Thanh Trúc, đồng sáng lập start-up CyberPurify - chuyên phát triển phần cứng và phần mềm lọc nội dung trên Internet, cho rằng nhiều trẻ tiếp cận với nội dung độc hại là một thực trạng khá nghiêm trọng.
"Vốn dĩ ta không thể kiểm soát được tất cả lượng nội dung người dùng đăng tải, như Facebook, Twitter vẫn phải sử dụng lượng nhân sự lớn để kiểm tra nội dung, vì vậy mà hiện không có một cách nào có thể giải quyết triệt để.
Nhưng cha mẹ vẫn có thể và nên cố gắng giảm thiểu rủi ro trẻ em tiếp cận nội dung độc hại bằng cách phối hợp nhiều yếu tố như: giáo dục về nội dung nào nên và không nên xem, tạo môi trường trò chuyện thân mật để khuyến khích con chia sẻ với cha mẹ khi thấy những nội dung làm con khó chịu, thắc mắc hay sử dụng công cụ lọc nội dung để giảm thiểu rủi ro con tiếp cận với nội dung bạo lực, máu me, kinh dị, chất kích thích... Những loại nội dung ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển về thể chất lẫn tinh thần của con sau này" - Thanh Trúc nói.
Cài đặt các sản phẩm ngăn chặn nội dung xấu
Một trong những giải pháp có thể vận dụng là giải pháp bảo vệ trẻ em bằng trí tuệ nhân tạo của start-up CyberPurify - một trong 5 start-up thắng giải "Thử thách sáng tạo cùng công nghệ trí tuệ nhân tạo - AI Accelerator Challenge 2021 (AAC 2021)" do Bộ Khoa học và công nghệ bảo trợ và Chính phủ Úc tài trợ.
CyberPurify Kids của CyberPurify có thể nhận dạng và ngăn chặn hiển thị 15 loại nội dung độc hại đối với trẻ em, bao gồm cả hình ảnh khiêu dâm, ma túy và bạo lực đẫm máu, cũng như ngăn chặn các trang lừa đảo, mã độc và phát tán virus.
Sản phẩm được cung cấp dưới dạng phần mở rộng (extension/add-on) trên các trình duyệt phổ biến như Google Chrome, Microsoft Edge, Firefox và Safari.
Việc sử dụng sản phẩm cũng hết sức đơn giản, phụ huynh nhấn nút cài đặt CyberPurify Kids trong kho ứng dụng chứa extension/add-on của các trình duyệt. Từ đó, khi trẻ truy cập Internet trên trình duyệt, CyberPurify sẽ tự động phân tích các nội dung đang hiển thị, che mờ nếu phát hiện chúng độc hại, hoặc gửi báo cáo đến phụ huynh khi phát hiện trẻ tìm hiểu về ma túy, dược phẩm.
Khi đứa trẻ tìm cách gỡ bỏ bộ lọc mạnh mẽ này, phụ huynh cũng sẽ nhận được thông báo. CyberPurify Kids được cung cấp miễn phí cho các gia đình, trường học, phòng lab... hoặc những nơi có máy tính công cộng.
Trong khi đó, đại diện Cốc Cốc cho biết đã phát triển tính năng cảnh báo những trang web độc hại, lừa đảo tới người dùng trên trình duyệt Cốc Cốc.
Tính năng này hoạt động khi người dùng vô tình truy cập những trang web chứa nội dung không an toàn, trình duyệt này sẽ hiển thị hộp cảnh báo để người dùng dừng truy cập hoặc cẩn trọng hơn với những trang web đó. Những nội dung không an toàn với trẻ em đã và đang được Cốc Cốc cảnh báo.
Đại diện Cốc Cốc còn cho biết sắp ra mắt một chiến dịch kêu gọi cộng đồng cùng chung tay báo cáo những trang web, nội dung độc hại như vậy tới đội ngũ này, giúp nâng cao khả năng cảnh báo và bảo vệ.
Ngoài ra, Cốc Cốc đã và đang hợp tác cùng tổ chức xã hội Cyberkid tổ chức những hoạt động giúp trang bị kiến thức về an toàn khi lên mạng cho trẻ em.
Ông Lưu Đình Thắng - quản lý sản phẩm trình duyệt Cốc Cốc - cho rằng những hành động bảo vệ người dùng mạng, đặc biệt là trẻ em cần có sự chung tay của cả Chính phủ, nhà phát triển và cộng đồng, vì chỉ khi mở rộng quy mô cảnh báo tới toàn thể người dùng Internet, chúng ta mới có thể ngăn chặn triệt để tình trạng nội dung độc hại lan tràn như hiện nay.
Quay về phương pháp "cổ truyền": làm bạn với con
Trong khi chờ đợi những giải pháp quản lý nhà nước hiệu quả hơn với những nội dung xấu trên mạng xã hội, rất cần các giải pháp giáo dục người dùng, đặc biệt là trẻ em và người trẻ về thị hiếu, phân biệt đúng sai, tư duy phản biện để biết từ chối những kênh nhảm nhí, độc hại.
"Không có cầu sẽ không có đất cho các sản phẩm lệch lạc phát triển" - bà Nguyễn Phương Linh, viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững, nói. Song song với việc giáo dục người dùng thì cũng cần giáo dục, truyền thông cho những nhà sáng tạo nội dung để xây dựng các sản phẩm giải trí lành mạnh, tích cực cho sự phát triển tư duy, nhận thức của người xem.
Và trong khi yêu cầu và chờ đợi những nhà cung cấp dịch vụ nâng cấp hơn nữa sản phẩm, đảm bảo các tiêu chuẩn thì chính cha mẹ, thầy cô là những người cần đồng hành với con em mình.
Cha mẹ buộc phải dành nhiều thời gian, công sức, tâm huyết chứ không thể hời hợt, phải tìm hiểu về những rủi ro mà con cái mình có thể gặp phải trên môi trường mạng như bị đánh cắp thông tin, bị lừa đảo trên mạng, bị xem các thông tin không phù hợp, các clip nhảm nhí, xúi bẩy kích động những điều sai trái, bị bắt nạt, quấy rối trên mạng, thâm chí bị xâm hại tình dục trên môi trường mạng... để cùng con đặt ra các tình huống và cùng tư duy cách thức giải quyết.
Cha mẹ hãy là những người hiểu biết để có thể là những người cung cấp thông tin đáng tin cậy cho con chứ không phải ai khác" - bà Linh nói.
Cục trưởng Cục Trẻ em Ðặng Hoa Nam cũng khẳng định cách cha mẹ bảo vệ con trên mạng xã hội tốt nhất vẫn là trở về cách "cổ truyền" nhưng luôn hiệu quả là làm bạn với con, để khi gặp vấn đề gì con cũng nói với mình.
Đấu tranh với các ông lớn Google, Facebook
Về các giải pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, cục trưởng Cục Trẻ em Ðặng Hoa Nam cho rằng ngoài việc giải quyết từng vụ việc như Thơ Nguyễn, TIMMY TV thì đồng thời phải hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật hơn nữa để làm sao giải quyết được nhiệm vụ khó khăn nhất là đấu tranh với các tập đoàn lớn Google, Facebook.
Theo ông, các nền tảng mảng này phải có trách nhiệm lọc trước tiên chứ không một lực lượng nào ngoài họ có thể lọc những video xấu độc cho xuể. Chừng nào các kênh này vẫn cho những kênh độc hại lên để kinh doanh, vẫn dùng chính sách nút xanh, nút vàng, nút kim cương thì mọi người vẫn phải sống chung với rác trên mạng xã hội.
Theo khảo sát "Tiếng nói trẻ em Việt Nam" do Viện Nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững (MSD) và Tổ chức Cứu trợ trẻ em (SCI) thực hiện năm 2020, 80,8% trẻ em nói rằng cha mẹ hoặc người thân biết trẻ sử dụng Internet, 50,4% trẻ em chia sẻ việc mình có tiếp cận Internet với cha mẹ/người thân và 30,4% cha mẹ/người thân chủ động kiểm soát việc tiếp cận Internet của trẻ, có 4% trẻ giấu không cho cha mẹ/người thân biết mình có sử dụng Internet.
TTO - Thêm một kênh YouTube nhảm nhí, độc hại cho trẻ vừa bị Cục Trẻ em đề xuất các cơ quan chức năng liên quan kiểm tra, xử lý xóa, gỡ khiến các bậc phụ huynh thở phào.