Mỹ tăng mua mạnh hàng hóa từ Việt Nam
Hùng Lê
(KTSG Online) - Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy trong tháng 4 Việt Nam đã xuất sang thị trường Mỹ với giá trị khoảng 7,69 tỉ đô la Mỹ, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này trong 4 tháng qua lên 29,93 tỉ đô la, tăng 48,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với kim ngạch như trên, thị trường Mỹ đã chiếm đến 28,5% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam trong 4 tháng vừa qua.
Theo cơ quan hải quan, Mỹ tăng mua hầu hết những nhóm mặt hàng mà Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu lớn. Cụ thể, nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 3,92 tỉ đô la, tăng 46,9% so với cùng kỳ năm trước; nhóm sản phẩm điện thoại các loại và linh kiện đạt giá trị 3,17 tỉ đô la, tăng 6%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 5,71 tỉ đô la, tăng mạnh 157%, tương ứng tăng 3,49 tỉ đô la so với cùng kỳ năm ngoái.
Và Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất từ Việt Nam với trị giá đạt 4,7 tỉ đô la, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 48,7% tổng trị giá xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, dù kim ngạch nhập khẩu từ Mỹ của Việt Nam trong cùng thời gian trên tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng chỉ đạt là 5,03 tỉ đô la.
Mỹ là thị thường xuất khẩu sản phẩm dệt may lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng vừa qua. Ảnh minh họa: Hùng Lê |
Trên trang Material Handling & Logistics của Mỹ vào ngày 6-5 vừa qua cho biết 43% doanh nghiệp được hỏi tại Mỹ đều khẳng định Việt Nam nằm trong số 3 điểm đến họ ưu tiên tìm kiếm nguồn cung trong đầu năm 2021, tăng gấp đôi so với năm trước đó. |
Diễn biến về hoạt động xuất nhập khẩu cho thấy nhập khẩu từ Việt Nam của Mỹ sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới khi các khảo sát cho thấy doanh nghiệp nước này đang có xu hướng chọn Việt Nam là một trong những nguồn cung ứng hàng hóa.
Theo báo cáo quí 1-2021 từ công ty cung cấp giải pháp cho chuỗi cung ứng QIMA gần đây, nhà cung cấp các giải pháp đảm bảo chuỗi cung ứng, nguồn cung ứng từ Việt Nam đang có mức tăng trưởng bền vững.
Báo cáo này của QIMA dựa vào kết quả khảo sát hơn 700 doanh nghiệp có chuỗi cung ứng quốc tế, xem xét những điểm nổi bật của chuỗi cung ứng trong quí 1 vừa qua và những xu hướng mới nổi có thể ảnh hưởng đến bối cảnh tìm nguồn cung toàn cầu trong những tháng tới.
Khảo sát từ QIMA cho thấy khoảng 30% tổng số người mua trên toàn cầu và 38% người mua tại Mỹ đều nêu tên Việt Nam trong số các quốc gia họ dự định tăng lượng mua hàng trong năm 2021.
Đáng chú ý, trên thực tế trong cùng thời gian trên, Việt Nam đã tăng nhập khẩu từ Trung Quốc với giá trị tăng đến 51,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 33,93 tỉ đô la Mỹ. Với kết quả này, Việt Nam đã nhập siêu từ Trung Quốc hơn 17,6 tỉ đô la, tăng 82% so với cùng kỳ năm 2020.
Một điểm mà theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cần phải chú ý là hiện nay, khối doanh nghiệp FDI đang chiếm hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Điều này cho thấy thực tế xuất khẩu của doanh nghiệp thuần Việt chỉ chiếm chưa tới 1/3 thành tích xuất khẩu này.
Phần lớn doanh nghiệp FDI đều nhập nguyên phụ liệu, linh kiện vào Việt Nam gia công, lắp ráp thành phẩm để xuất khẩu. Giới phân tích cho rằng trong tổng kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI, phần giá trị được sinh ra từ nội tại đất nước là không nhiều.
Trong 4 tháng năm 2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 208,25 tỉ đô la, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 104,94 tỉ đô la, tăng 29,6%, tương ứng tăng 23,94 tỉ đô la, và nhập khẩu đạt 103,31 tỉ đô la, tăng 31,8%, tương ứng tăng 24,92 tỉ đô la. Tổng cục Hải quan ghi nhận tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 4 tháng vừa qua đạt 145,97 tỉ đô la, tăng 34,8%, tương ứng tăng 37,67 tỉ đô la so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI đạt 78,35 tỉ đô la, tăng 35,3% so với cùng kỳ năm trước. Ở chiều ngược lại, trị giá nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI đạt 67,61 tỉ đô la, tăng 34,2% so với cùng kỳ năm 2020. |
Mời đọc thêm:
Xem thêm: lmth.man-teiv-ut-aoh-gnah-hnam-aum-gnat-ym-/093613/nv.semitnogiaseht.www