Vì sao Bắc Giang trở thành ổ dịch "siêu lây nhiễm"?
Ổ dịch trong 2 khu công nghiệp (KCN) Quang Châu và KCN Vân Trung ở huyện Việt Yên của Bắc Giang lây lan và bùng phát nhanh chóng trong những ngày qua.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương, ổ dịch ở công ty Hosiden Việt Nam, KCN Quang Châu đang rất phức tạp, bởi đây là ổ dịch có tốc độ lây lan nhanh, phức tạp do làm việc trong phòng lạnh, khép kín, trần thấp.
Trước đó, qua test nhanh chiều tối 14/5 phát hiện 12 ca bệnh cùng một phân xưởng số 4 ở ổ dịch này. Chỉ 1 ngày sau đó, lấy mẫu toàn bộ người lao động, số ca F0 tăng rất nhanh so với ngày đầu tiên, tăng 147 trường hợp. Số ca bệnh phát hiện chiếm tỷ lệ 37,9% trên tổng số mẫu xét nghiệm đã có kết quả.
Tại buổi làm việc khẩn của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn dẫn đầu vào đêm qua 15/5 với tỉnh Bắc Giang, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng TS Đặng Quang Tấn phân tích, mức độ lây nhiễm dịch tại Bắc Giang rất nhanh, lây giữa phân xưởng và công ty với nhau diễn biến dịch phức tạp.
Buổi làm việc của Đoàn công tác Bộ Y tế với tỉnh Bắc Giang ngay trong đêm 15/5 |
Ông Tấn cho biết, qua tìm hiểu chúng tôi nhận thấy nguyên nhân dẫn đến đợt dịch bùng phát lần này tại Bắc Giang vẫn từ 2 nguồn lây chính.
Nguồn thứ nhất liên quan đến 2 vợ chồng mắc COVID-19 ở Lạng Sơn. Hai người này là công nhân ở KCN Vân Trung, Việt Yên, Bắc Giang.
Nguồn lây thứ 2 cũng liên quan trường hợp làm việc tại KCN Vân Trung. Sau đó, từ F0 này dẫn đến sự lây nhiễm cho công nhân tại KCN Quang Châu.
Theo TS Đặng Quang Tấn, qua phân tích có thể thấy, mức độ lây nhiễm ở Bắc Giang rất phức tạp. Trong đó có rất nhiều nguyên nhân, chủ yếu là vấn đề giãn cách, vệ sinh môi trường lao động, quá trình đưa đón công nhân có đoạn đường di chuyển dài. Việc tiếp xúc trên xe trong thời gian dài, môi trường kín là một trong những điều kiện khiến dịch lây lan.
Điều lo ngại là hiện tại, dịch chỉ mới được ghi nhận trong khoảng 1-2 ngày đầu. Rất có thể vài ngày tới, khi hết chu kỳ ủ bệnh, số lượng F0, F1 tăng lên rất nhiều.
Không được bỏ qua mầm bệnh ở cộng đồng
Thời gian qua, Bắc Giang tập trung chủ yếu vào công tác điều tra dịch tễ, xét nghiệm công nhân tại các KCN, mà chưa chú trọng nhiều vào điều tra, truy vết, xét nghiệm trong cộng đồng, nơi giáp vùng dịch, nơi các công nhân đi lại, về nhà, tiếp xúc.
Là một người có bề dày kinh nghiệm về điều tra, truy vết, PGS. TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nhắc nhở tỉnh Bắc Giang: Dịch diễn biến phức tạp, chúng ta đừng chỉ để ý đến công ty mà “quên” mất truy vết cộng đồng. Chống dịch trong KCN là đồng bộ và "đi bằng 2 chân" vừa trong KCN vừa trong cộng đồng.
PGS.TS Trần Như Dương phát biểu tại cuộc họp. |
Vì thế, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đề nghị Bắc Giang cần phải kích hoạt ngay Tổ COVID cộng đồng trong khu dân cư để kịp thời nắm được tình hình và truy vết được chính xác. Còn trong khu công nghiệp, nhà máy phải thành lập Tổ an toàn COVID tại đây.
Đồng thời, Phó Viện trưởng Trần Như Dương cũng đề nghị Bắc Giang từ hôm nay 16/5, phải tổng rà soát các khu dân cư, những người ho, sốt đều phải coi là ca bệnh nghi ngờ lấy mẫu bệnh phẩm ngay lập tức.
Đồng quan điểm này, TS Đặng Quang Tấn cho biết, đội truy vết của Bộ Y tế đã chọn ngẫu nhiên 60 số điện thoại của người tiếp xúc gần (F1) với ca bệnh tại Bắc Giang để “kiểm tra”, thì các số được gọi cho biết, họ chưa được quan tâm, chưa được địa phương quản lý chặt chẽ.
TS Tấn lo ngại, nếu không nắm được danh sách những người có liên quan này sẽ tiềm ẩn nhiều mối nguy cơ lớn. Bởi, Bắc Giang có mật độ và số lượng công nhân rất đông. Khi công nhân về nơi lưu trú mà không được quản lý kịp, nếu chẳng may họ dương tính sẽ lây nhiễm cho người khác.
Từ khi phát sinh ổ dịch đến nay đã nhiều ngày trôi qua, nếu không truy vết trong cộng đồng thần tốc, thì nguy cơ mầm bệnh phát tán là rất nhanh.
Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng đề nghị tỉnh Bắc Giang cần nhanh chóng chuyển danh sách F1 cho huyện, xã để phối hợp truy vết chống dịch. Ông Tấn cũng đặc biệt lưu ý, Bắc Giang dồn sức dập dịch ở KCN nhưng không được bỏ quên các khu vực cộng đồng.
"Nếu trong cộng đồng vẫn còn người mang mầm bệnh thì sẽ nguy hiểm vô cùng. Chúng tôi đề nghị tỉnh triển khai giám sát toàn bộ người có biểu hiện ho, sốt, quản lý khai báo y tế, đưa cách ly và lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc COVID-19 ở khu vực nguy cơ cao”, Cục trưởng Đặng Quang Tấn đề nghị.
Ths. Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cũng cho hay, ngoài việc sàng lọc trong khu công nghiệp chúng ta cũng phải sàng lọc ở cơ sở khám chữa bệnh, người nhà, nhân viên y tế để không bỏ lọt. Bởi nếu để lọt trong khu khám chữa bệnh sẽ rất phức tạp.
Đề nghị Quân đội vào tiếp quản khu cách ly, chống lây nhiễm chéo
Bắc Giang đang phải đưa đi cách ly tập trung một số lượng F1 rất lớn. Theo PGS.TS Trần Như Dương, đưa đi nhanh rất quan trọng nhưng phải an toàn. Phải có bài bản, nhịp nhàng. Trước khi đưa lên xe đi cách ly phải tổ chức sàng lọc những đối tượng có nguy cơ như sốt, ho phải bố trí xe riêng chứ không đưa tất cả cùng một xe được.
200 bác sĩ, nhân viên y tế tình nguyện của Bệnh viện Việt Nam- Thụy Điển Uông Bí lấy mẫu xét nghiệm thần tốc cho công nhân KCN của tỉnh Bắc Giang (Ảnh: Ngân Hà) |
Ông Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục Môi trường y tế cho rằng, từ kinh nghiệm thực tiễn chống dịch ở Hải Dương, Bắc Giang phải có kế hoạch chi tiết, cụ thể ngay từ đầu cho phương án cách ly. Vì nếu không có kế hoạch ngay từ đầu khi thực hiện cách ly đông và tập trung sẽ rất lúng túng. Cần phải tính các phương án về ăn uống ra sao, nguồn thực phẩm thế nào, để đảm bảo an toàn thực phẩm. “Trong khu cách ly mà để ngộ độc thực phẩm thì coi như hệ thống y tế sập”, ông Nam nói.
Bắc Giang cần thực hiện giảm mật độ tối đa trong khu cách ly, giảm số người sử dụng chung nhà vệ sinh trong phòng cách ly. Đảm bảo nguyên tắc cán bộ y tế và quân đội chỉ khử khuẩn không gian bên ngoài, còn tại các phòng cách ly phải chuẩn bị cây lau, chậu, hoá chất để người trong phòng tự vệ sinh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, bài học của các tỉnh từ Đà Nẵng đến Hải Dương và các địa bàn khác cho thấy nếu tổ chức cách ly dân sự trong tình hình dịch căng thẳng rất khó hiệu quả. Vì thế, Thứ trưởng đề nghị giao cho Ban chỉ huy quân sự tỉnh phối hợp với quân khu sử dụng đơn vị quân đội để tổ chức khu cách ly. Phải có sự giám sát chặt chẽ, lắp camera để giám sát đảm bảo cho khu cách ly an toàn.
Hôm qua 15/5, 200 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên của Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) đã tình nguyện đến hỗ trợ tỉnh Bắc Giang về công tác xét nghiệm, dập dịch. Từ chiều 15/5, đoàn bác sĩ, nhân viên y tế đã bắt tay vào công việc, đến sáng nay lấy được hơn 11.000 mẫu bệnh phẩm.
Thứ trưởng cũng cho biết, Bộ Y tế sẽ điều Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương đến Bắc Giang để hỗ trợ làm xét nghiệm. Trong tình hình dịch lan rộng, bên cạnh cơ sở y tế vốn có, tỉnh Bắc Giang phải trưng dụng các bệnh viện chuyên khoa làm cơ sở tiếp thu điều trị bệnh nhân COVID dương tính. Bộ Y tế ủng hộ tỉnh đề xuất 4 bệnh viện dã chiến.
Tuy nhiên, Bắc Giang nên tận dụng cơ sở điều trị và mở rộng quy mô cơ sở đó để điều trị. Chẳng hạn Bệnh viện Phổi đang có khả năng thu dung 200 người, tỉnh có thể nghiên cứu mở rộng lên quy mô 300- 500 giường để không bị phân tán lực lượng trong khi nguồn nhân lực có hạn.
Hơn 11.000 mẫu bệnh phẩm đã được các bác sĩ bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí lấy tại Bắc Giang Từ chiều ngày 15/5, sau khi đến Bắc Giang, 200 nhân viên y tế tình nguyện của Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí đã bắt tay ngay vào công việc. 200 nhân viên y tế đã được chia làm 10 tổ công tác để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho toàn bộ công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH Crystal Martin Việt Nam, KCN Quang Châu, huyện Việt Yên. Sau 9 giờ làm việc không ngừng nghỉ, các nhân viên y tế đã hoàn thành việc lấy mẫu tại công ty Công ty TNHH Crystal Martin Việt Nam và sau đó tiếp tục di chuyển để tiến hành lấy mẫu cho công nhân tại công ty TNHH công nghệ Lens Việt Nam. Tính đến 22h cùng ngày, các nhân viên y tế bệnh viện đã lấy mẫu cho 9.000 người. Và trong đêm 15/5 đoàn đã lấy được mẫu cho 3.000 người. Toàn bộ số mẫu trên đã được chuyển về Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí để làm công tác xét nghiệm bằng phương pháp Realtime RT-PCR nhằm phát hiện virus SARS-CoV-2. Dự kiến sáng nay 16/5, đoàn nhân viên y tế của Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí sẽ tiếp tục di chuyển để tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm cho khoảng 3.500 công nhân tại các công ty khác thuộc khu công nghiệp Quang Châu. |
Xem thêm: /864146-gnod-gnoc-tev-yurt-neuq-ob-coud-gnohK-coun-tahn-nol-gnaiG-caB-hcid-O/et-y/nv.moc.dnac