- Công an tỉnh Đắk Lắk: Góp phần giữ bình yên vùng đất đại ngàn Tây Nguyên
- Niềm vui trong những ngôi nhà mới giữa đại ngàn
- Vì bình yên của đại ngàn Tây Nguyên
Con đường đến với bộ quân phục màu xanh mạ non
Nguyễn Tuấn Anh sinh ra trong một gia đình có bố mẹ làm công nhân nhà máy xi măng. Do tính chất của công việc nên bố mẹ phải cả ngày trong nhà máy, ít có thời gian ở nhà với hai anh em anh. Vì vậy, ngay từ bé, Nguyễn Tuấn Anh đã học được cách sống tự lập những lúc bố mẹ vắng nhà.
Trung úy Nguyễn Tuấn Anh kể: “Buổi sáng mẹ dậy sớm chuẩn bị đồ ăn sáng và cơm trưa cho hai anh em tôi mang đến trường, buổi chiều sau khi đi học về, tôi và anh tự giác chia nhau quét nhà, nhặt rau, nấu cơm, đợi bố mẹ đi làm về. Tôi vẫn nhớ như in khuôn mặt của mẹ mỗi buổi chiều tối khi về đến nhà thấy hai đứa con đang chờ bên mâm cơm được nấu sẵn đang dần nguội đi. Mẹ cười tươi lắm nhưng tôi vẫn nhận thấy trên khuôn mặt mẹ phảng phất vẻ trầm buồn. Nét buồn mà phải đến khi lớn lên tôi mới hiểu được”.
Trung úy Nguyễn Tuấn Anh (bìa phải) cùng đồng đội đến tận nhà người neo đơn, tàn tật để làm CCCD. |
Ngày bé, hai anh em anh yêu thích nhất trò chơi đóng giả Cảnh sát bắt kẻ trộm. Có lẽ cái cảm giác cầm súng trong tay để đi làm việc chính nghĩa từ trò chơi ấy là động lực thôi thúc cho hai anh em trở thành những người Công an nhân dân sau này. Khi anh trai thi đậu Học viện Cảnh sát nhân dân, chững chạc khoác trên mình bộ quân phục trở về nhà trong dịp nghỉ phép. Ước mơ trở thành người chiến sĩ Công an trong Tuấn Anh càng bùng cháy mãnh liệt.
Vì tự lập từ bé nên khi đã chọn cho mình một mục tiêu, Nguyễn Tuấn Anh luôn cố gắng và nỗ lực hết mình cho mục tiêu đó. Những đêm ôn bài, trời về khuya mấy lần mẹ giục đi ngủ, mặc dù mệt nhưng anh luôn tự động viên “Cố gắng chút nữa, sắp làm được rồi”. Đáp lại cho công sức miệt mài của anh là tờ giấy báo nhập học Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I đúng như mong đợi.
Khi đạt được mục tiêu, không ngủ quên trên chiến thắng, Nguyễn Tuấn Anh nhanh chóng đặt ra cho bản thân những mục tiêu mới trong quá trình học tập của nhà trường. Hai năm học tập ngắn ngủi nhưng anh đã kịp gặt hái những thành tích để ghi dấu cho tuổi thanh xuân đáng nhớ của mình: Giải nhì học sinh giỏi cấp trường môn Pháp luật, giấy khen của Hiệu trưởng cho học viên có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và nhiều giải thưởng khác.
Công việc là niềm vui
Sau khi tốt nghiệp, Nguyễn Tuấn Anh được phân công công tác tại Đội Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Thanh Hóa. Dù được đào tạo về Quản lý hành chính chưa có nhiều kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực giao thông nhưng anh vui vẻ đón nhận nhiệm vụ với tinh thần sẵn sàng thử sức trên mọi lĩnh vực để nâng cao chuyên môn của bản thân.
Để đáp ứng được yêu cầu của công việc, anh đã không ngừng học hỏi từ đồng nghiệp và liên tục nghiên cứu, cập nhật thường xuyên các văn bản quy phạm pháp luật, nghị định, thông tư… có liên quan đến công tác giao thông.
Khi nói về những khó khăn, Trung úy Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ: “Mỗi một lĩnh vực có những khó khăn riêng. Nếu như quản lý hành chính yêu cầu cán bộ cần phải sâu sát trong việc nắm rõ tình hình địa bàn, thì giao thông với đặc thù tiếp xúc nhiều với người dân, yêu cầu người làm công tác này phải biết “kính trọng, lễ phép” và khả năng ứng biến nhanh với các tình huống bất ngờ”.
Trung úy Nguyễn Tuấn Anh trao quà cho người có hoàn cảnh khó khăn trong xã. |
Nguyễn Tuấn Anh luôn cảm thấy may mắn khi được phân công về Đội Cảnh sát Giao thông, Công an thành phố Thanh Hóa. Ở đây, anh học được nhiều điều hay từ chuyên môn cho đến cuộc sống. Mọi người sống và coi nhau như một gia đình, là đứa em út trong đội anh nên luôn được các anh chị lớn chỉ bảo, quan tâm tận tình. Vì thế, mỗi ngày đi làm luôn luôn là mỗi ngày vui vẻ.
Gần 5 năm công tác ở đội Cảnh sát Giao thông, có những ngày ra đường làm nhiệm vụ nhưng thời tiết không ủng hộ. Khi thì nắng như đổ lửa, mặt đường bốc hơi bỏng rát. Khi thì trời mưa phùn, gió lạnh áo lớp trong lớp ngoài vẫn cảm thấy không đủ. Khó khăn, vất vả là thế nhưng chỉ cần nhận được một cái mỉm cười gật đầu cảm ơn hay chai nước mát của người dân thì mọi mệt nhọc đều biến mất. Hạnh phúc đôi khi chỉ là những điều bình thường và giản dị vậy thôi.
Cháy hết mình cho tuổi thanh xuân rực rỡ
Thực hiện Đề án bố trí Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Công an xã của Bộ Công an, Nguyễn Tuấn Anh đã xung phong nhận nhiệm vụ về cơ sở. Anh chọn rời đơn vị cũ ở thành phố để về với Xuân Dương - một xã nghèo thuộc huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa.
Trung úy Nguyễn Tuấn Anh bày tỏ: “Khi quyết định xung phong đi xã, tôi đã chẳng suy nghĩ gì nhiều. Tôi nhận thấy, mình đang còn trẻ, chưa lập gia đình nên chưa có những vướng bận về vợ con như nhiều anh chị lớn tuổi khác. Và bản thân tôi cũng muốn được thay đổi để học hỏi thêm, để hiểu và có thêm không chỉ về chuyên môn mà cả kinh nghiệm cuộc sống”.
Công việc ở xã thời gian đầu còn có những khó khăn nhưng với bản tính tự lập và kinh nghiệm công tác, anh đã nhanh chóng vượt qua và phát huy sở trường của mình. Ngoài công việc ở cơ quan, mỗi chiều anh thường đi vào làng thăm nom và trò chuyện với bà con trong xã. Hình ảnh anh cán bộ với nụ cười tươi rói, “chưa thấy người đã thấy tiếng” ấn tượng với mọi người ngay từ lần đầu gặp mặt. Ai cũng quý và xem anh như con cháu trong nhà.
Cũng nhờ những lần tiếp xúc trực tiếp với người dân như vậy mà Nguyễn Tuấn Anh biết trên địa bàn xã nơi anh công tác còn rất nhiều những phận đời éo le, bất hạnh cần được hỗ trợ, giúp đỡ. Anh đã trằn trọc rất nhiều khi tận mắt chứng kiến những mảnh đời bất hạnh đó. Bản thân cứ đau đáu câu hỏi “phải làm gì đó để giúp người dân ở đây bớt khổ?”. Nghĩ vậy, anh quyết định kêu gọi sự ủng hộ từ bạn bè và người thân trên trang Facebook cá nhân. Chỉ sau ít ngày nhờ sức mạnh lan tỏa của mạng xã hội, số tiền ủng hộ đã lên tới hai mươi hai triệu đồng.
Nhận sự ủy thác của những tấm lòng thảo thơm ủng hộ, cùng với đơn vị Nguyễn Tuấn Anh đã trao tặng số tiền đến cho mọi người. Từng phần quà nho nhỏ nhưng là lời động viên, là sự hỗ trợ cấp thiết cho những hộ khó khăn giúp năm ấy mỗi nhà có thêm bao gạo, cân thịt lợn góp cho mâm cơm ngày Tết truyền thống thêm đầm ấm và an yên.
Sau lần ấy Nguyễn Tuấn Anh còn tiếp tục cùng với Công an xã Xuân Dương kêu gọi ủng hộ giúp xây nhà tình nghĩa cho bà Lê Thị Nhuận (89 tuổi) đang sống cùng con gái 68 tuổi bệnh tật, ốm yếu trong căn nhà tranh đổ nát. Căn nhà xây xong, hai mẹ con ôm nhau vui mừng khóc nức nở, bà con chòm xóm hân hoan chúc mừng. Thế nhưng, vui hơn ai hết là đồng chí Trung úy Nguyễn Tuấn Anh vì những việc làm nhỏ của mình đã mang đến hạnh phúc cho nhiều người.
Trong đợt làm căn cước công dân gắn chíp, mạng xã hội lan truyền những clip về những chiến sĩ Công an luôn ân cần, thân thiện và nụ cười luôn thường trực trên môi đối với mọi người dân dù đã hai ba giờ sáng. Người Trung úy bập bẹ giao tiếp với bà con dân tộc thiểu số bằng tiếng của họ hay hình ảnh tổ công tác đêm hôm lội ruộng, băng suối vào bản làm giúp căn cước cho những trường hợp đặc biệt. Đó là những hình ảnh về Trung úy Nguyễn Tuấn Anh và đồng đội được anh đăng tải. Những hình ảnh thu hút hàng chục triệu lượt xem, góp phần lan tỏa những hình ảnh người chiến sĩ Công an Nhân dân đẹp trong lòng dân.
Năm 25 tuổi, chàng Trung úy Nguyễn Tuấn Anh chọn rời thành phố phồn hoa về lại với vùng đất miền núi khô cằn, sỏi đá để tô thắm thêm cho tuổi xuân rừng rực cháy của mình. Anh cống hiến cho công việc, cố gắng giúp đỡ mọi người bằng cả cái tâm và nhiệt huyết tuổi trẻ. Giữa vùng núi Thường Xuân, Tuấn Anh như bông hoa nở giữa đại ngàn xanh thẳm.
Lê Đình TrungXem thêm: /480246-nagn-iad-auig-on-aoh-gnoB/gnoht-neyurT/nv.moc.dnac.acnv