Liên quan đến vụ xe khách 98B-027. 63 chở năm người Trung Quốc (TQ) nhập cảnh trái phép, ngày 18-5, Công an huyện Xuân Lộc cho biết vụ việc đang được cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai làm rõ, lấy lời khai của tài xế và những người liên quan. Hiện tất cả người trên xe khách này đã bị đưa đi cách ly tập trung theo yêu cầu phòng chống dịch COVID-19.
Tài xế vi phạm gì?
Sự việc hy hữu này xảy ra vào chiều 17-5, khi CSGT kiểm tra xe khách phát hiện trong các khoang hàng hóa có một thùng carton chứa bốn người TQ ẩn nấp. Phía cuối xe, lực lượng công an phát hiện thêm một người TQ đang trốn trong thùng xốp. Theo lời khai ban đầu, nhóm người TQ đã nhập cảnh qua tỉnh Cao Bằng, thuê ô tô về Bắc Giang. Do dịch bệnh tại Bắc Giang diễn biến phức tạp, nhóm người TQ này đã thuê xe khách đi vào TP.HCM.
Vấn đề nhiều người quan tâm là có thể xử hình sự được hành vi của tài xế xe khách và có dấu hiệu tội gì.
Xe khách bị tạm giữ và nhóm người Trung Quốc trong khoang chứa hàng. Ảnh: VŨ HỘI
Theo TS Phan Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM, cần chia ra hai trường hợp.
Thứ hai, nếu vì hám lợi mà tài xế nhận chở thuê nhóm người TQ này và không có tham gia gì về việc nhập cảnh trái phép thì lúc này chỉ có thể xử phạt hành chính. Tài xế này có thể bị xử phạt lên đến 40 triệu đồng theo khoản 6 Điều 17 Nghị định 167/2013 của Chính phủ do có hành vi tổ chức, đưa dẫn hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam trái phép.
Một số vụ đã bị xử lý nghiêm Ngày 26-3, TAND TP Đà Nẵng đã tuyên phạt bị cáo Cao Nguyễn Hồng Loan (kinh doanh khách sạn) và Wu Yong Can (quốc tịch TQ, đầu bếp) mỗi người tám năm sáu tháng tù giam về tội tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép. Wu Yong Can còn bị trục xuất khỏi Việt Nam ngay sau khi chấp hành xong bản án. Theo hồ sơ, từ ngày 29-6 đến 17-7-2020, để có tiền duy trì hoạt động của khách sạn, Loan đã câu kết với Wu Yong Can cho 27 người TQ không có giấy tờ, thị thực nhập cảnh Việt Nam trái phép ở lại khách sạn East Sea để thu lợi hơn 92 triệu đồng… Ngày 22-4, TAND tỉnh An Giang xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Đỗ Văn Quên, Vann Nath (cùng ngụ Campuchia) mỗi người ba năm tù và Nguyễn Văn Khải hai năm sáu tháng tù cùng về tội tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép. Các bị cáo đã có hành vi đưa 12 người xuất cảnh trái phép sang Campuchia… Ngày 1-12-2020, TAND TP.HCM đã tuyên phạt Trần Chí Hạo bốn năm sáu tháng tù, Nguyễn Quang Thắng và Nguyễn Thành Trung mỗi bị cáo bảy năm tù về tội tổ chức, môi giới cho người khác ở lại Việt Nam trái phép. Ba bị cáo đã có hành vi thuê nhà cho nhiều người TQ lưu trú tại TP.HCM. Dù biết nhóm người TQ nhập cảnh trái phép nhưng các bị cáo vẫn giúp họ ở trái phép, phiên dịch, đổi tiền nhân dân tệ, mua thức ăn cho họ... |
Dấu hiệu hình sự rõ
Theo luật sư (LS) Nguyễn Quốc Cường, Đoàn LS TP.HCM, diễn biến sự việc cho thấy tài xế xe khách biết rõ những người TQ này đã nhập cảnh trái phép vào Việt Nam trong mùa dịch bệnh phức tạp. Tuy nhiên, tài xế này đã dùng thủ đoạn tinh vi là ngụy trang cho họ trốn trong những thùng carton, thùng xốp để đưa họ vào sâu trong nội địa Việt Nam lưu trú. Hành vi này có dấu hiệu rõ của tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép theo Điều 348 BLHS 2015 (khung hình phạt tù 1-15 năm tù).
Thậm chí trường hợp này, cơ quan chức năng còn cần phải áp dụng các tình tiết tăng nặng để xử lý nghiêm theo quy định. Ngoài ra cơ quan chức năng điều tra, xác minh, làm rõ có đồng phạm khác tổ chức cho nhóm người này ở lại Việt Nam trái phép hay không.
LS Tạ Minh Trình, Đoàn LS TP.HCM, nói: “Thời gian qua, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh thì các cơ quan nhà nước đã ban hành rất nhiều chỉ thị, văn bản hướng dẫn thực hiện nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong việc phòng chống COVID-19”.
Theo LS Trình, mới đây nhất, VKSND Tối cao đã ban hành Văn bản 1557 hướng dẫn các điều 347, 348 và 349 BLHS. Theo đó, hành vi đưa người nhập cảnh trái phép vào sâu trong nội địa Việt Nam như vụ tài xế trong vụ này có thể xử lý hình sự. Theo đó nếu tài xế biết trước việc nhập cảnh trái phép nhưng vì vụ lợi đã thỏa thuận hoặc tiếp nhận ý chí của người tổ chức, môi giới, đưa dẫn người vào sâu trong nội địa Việt Nam thì xử lý về tội tổ chức, môi giới cho người khác nhập cảnh trái phép với vai trò đồng phạm.
Còn trường hợp tài xế biết rõ người khác đã nhập cảnh trái phép vào Việt Nam nhưng vì vụ lợi đã đưa dẫn người đó vào sâu trong nội địa Việt Nam để lưu trú, tìm việc làm thì xem xét xử lý về tội tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép.
Xử lý sao nhóm nhập cảnh trái phép? Theo LS Cường, năm người TQ có thể bị xử lý hành chính về hành vi nhập cảnh vào Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền theo khoản 5, khoản 9 Điều 17 Nghị định 167/2013 (mức phạt 15-25 triệu đồng). Ngoài ra, nhóm người này còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi Việt Nam. Ở mức độ nặng hơn, hành vi này có thể bị xử lý hình sự theo Điều 347 BLHS 2015 tội vi phạm quy định về nhập cảnh, tội ở lại Việt Nam trái phép. TS Tuấn bổ sung, để xử lý hình sự nhóm người TQ theo Điều 347 BLHS thì phải chứng minh trước đó họ đã bị xử lý hành chính về hành vi trên. LS Bùi Trần Nhật Vi, Đoàn LS TP.HCM, phân tích thêm: Trường hợp nếu năm người TQ nhập cảnh trái phép vào Việt Nam làm lây lan dịch bệnh COVID-19 cho người khác thì còn có thể bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người (Điều 240 BLHS 2015). |