Ngày 23-5 tới đây, cả nước sẽ đi bầu đại biểu Quốc hội khóa XV nhiệm kỳ 2021 - 2026. Mỗi lá phiếu là một nguyện vọng của cử tri gửi gắm cho các đại biểu mình tín nhiệm. Riêng tôi mong những người đại diện nhân dân quan tâm hơn nữa đến các vấn đề của ngành giáo dục
Những năm qua, Nhà nước luôn quan tâm và có những đầu tư thích đáng nên hoạt động giáo dục có nhiều thành tựu to lớn, đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều tồn tại gây bức xúc trong xã hội.
Bạo lực học đường
Tình trạng bạo lực học đường hiện nay có chiều hướng gia tăng, đang trở thành điểm nóng được nhiều phụ huynh quan tâm và là nỗi trăn trở của toàn xã hội. Bạo lực học đường không chỉ xảy ra giữa học sinh với học sinh, mà còn có bạo lực giữa giáo viên với học sinh và cả học sinh với giáo viên.
Mới đây, vụ việc thầy giáo tát, đá học sinh tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) lại thêm một lần nữa làm nóng vấn đề về nạn bạo lực học đường nói chung và bạo lực của giáo viên đối với học sinh nói riêng.
Trước đó, chuyện một nam sinh xông lên bục giảng tát cô giáo ở một trường học thuộc quận Ba Đình (Hà Nội) gây xôn xao dư luận.
Đấy chỉ là 2 trong số nhiều vụ bạo hành giữa thầy cô giáo với học sinh và học sinh với thầy cô giáo, chưa kể các vụ bạo hành của phụ huynh với thầy cô giáo, còn tình trạng bạo hành giữa học sinh với nhau thì như "cơm bữa".
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ học sinh đánh nhau (khoảng 5 vụ/ngày), trên 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau, hơn 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau, 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau...
Tình trạng bạo lực học đường có thể xem là hệ quả tất yếu của một số vấn đề như chương trình học quá nặng gây áp lực, ức chế cho người dạy lẫn người học; bệnh thành tích trong học đường ngày càng trầm trọng khiến không ít các thầy cô phải sử dụng cả đến những biện pháp phản sư phạm để buộc học sinh đạt được những chỉ tiêu nhà trường giao. Bên cạnh đó, nhiều trường xem trọng việc dạy chữ mà ít quan tâm đến các môn kỹ năng và đạo đức.
Lạm phát bằng cấp
Hiện nay, có đủ các loại bằng giả được rao bán, chào mời công khai. Bên cạnh đó, việc học giả bằng thật cũng gây bức xúc dư luận không kém.
Nhiều người cho rằng nguyên nhân do xã hội quá coi trọng bằng cấp, khi các cơ quan nhà nước tiếp nhận, đề bạt, sắp xếp lương bổng, thu nhập của cán bộ, nhân viên đều dựa trên bằng cấp mà ít quan tâm đến năng lực thực sự…
Bên cạnh đó, việc cấp phép đào tạo tràn lan dẫn đến các trường bằng mọi cách để cạnh tranh thu hút học viên, kể cả việc dễ dãi trong tuyển sinh, giảm tiêu chuẩn đầu ra…
Vẫn còn nhiều vấn đề khác của ngành giáo dục cần đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội như: đời sống của giáo viên, chương trình học còn nặng tính "hàn lâm", học thuật, chất lượng đào tạo chưa cao…
Những tồn tại, hạn chế kể trên của ngành giáo dục không mới, nhưng kéo dài trong nhiều năm qua và là nỗi trăn trở của toàn xã hội bởi hậu quả nghiêm trọng mà nó gây ra.
Chúng tôi mong rằng các đại biểu Quốc hội cùng trăn trở, băn khoăn để bàn bạc và xây dựng những quyết sách phù hợp để giáo dục thực sự là quốc sách, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
(cử tri Phạm Xuân Vinh, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP.HCM)
TTO - Ngày 13-5, các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV đơn vị bầu cử số 3 TP.HCM đã tham gia hội nghị tiếp xúc giữa cử tri với người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV tại quận 8 và quận 11, TP.HCM.
Xem thêm: mth.44304118121501202-cud-oaig-hnagn-auc-ed-nav-cac-mat-nauq-ueib-iad-gnom/nv.ertiout