Robot tự hành Chúc Dung (Zhurong) của Trung Quốc đã gửi về Trái Đất những hình ảnh đầu tiên về hoạt động của tàu thăm dò này trên sao Hỏa, hãng tin AFP ngày 19-5 cho hay.
Tàu thăm dò Chúc Dung đã được đưa vào bầu khí quyển sao Hỏa và hạ cánh thành công hôm 15-5, đánh dấu lần đầu tiên tàu thăm dò của Trung Quốc tiếp cận được bề mặt “hành tinh đỏ”. Trung Quốc là quốc gia thứ ba trên thế giới đạt được thành tựu vũ trụ này.
Cục Hàng không vũ trụ quốc gia Trung Quốc (CNSA) hôm 19-5 đã công bố những hình ảnh đầu tiên được camera gắn trên tàu thăm dò Chúc Dung chụp lại, cho thấy một số kết cấu trên robot tự hành này như thiết bị tránh chướng ngại vật và các tấm pin mặt trời, cùng với một số hình ảnh về kết cấu bề mặt sao Hỏa.
Thiết bị tránh chướng ngại vật trên tàu thăm dò sao Hỏa Chúc Dung của Trung Quốc. Ảnh: AFP
CNSA chia sẻ trên mạng xã hội những hình ảnh này với lời bình luận: “Hỡi những cư dân mạng, những hình ảnh sao Hỏa mà bạn hằng mong đợi đã ở đây”.
Sau khi hoàn thành một trong những việc khó khăn nhất là đổ bộ trên sao Hỏa, tàu Chúc Dung dự kiến sẽ dành khoảng ba tháng để chụp ảnh và thu thập dữ liệu địa lý trên hành tinh này.
Trung Quốc đã tiến một bước dài trong cuộc chạy đua chinh phục vũ trụ để bắt kịp Mỹ và Nga - những quốc gia đã hàng chục năm kinh nghiệm khám phá không gian.
Tàu thăm dò Chúc Dung chụp lại hình ảnh của mình trên sao Hỏa. Ảnh: AFP
Chúc Dung được đặt theo tên một vị thần lửa thần thoại của Trung Quốc. Tàu thăm dò này đến sao Hỏa chỉ chưa đầy ba tháng sau khi phương tiên thám hiểm tương tự của Mỹ là tàu thăm dò Perseverance cũng hạ cánh trên hành tinh này.
Trước đó, module lõi của trạm vũ trụ do Trung Quốc phát triển (mang tên Thiên Cung) hôm 29-4 đã được phóng thành công lên vũ trụ bằng tên lửa đẩy Trường Chinh 5B. Dự kiến, trạm vũ trụ này sẽ được hoàn thiện và đưa vào hoạt động trong năm sau để sau cùng, hoàn thành mục tiêu đưa người Trung Quốc lên Mặt Trăng.