Với ngành vận tải biển toàn cầu, sự hỗn loạn bắt nguồn từ hàng triệu nút bấm "mua ngay" trên internet.
Đầu năm 2020, khi đại dịch bắt đầu bùng phát trên toàn cầu, người ta có thể thấy những con tàu neo đậu ngoài khơi Singapore, tĩnh lặng một cách kỳ lạ. Nhưng chỉ tới mùa thu, các tàu container bắt đầu ùn ùn băng qua Thái Bình Dương, thậm chí gây tắc nghẽn tại nhiều cảng biển ở Mỹ. Tháng 1/2021, có tới 30 tàu container đang neo đậu ngoài các cảng tại Los Angeles và Long Beach chờ vào cảng - cảnh tượng hiếm khi xảy ra.
"BÃO" GIÁ VẬN TẢI BIỂN
Ngành vận tải biển được xem là "xương sống" của thương mại toàn cầu. Nếu không có vận tải biển, nhiều sản phẩm - từ thiết bị y tế cho tới hàng bán lẻ phục cuộc sống của hàng triệu người - có thể không bao giờ được sản xuất chứ đừng nói tới việc đến tay người tiêu dùng.
Nhu cầu bán lẻ tăng đột biến đã đẩy ngành vận tải biển rơi vào tình trạng hỗn loạn chưa từng có. Các tàu container, với tải trọng lên tới 190.000 tấn, cũng phải "oằn mình" đáp ứng nhu cầu tăng chóng mặt. Mọi con tàu container trên thế giới đều được đưa vào vận hành.
Tại châu Á, nhiều nhà sản xuất "tuyệt vọng" tìm kiếm container chở hàng trong bối cảnh cầu vượt cung dẫn tới thiếu khoảng 500.000 container.
Theo hãng tư vấn vận tải biển, Drewry Shipping Consultants, giá vận tải bằng container tăng gấp ba lần, lên tới 5.472 USD/container 40 feet vào tháng 5/2021, từ mức 1.486 USD một năm trước.
"Tôi chưa từng chứng kiến sự gián đoạn nghiêm trọng trong chuỗi cung ứng thế này trong 20 năm qua", Simon Heaney, Quản lý cấp cao tại Drewry, cho biết. "Chúng ta đang chứng kiến sự hỗn loạn chưa từng thấy trong lĩnh vực vận tải biển".
Mức độ tin cậy - thước đo chuyến hàng có đến đúng lịch trình hay không - đã giảm xuống còn 34,9% trong năm 2021 - con số thấp kỷ lục. Các hãng trung gian rơi vào tình cảnh hoảng loạn khi tìm kiếm một chỗ trên container để vận tải hàng hóa cho khách hàng của mình.
Không chỉ vậy, với những con tàu lèn chặt container và chạy với tốc độ cao, nhiều container bị rơi xuống biển. Theo ước tính của Bloomberg, trong năm 2020, khoảng 3.000 container đã bị rơi xuống biển. Từ đầu năm nay, con số này là 1.000 container.
Chưa hết, sự cố tàu Ever Given chắn ngang kênh đào Suez hồi tháng 3 gây thiệt hại nghiêm trọng, chặn đứng dòng hàng hóa trị giá 9,6 tỷ USD trong 6 ngày. Nhiều tàu đã phải đi vòng qua mũi Hảo Vọng ở châu Phi, khiến lộ trình kéo dài thêm nhiều tuần.
Sự cố của Ever Given khiến 9,6 tỷ USD hàng hóa bị ảnh hưởng trong 6 ngày - Ảnh: Getty Images
"CƠN LỐC" MUA SẮM TRỰC TUYẾN
Sau khi nhu cầu đột biến với đồ dùng bảo hộ y tế hạ nhiệt, từ khoảng tháng 7/2020 trở đi, nhu cầu vận chuyển với các loại hàng hóa bán lẻ thông thường bắt đầu tăng vọt với hoạt động mua sắm trực tuyến bùng nổ, thậm chí vượt mức trước đại dịch.
Theo dữ liệu từ Cục thống kê Mỹ, chi tiêu bán lẻ trong tháng 3/2021 của nước này tăng 27,7% so với một năm trước. Bán lẻ trực tuyến tăng gần 40% so với mức trước đại dịch. Doanh số ôtô tăng 29%, trong khi đồ nội thất tăng 20,4%. Tại Mỹ, có hãng vận tải thậm chí nhập khẩu số lượng container đầy máy cắt cỏ nhiều gấp 10 lần so với năm 2019.
"Mọi thứ diễn ra như vào giờ cao điểm thứ Hai nhưng kéo dài suốt 6 tháng vậy"...
Khi dịch bệnh được kiểm soát tại Trung Quốc và nhiều quốc gia khác tại châu Á, các nhà máy bắt đầu tăng tốc sản xuất để đáp ứng nhu cầu hàng hóa từ các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Tại Mỹ, các nhà hàng, quán bar, cơ sở giải trí đóng cửa khiến người dân quay sang mua sắm hàng hóa "điên cuồng", đặc biệt với gói hỗ trợ nghìn tỷ USD từ chính phủ.
Từ nửa cuối năm 2020, người Mỹ, bị "mắc kẹt" ở nhà do đại dịch Covid-19, bắt đầu đổ xô lên internet mua chăn đệm, giày dép, quần áo, đèn, bàn ghế... và "cơn sốt" mua sắm trực tuyến không ngừng nóng lên.
Chỉ trong 2 tuần, một nhà sản xuất giấy vệ sinh chứng kiến doanh thu tăng tới 600%. Một hãng bán lẻ khác bán sạch kho thức ăn gia cầm cho một năm chỉ trong 2 tháng. Cứ thế, những container chứa đầy quần tập yoga, áo khoác, nồi chiên không dầu, máy cắt cỏ... ùn ùn rời các cảng biển châu Á.
"Mọi thứ diễn ra như vào giờ cao điểm thứ Hai nhưng kéo dài suốt 6 tháng vậy", Sanne Manders, Giám đốc điều hành công ty giao nhận hàng hóa Flexport của Mỹ, chia sẻ.
Từ tháng 9/2020, các tàu container bắt đầu xếp hàng dài tại các cảng ở Los Angeles và Long Beach. Tại các cảng này, hoạt động bốc dỡ container diễn ra cả ngày lẫn đêm. Vốn đã là khu tổ hợp cảng biển lớn nhất tại Mỹ về khối lượng hàng hóa, các cảng liền kề ở Los Angeles và Long Beach phá kỷ lục về số lượng container được bốc dỡ mỗi tháng.
Tháng 11/2020, số lượng container tại các cảng này tăng 22,06% so với năm trước và tăng tới 113% vào tháng 3/2021 (so với cùng kỳ năm trước).
Các container đầy hàng được xếp chồng chất tại các ụ tàu. Tuy nhiên, hệ thống cơ sở hạ tầng không được nâng cấp suốt hàng chục năm không đủ sức tải số lượng container tăng đột biến như vậy.
Các nhà kho phân phối khổng lồ ở khu vực Inland Empire, trên sa mạc phía đông Los Angeles, chật cứng tới tận xà nhà. Michael Podue, chủ tịch của một liên đoàn lao động trong lĩnh vực kho vận và vận tải, cho biết ông chưa từng chứng kiến tình trạng tắc nghẽn tương tự trong suốt 40 năm qua.
Chi tiêu bán lẻ của Mỹ trong tháng 3/2021 tăng gần 30% so với năm trước - Ảnh: Getty Images
Hãng vận tải container quốc tế Maersk dự báo nhu cầu vận tải biển sẽ còn tiếp tục tăng tới cuối năm nay, đi liền với đó là tình trạng tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng và thiếu container trầm trọng. Hãng này ước tính nhu cầu container sẽ tăng 5-7% trong năm 2021.
"Nhu cầu container chưa có dấu hiệu suy giảm và không có lúc nào để dừng lại để sửa chữa những vấn đề của cả hệ thống, trong khi có vô số thứ cần phải sửa chữa", Maersk nhận định.
Xem thêm: nhc.59283451102501202-neyut-curt-mas-aum-col-noc-uv-cuhp-hnim-nao-neib-iat-nav-hnagn/nv.fefac