Hàng ngàn khán giả cuồng nhiệt trong live show Tri âm của ca sĩ Mỹ Tâm vào tối 25-4 tại TP.HCM - Ảnh: GIA TIẾN
Sự việc ngày càng được các khán giả và nghệ sĩ đẩy đi xa mà thiếu những cái nhìn bình tĩnh, khách quan.
Tuổi Trẻ ghi nhận vài ý kiến quanh câu chuyện này.
NSƯT Hữu Châu:
Tình thương dẫn đến trân quý
Câu chuyện nghệ sĩ - khán giả khiến tôi nhớ lại những đám tang của gia đình mình. Từ đám tang của má Ba (cố NSƯT Thanh Nga), của ba tôi đến em trai tôi (nghệ sĩ Hữu Lộc), rất đông khán giả đưa tiễn và bày tỏ lòng thương tiếc. Đến bây giờ, má Ba ra đi hơn 40 năm, Hữu Lộc mất 11 năm mà mỗi lần tôi đăng hình đám giỗ khán giả vẫn nhớ, vẫn chia sẻ và bày tỏ tình yêu thương.
Từ đó, có thể thấy khán giả không chỉ yêu mến nghệ sĩ mà còn yêu mến nghệ thuật, yêu mến sân khấu cải lương. Những tình cảm đó, chúng tôi hết sức trân trọng. Đó là tình thương khán giả dành cho chúng tôi. Và gia đình chúng tôi cũng phải yêu thương, quý trọng khán giả như thế nào để mấy chục năm trời họ vẫn còn thương quý như vậy.
Nếu cái nghề này nghiệt ngã, mối quan hệ khán giả - nghệ sĩ không tình cảm như vậy thì đâu đi đến đời thứ 3 là tôi vẫn còn theo nghiệp hát. Nghệ sĩ đi hát phải có khán giả. Không có khán giả thì ai coi? Nghệ sĩ thông qua tác phẩm của mình truyền cảm xúc đến khán giả. Khán giả là người đi tìm cảm xúc để giải tỏa, họ và nghệ sĩ đồng điệu với nhau để lan tỏa cảm xúc đẹp.
Dù có những ý kiến trái chiều, nhưng nói gì thì nói, đừng làm tổn thương nhau. Nghề hát, theo tôi, phải có tình thương. Tình thương buộc nghệ sĩ phải trân quý những gì mình đang có...
Nghệ sĩ Ái Như:
Hai mặt cần thiết của cuộc sống
Tôi không có suy nghĩ khán giả phải nuôi nghệ sĩ hay nghệ sĩ có thể đứng cao hơn khán giả.
Trong những buổi sinh nhật Hoàng Thái Thanh hoặc những phút giao lưu ngắn trước đêm diễn, nghệ sĩ Thành Hội đều bày tỏ sự tri ân, lời cảm ơn đến quý khán giả. Với chúng tôi, khán giả là đối tác cần thiết, quan trọng của nghệ sĩ. Nghệ sĩ thông qua tác phẩm gửi những điều mình tâm niệm về nghệ thuật, nghề nghiệp đến cuộc đời. Mà cuộc đời là khán giả, là người xem thưởng thức, đồng cảm.
Nghệ sĩ - khán giả là 2 mặt cần thiết của cuộc sống. Có người nghệ sĩ làm ra tác phẩm thì nghệ thuật mới tồn tại. Và cũng phải có khán giả thưởng thức thì nghệ thuật mới tồn tại. Khán giả cần thưởng thức những cái đẹp thì tìm đến nghệ thuật, nghệ sĩ cần chia sẻ cái đẹp thì gửi đến công chúng.
Tôi nghĩ không nghệ sĩ nào khờ dại nói rằng mình không cần khán giả. Nếu không có khán giả đến xem thì làm sao nghệ sĩ gửi gắm những điều họ đau đáu đến cuộc đời.
Trong mùa giỗ tổ, trên bàn thờ tổ của chúng tôi có hai ông hoàng, xuất phát từ tích hai vị hoàng tử thích xem hát rồi qua đời, sân khấu cũng tổ chức suất diễn tri ân khán giả (giảm 50% giá vé)... Những điều đó nói lên sự trân quý của chúng tôi với khán giả, với những người tri âm đồng cảm thật sự với nghệ thuật, với nghệ sĩ...
Ca sĩ Mỹ Lệ:
Nghệ sĩ chính thống có thu nhập rất thấp
Ở Việt Nam, thu nhập của nghệ sĩ đang không xứng đáng với tài năng và sự khổ luyện của họ. Khán giả cũng chưa có thói quen trả tiền cho nghệ thuật. Nghệ sĩ chính thống có thu nhập rất thấp, trong khi nghệ sĩ giải trí có thu nhập rất cao.
Sự phân hóa, đối lập và bất công rõ rệt giữa nghệ thuật chính thống và nghệ thuật giải trí là quá rõ ràng. Điều đó là do nhu cầu của khán giả. Họ thích nghe những loại hình giải trí, dễ nghe và hát theo.
Những người nghệ sĩ chính thống ở các dòng tuồng, chèo, cải lương, nhạc dân tộc... khổ luyện nhiều năm trời nhưng ít sống được bằng nghề, toàn phải làm nghề tay trái, dạy thêm, đánh đàn trong quán bar. Ai sống được bằng nghề thì cũng lay lắt. Hay cứ 10 người đi học nhạc viện thì quá nửa là không theo nghề.
Trong khi đó, ở các nước tiên tiến, lương bổng của nghệ sĩ chính thống rất cao. Tôi nghĩ giải pháp mấu chốt vẫn luôn nằm ở giáo dục. Thế hệ trẻ Việt Nam cần được giáo dục để hiểu rõ hơn giá trị của âm nhạc, kiến trúc, hội họa...
NSƯT Thanh Lam:
Nghệ sĩ không thể thiếu vắng sự đồng hành của khán giả
Khán giả chính là nguồn nuôi dưỡng, khích lệ nghệ sĩ sáng tạo. Khán giả yêu nghệ sĩ và tất cả sản phẩm của nghệ sĩ đều phải có khán giả. Đó là mối quan hệ tương sinh tốt đẹp mà người nghệ sĩ luôn rất trân quý.
Tôi rất xúc động khi thấy những nghệ sĩ lớn có được những khán giả trung thành, những khán giả yêu thương, dõi theo người nghệ sĩ của mình suốt từ khi còn trẻ tới khi về già. Với tôi, những đêm diễn nhìn khán giả đứng ngồi dưới mưa nghe mình hát say sưa, trong đó có những khán giả trẻ chỉ 19, 20 tuổi mang đến niềm hạnh phúc vô bờ.
Chính những yêu thương của khán giả là động lực lớn lao cho nghệ sĩ nuôi dưỡng niềm đam mê nghệ thuật, không ngừng sáng tạo, vượt qua chính mình trên con đường nghệ thuật chông gai.
Hàn Quốc, Trung Quốc: khán giả "nuôi" nghệ sĩ theo nghĩa đen
Nền giải trí Hàn Quốc gắn liền với kinh doanh, tiêu dùng nên việc khán giả bỏ tiền, "đốt tiền" cho thần tượng là thước đo cho vị thế, độ thành công của nghệ sĩ.
Năm 2020, Công ty nghiên cứu thị trường iPrice cho biết người hâm mộ nhóm nhạc BTS chịu chi bậc nhất khi trung bình mỗi người đã chi 1.422 USD (gần 33 triệu đồng) cho thần tượng. Số tiền đó dùng để mua hàng hóa, vé xem biểu diễn và album.
Hàng hóa về nhóm nhạc là mặt hàng kiếm tiền khủng nhất, bao gồm: thẻ ảnh, ốp điện thoại, quần áo, đồ gia dụng, tạp chí, hàng lưu niệm...
Nghệ sĩ truyện tranh Tae Yim viết trên diễn đàn Quora: "Các thần tượng Hàn Quốc được dạy để nghĩ rằng mọi thứ họ có đến từ người hâm mộ. Họ thật lòng biết ơn và luôn thể hiện khi có cơ hội. Cách cư xử của thần tượng luôn là khiêm tốn, lịch sự, tốt bụng, chăm chỉ để đền đáp người hâm mộ".
Nói cách khác, đồng tiền của khán giả trong nền giải trí Hàn Quốc giúp họ có tiếng nói và quyền lực đối với thần tượng. Khi thần tượng dính bê bối, người hâm mộ sẵn sàng gây sức ép, yêu cầu họ bị đuổi khỏi nhóm nhạc, khỏi nền giải trí.
Còn ở nền giải trí Trung Quốc, nhóm chịu chi lớn nhất là những phụ nữ trung niên đã có thu nhập khấm khá.
Trang Think China gọi đây là "kinh tế hâm mộ" và lực lượng chính là phụ nữ trung niên. Ở Thượng Hải, người ta dễ dàng nhìn thấy các bảng quảng cáo, apphich do người hâm mộ mua ở những trung tâm mua sắm và ga tàu điện ngầm với nội dung chúc mừng sinh nhật hoặc ủng hộ, ca ngợi thần tượng. Người hâm mộ chi đến hàng trăm nghìn nhân dân tệ (tức hàng trăm triệu đồng) tổ chức những buổi trình diễn máy bay không người lái để tôn vinh thần tượng.
Người hâm mộ Trung Quốc không chỉ chi tiền để mua album, xem biểu diễn hay ủng hộ mỗi đợt quảng bá của thần tượng mà còn mua rất nhiều sản phẩm (mỹ phẩm, thời trang, đồ gia dụng...) do thần tượng quảng cáo để nâng cao vị thế của người đó trong mắt nhãn hàng.
Còn với học sinh, sinh viên chưa có nhiều tiền, họ đóng góp cho thần tượng bằng cách tăng cường tương tác trên mạng xã hội với nội dung tích cực, hạn chế dư luận tiêu cực cho thần tượng. (MI LY)
Dùng từ "nuôi" chưa hợp lý
Trong cuộc tranh luận khán giả không nuôi nghệ sĩ hay khán giả có nuôi nghệ sĩ thì tôi thấy dùng từ "nuôi" chưa hợp lý.
Tôi từng làm việc cho một tổ chức văn hóa của nước ngoài tại Việt Nam và tôi từng nghe khẳng định của những người nước ngoài thuộc tổ chức ấy, rằng người dân nước họ nộp thuế để nuôi tôi và những đồng nghiệp Việt Nam của tôi.
Nhận định này tất nhiên khiến tôi nóng giận bừng bừng, chúng tôi đã làm việc và nhận được lương từ sức lao động của mình chứ họ không phải nuôi chúng tôi hay chúng tôi là gánh nặng của họ.
Tất nhiên, mối quan hệ giữa khán giả và nghệ sĩ thì có khác hơn nhưng dùng từ "nuôi" rất dễ khiến cuộc tranh luận rơi vào bẫy ngôn từ.
Và tôi cũng nghĩ rằng nghệ sĩ cần tri ân khán giả. Được đón nhận và được chia sẻ từ một người đã quý rồi, ở đây nghệ sĩ còn nhận được chia sẻ và yêu thương từ đông đảo khán giả. - Khán giả Đặng Thu Hà (Hà Nội)
TTO - Phương Nga ra album hát về Bác Hồ; Miss Universe 2015 giải thích về nghi ngờ bình chọn của Khánh Vân; Ai sẽ thay thế Chí Tài trong Sàn chiến giọng hát?; Lại tranh cãi chuyện khán giả nuôi nghệ sĩ... là tin được quan tâm ngày 18-5.