều tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ. Ảnh: TTXVN. |
Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, để chủ động trong khâu tiêu thụ, bảo quản sản phẩm, bà con trồng vải ở Lục Ngạn đầu tư thêm lò sấy, gia tăng các sản phẩm sấy khô, vải chế biến. “Vì thời gian thu hoạch vải rất ngắn, việc hái rồi đưa đi tiêu thụ phải diễn ra nhanh chóng, suôn sẻ thì mới có thể tiêu thụ hết lượng lớn vải thiều trong vùng Lục Ngạn cũng như của tỉnh Bắc Giang. Việc xây thêm lò sấy là để phòng trường hợp xấu, không xuất khẩu hay đưa hàng đi bán tươi ở các địa phương khác trong nước được”, ông Linh nói.
Còn theo thông tin từ UBND huyện Lục Ngạn, năm 2021, diện tích vải thiều của huyện là 15.450 ha với sản lượng ước đạt trên 120.000 tấn, trong đó vải chín sớm khoảng 30.000 tấn. Thời gian thu hoạch bắt đầu từ khoảng 20-5 đến 20-7-2021.
Ông La Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn thông tin, để hỗ trợ bà con tiêu thụ vải thiều trong mùa vụ năm nay, UBND huyện đã lập trạm kiểm soát tại các xã Phượng Sơn, Quý Sơn, Mỹ An, Tân Mộc, Biển Động, Sa Lý, Cấm Sơn giáp các huyện Lục Nam, Sơn Động (Bắc Giang), Hữu Lũng, Đình Lập (Lạng Sơn) để kiểm dịch và tổ chức khai báo y tế, kiểm tra sức khỏe đối với những trường hợp ra, vào địa bàn huyện. Tại các trạm kiểm soát có treo biển “khu vực bảo vệ chống dịch vào vùng vải an toàn”.
Đối với các hình thức tiêu thụ vải thiều, huyện Lục Ngạn đặt kế hoạch bán và xuất khẩu vải tươi với sản lượng khoảng 97.000 tấn. Ngoài ra, sẽ đưa vào sấy tại chỗ khoảng 20.000 tấn thông qua các lò sấy vải của các tổ chức, cá nhân xây dựng trên địa bàn huyện.
Ba kịch bản cho trái vải
Theo kế hoạch mà UBND tỉnh Bắc Giang ký ngày 17-5, tỉnh xây dựng kế hoạch tiêu thụ vải thiều với 3 kịch bản có thể xảy ra. Ở mỗi kịch bản, chính quyền địa phương có kế hoạch ứng phó cụ thể, chi tiết nhằm hỗ trợ tiêu thụ tốt nhất sản phẩm vải của địa phương này.
Cụ thể, kịnh bản 1: Dịch bệnh covid-19 được kiểm soát, vải thiều được tiêu thụ tương đối thuận lợi. Khi đó, mục tiêu sản lượng vải thiều được tiêu thụ 50% trong nước với khoảng 90.000 tấn, 50% còn lại dành cho xuất khẩu. Ngoài ra, sẽ có khoảng 9.000 tấn vải thiều được đưa vào sấy khô.
Kênh tiêu thụ thông qua các chợ đầu mối trong nước, các tập đoàn phân phối có các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, các doanh nghiệp chế biến - xuất khẩu, các chợ truyền thống, tiểu thương, xe cóc, điểm cân nhỏ…
Trong kịch bản này, dự kiến sản lượng tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử như Alibaba, Amazon, Sendo, Voso, Shopee…sẽ đạt khoảng 1.000 tấn.
Năm nay, Bắc Giang khuyến khích nhà vườn, HTX... tăng cường xây dựng lò sấy để sấy vải, phòng trường hợp việc tiêu thụ vải tươi gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. |
Kịch bản 2: Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tuy nhiên vẫn trong tầm kiểm soát. Theo kịch bản này, mục tiêu tiêu thụ 70% sản lượng vải thiều trong nước, khoảng 130.000 tấn. Còn lại, khoảng 30% sản lượng dành cho xuất khẩu, tức khoảng 50.000 tấn.
Trong trường hợp này, Bắc Giang sẽ tăng sản lượng vải sấy và chế biến lên khoảng 15.000 tấn, tăng sản lượng hàng bán trên các kênh thương mại điện tử lên mức 2.000 tấn.
Kịch bản 3: Dịch Covid-19 ảnh hưởng toàn diện, hoạt động xuất khẩu nhỏ giọt, sản lượng vải thiều chủ yếu tiêu thụ nội địa. Khi đó, sản lượng vải thiều chủ yếu được tiêu thụ trong nước với 90%, khoảng 160.000 tấn, xuất khẩu chỉ đạt 10%, khoảng 20.000 tấn.
Khi đó, Bắc Giang tăng cường khuyến cáo người dân thu hoạch rải vụ, nơi nào có quả vải chín trước cần tập trung thu hoạch, tiêu thụ sớm. Riêng sản lượng vải chế biến sấy và chế biến khác, dự kiến tiêu thụ khoảng 28.000 tấn.
Trong tình huống này, UBND Bắc Giang sẽ tăng cường chính sách hỗ trợ xây dựng thêm các lò sấy, tuyên truyền cho người dân sớm có thông tin về tình hình thụ quả tươi để kịp thời chuyển một phần sang chế biến sấy khô. Hiện, Bắc Giang có khoảng 600 lò sấy, tập trung chủ yếu tại địa bàn huyện Lục Ngạn, Lục Nam với công suất tối đa đạt khoảng 30.000 tấn.
Mời xem thêm: