Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục có diễn biến giằng co ở phiên sáng ngày 19/5. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn tiếp tục có sự phân hóa rất mạnh nên các chỉ số đều có biến động hẹp.
Tuy nhiên, diễn biến trong phiên chiều khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ. VN-Index rơi vào trạng thái “xanh vỏ đỏ lòng” khi chỉ số tăng nhưng số mã giảm áp đảo hơn. Tương tự như các phiên trước, dòng tiền chỉ tập trung vào một số cổ phiếu lớn thay vì dàn trải đến nhiều nhóm cổ phiếu khác nhau. Chính điều này đã gây ra tình trạng VN30-Index tăng đến hơn 23 điểm khi chốt phiên còn VN-Index có mức tăng khiêm tốn hơn nhiều.
Các cổ phiếu giúp VN-Index tăng điểm phiên 19/5 có STB, FPT, HPG, TCB, MBB, CTG hay MSN. Trong đó, HPG gây chú ý khi tăng 4,3% lên 66.100 đồng/cp, có thời điểm trong phiên, HPG tăng đến trên 5% và leo lên mức 66.700 đồng/cp. Thông tin được cho là giúp HPG tăng mạnh là việc ông Trần Vũ Minh, con trai ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu HPG từ ngày 21/5 đến ngày 18/6. Cùng với đó là sự ảnh hưởng tích cực từ thông tin về ngày chốt danh sách cổ đông chia cổ tức và thưởng cổ phiếu tỷ lệ 40% của doanh nghiệp này. Ngày giao dịch không hưởng quyền vào 31/5.
Nhóm cổ phiếu có mối liên hệ chặt chẽ với nhau là MSN và TCB cũng có một phiên giao dịch tích cực. MSN tăng 2,8% lên 108.000 đồng/cp còn TCB tăng 3,6% lên 50.100 đồng/cp.
Ngoài ra, một số cổ phiếu trụ cột cũng giữ được sắc xanh có VPB, VNM, VHM, GVR… nên VN-Index chốt phiên với mức tăng khá mạnh.
Dù vậy, sắc đỏ trên toàn thị trường vẫn chiếm ưu thế hơn. Riêng ở nhóm vốn hóa lớn, các mã như VJC, HVN, BVH, VCB, GAS, SAB… đều chìm trong sắc đỏ.
Đối với nhóm cổ phiếu bất động sản, sự phân hóa diễn ra khá mạnh với những mã lớn. Trong đó, NVL tiếp tục tăng giá nhưng mức tăng không còn quá mạnh như các phiên trước, chỉ 0,2% lên 142.000 đồng/cp. VHM cũng có một phiên tăng điểm với mức tăng 1,5% lên 100.400 đồng/cp. THD cũng tăng nhẹ 0,2% lên 192.900 đồng/cp.
Chiều ngược lại, VIC giảm 0,7% xuống 120.100 đồng/cp và gây áp lực tương đối lên VN-Index. Tương tự, VRE cũng giảm 2,2% xuống 29.350 đồng/cp.
Sự phân hóa diễn ra cũng khá mạnh đối với các cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ. Tuy nhiên, chiều tăng giá gây nhiều chú ý hơn với ghi nhận các cổ phiếu có yếu tố thị trường cao như FIT, HDC, FLC, NLG, CII… Trong đó, FIT và HDC được kéo lên mức giá trần. FLC tăng đến 2,8% lên 12.800 đồng/cp, NLG tăng 2,8% lên 37.000 đồng/cp.
Cổ phiếu BII gây chú ý khi có phiên thứ 2 liên tiếp đứng ở mức tham chiếu bất chấp thông tin về việc một số lãnh đạo đăng ký mua/bán lượng lớn cổ phiếu. Mới đây, ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch HĐQT Louis Holdings đăng ký bán 4 triệu cổ phiếu BII để giảm số lượng nắm giữ xuống 2,9 triệu đơn vị, tương đương 5%. Thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 20/5 đến 18/6, theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Hiện, ông Dũng đang là cổ đông lớn thứ 2 của công ty với 6,9 triệu cổ phiếu, ứng với 11,98% vốn. Trước đó, ông Đỗ Thành Nhân - Ủy viên HĐQT cũng đăng ký mua 4 triệu cổ phiếu BII từ ngày 19/5 đến 16/6 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Nếu giao dịch hoàn tất, ông Nhân sẽ nâng tỷ lệ sở hữu lên 20,8%.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 9,81 điểm (0,78%) lên 1.262,49 điểm. Toàn sàn có 183 mã tăng, 235 mã giảm và 48 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,61 điểm (0,21%) lên 295,25 điểm. Toàn sàn có 86 mã tăng, 133 mã giảm và 61 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,25 điểm (-0,31%) xuống 79,81 điểm.
Khối lượng khớp lệnh trên hai sàn niêm yết HoSE và HNX giảm nhẹ so với phiên trước đó và tiếp tục thấp hơn mức trung bình 20 phiên với 778 triệu cổ phiếu tương ứng với giá trị khớp lệnh đạt 22.796 tỷ đồng. FLC là cổ phiếu bất động sản duy nhất nằm trong top 10 về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường với 37 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại tiếp tục giảm giá trị bán ròng trong phiên 19/5 xuống còn hơn 320 tỷ đồng. Trong top 10 về giá trị bán ròng của khối ngoại có 3 cổ phiếu bất động sản là NVL, VIC và VRE. Trong khi đó, VHM được khối ngoại mua ròng 58,8 tỷ đồng. THD cũng là một cổ phiếu bất động sản khác được khối ngoại mua ròng mạnh với 24,8 tỷ đồng.
Theo phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), thị trường tăng điểm trở lại trong phiên 19/5 với khối lượng khớp lệnh suy giảm nhưng giá trị khớp lệnh lại gia tăng so với phiên trước đó cho thấy dòng vốn chủ yếu tập trung mua vào các mã vốn hóa lớn để giúp VN-Index kết phiên trên ngưỡng 1.260 điểm. Và trên góc nhìn kỹ thuật, khả năng để thị trường nối dài sóng tăng 5 tiếp tục được đánh giá cao hơn so với khả năng thị trường bước sang sóng điều chỉnh a.
Theo đó, trong phiên giao dịch tiếp theo 20/5, thị trường có thể sẽ tiếp tục tăng điểm để đi tiếp sóng tăng 5 với target theo lý thuyết sóng elliott là quanh ngưỡng 1.325 điểm (fibonacci retracement 161,8% sóng điều chỉnh 4)./.
Xem thêm: lmth.38730000042210202-5-91-neihp-gnort-hnam-aoh-nahp-sdb-ueihp-oc/nv.semitaer