Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM) tại buổi báo cáo tổng kết dự án học tập tích hợp liên môn "Hành trình trên đất chín rồng". Các em vận dụng kiến thức đã học để xây dựng một buổi giới thiệu nhằm quảng bá, tuyên truyền về văn hóa, lịch sử khu vực Đồng bằng sông Cửu Long- Ảnh: HOÀNG HƯƠNG
Ông Du nói: "Chủ trương học thật, thi thật đã được đề ra từ thời ông Nguyễn Thiện Nhân làm bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Từ đó đến nay đã hơn mười năm nhưng kết quả đạt được rất khiêm tốn.
Thế giới hiện tại đang trong thời kỳ toàn cầu hóa và bối cảnh công nghệ mới đang diễn ra mạnh mẽ. Mặt khác, vị thế chính trị của Việt Nam với quốc tế đang ngày càng nâng cao nên giáo dục Việt Nam dứt khoát phải thay đổi để hòa nhập với thế giới.
Việc "Học thật, thi thật, nhân tài thật" là một trong những yếu tố sống còn để hòa nhập và giữ vị thế của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, chủ trương "Học thật, thi thật, nhân tài thật" là yêu cầu ngày càng trở nên cấp thiết".
* Là giáo viên, ông nhận thấy việc học thật, thi thật trong nhà trường đang gặp những khó khăn gì?
- Trong quá trình tiếp thu kiến thức, người học có thể có nhiều động cơ học tập khác nhau. Có động cơ chính đáng và cả không chính đáng. Nhưng nếu họ dùng hết tâm huyết để tiếp thu kiến thức trong lĩnh vực mà họ đeo đuổi, đồng thời biến kiến thức đó thành kỹ năng thì đó chính là "học thật".
Hơn 20 năm đứng lớp tôi nhận thấy bản thân mình và các đồng nghiệp đang gặp những khó khăn sau đây. Thứ nhất, chúng tôi phải dạy cái chương trình quy định chứ không phải dạy cái học sinh muốn học. Cụ thể trong bộ môn lịch sử cái học sinh muốn học, muốn tìm hiểu và rất hứng thú là những câu chuyện lịch sử, nhân vật lịch sử, trang phục ở các thời kỳ trong lịch sử…
Ở Trường THPT Lê Quý Đôn, chúng tôi cũng nỗ lực dạy học theo chủ đề, lồng những cái "học sinh muốn" vào bài dạy. Nhưng về cơ bản, giáo viên vẫn phải đảm bảo chuyển tải kiến thức như chương trình do Bộ GD-ĐT quy định với những kiến thức lịch sử khái quát, những sự kiện lịch sử khô khan và nặng nề.
Thứ hai, đó là sự khác biệt trong cách nhìn nhận về đổi mới phương pháp giảng dạy từ những nhà quản lý giáo dục và phụ huynh. Chẳng hạn như dạy học theo dự án là một trong những phương pháp giảng dạy tiên tiến khi có thể kết hợp giảng dạy kiến thức với kỹ năng (làm việc nhóm, thuyết trình, thuyết phục, tranh luận…).
Tuy nhiên, khi triển khai hình thức dạy học này, tôi và nhiều đồng nghiệp của tôi không nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của phụ huynh. Một số người cho rằng dạy học theo dự án, cho học sinh đi thực tế rồi thảo luận, thuyết trình, làm sản phẩm (video clip, poster, sách ảnh…) tốn kém tiền bạc, thời gian… không cần thiết.
Họ cho rằng người thầy cứ giảng dạy theo kiểu truyền thụ kiến thức một chiều là đủ rồi. Đó là chưa kể một số nhà quản lý do chưa nhìn thấy yếu tố tích cực của phương pháp dạy học tiên tiến nên khi có ý kiến phản đối từ phụ huynh thì nhanh chóng ra quyết định ngừng ngay các hoạt động liên quan.
ThS Nguyễn Viết Đăng Du
* Còn về cách thi cử, đánh giá học sinh thì sao, thưa ông?
- Thi cử hiện nay cũng có nhiều bất cập. Các cấp quản lý thì yêu cầu giáo viên phải tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát triển năng lực học sinh. Thế nhưng, cách kiểm tra đánh giá (nhất là các kỳ thi quốc gia) chủ yếu là dùng phương pháp ghi nhớ để đánh giá học sinh.
Điều đáng nói là cách đánh giá này đã ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý phụ huynh (cho rằng không cần phải đổi mới phương pháp giảng dạy); tâm lý giáo viên (cho rằng người dạy giỏi là người làm cho học sinh nhớ lâu, nhớ nhiều các kiến thức nên không cần đổi mới cách dạy, không cần tạo niềm hứng khởi cho học sinh trong quá trình học tập); tâm lý của nhà quản lý (trọng dụng các giáo viên có khả năng làm cho học sinh nhớ lâu bất kể phương pháp nào, thậm chí họ còn chấp nhận cả việc dùng bạo lực với học sinh để các em đạt được kết quả cao trong thi cử)…
* Theo ông, Chính phủ, Bộ GD-ĐT cần có những giải pháp gì cho vấn đề "Học thật, thi thật, nhân tài thật"?
- Tôi mong Chính phủ có sự quan tâm thực chất đến giáo dục bằng các biện pháp cụ thể như nâng cao đời sống giáo viên, nâng cao vị thế người thầy trong xã hội. Thật ra, trong lịch sử ông cha ta ngày xưa đã thực hiện chủ trương "học thật, thi thật" và đã có nhân tài thật. Để có nhân tài thật, tôi nghĩ chỉ cần thực hiện được ba yêu cầu, đó là "học khai phóng, thi nghiêm túc, trọng nhân tài" là đủ.
Phụ huynh phải chấp nhận điểm thật
Con tôi chỉ vừa mới hoàn thành chương trình tiểu học. Tôi chấp nhận tất cả những điểm số của con ở trường, cho dù cao hay thấp miễn nó là điểm thật của con. Tôi nghĩ phụ huynh đừng tự mình đẩy các con vào những cuộc chiến giành giấy khen, giải thưởng, huy chương các loại. Phụ huynh phải học cách chấp nhận điểm thật thì mới mong có "học thật, thi thật, nhân tài thật".
Đại Lâm (Đắk Lắk)
Gần 60 bài viết gửi về diễn đàn "Học thật, thi thật, nhân tài thật"
Từ yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính với ngành giáo dục phải "Học thật, thi thật, nhân tài thật", báo Tuổi Trẻ đã mở diễn đàn để bạn đọc tham gia góp ý, bàn luận và gợi mở giải pháp cho vấn đề này. Sau mười ngày phát động, đến 18h ngày 19-5 đã có 60 bài viết của bạn đọc trong và ngoài nước gửi về.
Những vấn đề bạn đọc quan tâm và yêu cầu giải quyết là câu chuyện văn mẫu triệt tiêu sáng tạo của học sinh; chuyện thi đua thành tích khi trường "đẩy" học sinh lên lớp vì học sinh không lên lớp là giáo viên bị hạ thi đua. Bên cạnh đó, cần nâng cao vị thế và cả đời sống của giáo viên để họ yên tâm công tác và cống hiến cho sự nghiệp trồng người; chấp nhận kết quả thấp từ thi thật để dần nâng chất lượng cũng như chế tài, xử phạt nặng gian lận thi cử...
Diễn đàn "Học thật, thi thật, nhân tài thật" xin khép lại tại đây. Chúng tôi sẽ tiếp tục chuyển đến Bộ GD-ĐT những ý kiến đóng góp, hiến kế của bạn đọc qua những bài viết để chủ trương này nhanh chóng được thực hiện.
TUỔI TRẺ
TTO - Ngày 19-5, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã chia sẻ quan điểm về "Học thật, thi thật, nhân tài thật". Đây là nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành giáo dục và đào tạo thực hiện.