- Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác cán bộ
- Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Công an vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Đảng ủy Công an Trung ương dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
Nhà báo Thanh Hương sinh ra trong một gia đình Nho giáo, giàu truyền thống cách mạng ở Nghệ An. Cha bà là cụ Nguyễn Huy Nhu, đỗ Tiến sĩ đệ tam giáp năm Bính Thìn (1916) và sau đó tham gia quan trường. Mẹ mất sớm, cô bé Thanh Hương theo cha vào Huế sinh sống. Cha vốn là người yêu thơ và làm nhiều thơ chữ Hán, bởi vậy mới lên 10 Thanh Hương đã có điều kiện được tiếp xúc với phong trào thơ mới của nhóm Tự Lực văn đoàn…
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, nguyên Tổng biên tập Báo Phụ nữ Việt Nam. |
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Thanh Hương tròn mười sáu tuổi, cô bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng. Ban đầu cô được cử đi học lớp Việt Minh Trung bộ. Sau khóa học, nhờ sự nhanh nhẹn và trí thông minh, Thanh Hương được giữ lại tham gia vào Ban Thường vụ Phụ nữ Cứu quốc, đồng thời vào Ban Thường vụ Việt Minh Thuận Hóa (Huế).
Từ khi nhận công tác ở Thành hội phụ nữ đến khi nổ ra cuộc Kháng chiến toàn quốc, cô được điều động đến công tác tại báo Chiến Thắng - cơ quan của Tỉnh bộ Việt Minh, rồi công tác ở Tiểu ban Văn hóa Hội Liên hiệp Phụ nữ Liên khu IV….
Sau vài lần luân chuyển công tác, đầu tháng 6 năm 1949, Thanh Hương được điều lên Việt Bắc công tác ở cơ quan Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam. Chính nơi đây, cô nhiều lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người đến thăm và nói chuyện với chị em cơ quan.
Trong những lần ấy, Thanh Hương được ăn cơm và chụp ảnh cùng Người. Mỗi lần gặp Bác, được nghe những lời khuyên bảo ân cần của Người, mãi sẽ là kỷ niệm và hành trang để nhà văn, nhà báo Thanh Hương nỗ lực phấn đấu trong sự nghiệp làm báo của bà sau này.
Nhớ Bác ngày ở chiến khu
Trên căn gác tầng 2, ở số 103 phố Vạn Phúc, Hà Nội, nhà báo Thanh Hương nay đã bước sang tuổi 91, dù đôi chân đã chậm nhưng ánh mắt còn tinh anh và trí nhớ minh mẫn. Với chất giọng xứ Nghệ, bà Thanh Hương thân mật đưa chúng tôi trở lại những ký ức tuổi trẻ của mình, đặc biệt là kỷ niệm nhiều lần bà được gặp Bác Hồ trên chiến khu Việt Bắc.
Bồi hồi nhớ lại, bà cho biết: “Thật bất ngờ, khoảng 3 giờ chiều ngày 19-5-1950, Bác Hồ ghé thăm cơ quan Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam. Cơ quan tôi khi đó nằm trên đồi Hoàng Ngân ở xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên (thuộc vùng căn cứ địa Cách mạng ATK). Bác đến thăm, ở nhà chỉ có ba chị em là chị Tâm Trung - cán bộ Hội; cô Lưu Thị Liên - giao liên và tôi. Cùng đi với Bác hôm đó, còn có đồng chí Kháng - bảo vệ. Thấy Bác đến, chị em tôi gọi nhau chạy ùa ra sân đón và mời Người lên phòng khách...”.
Câu chuyện nhà báo Thanh Hương kể, càng cuốn hút chúng tôi bởi kỷ niệm bà may mắn được ăn cơm cùng Bác vào đúng ngày sinh nhật lần thứ 60 của Người.
“Bác trò chuyện cùng chị em tôi đến gần tối, trời lại lấm tấm mưa, tôi mạnh dạn mời Bác và đồng chí bảo vệ ở lại ăn cơm. Sau ít phút suy nghĩ và trao đổi với đồng chí bảo vệ, Bác đã nhận lời. Chị em tôi phân nhau đi nấu cơm, một lát sau, mâm cơm được dọn ra gồm các món: Canh măng tây, muối rang với mỡ và ớt, mấy quả trứng gà luộc.
Chợt Bác hỏi: “Măng tây các cô nấu thế nào?”. Cô Liên bèn thưa với Bác: “Dạ thưa Bác, măng tây cháu bẻ đôi, đun nước sôi, rồi đổ măng vào, cho thêm tí mỡ và tí muối ạ”. Bác cười hiền từ, rồi nói: “Đây là măng tây đóng hộp của Pháp (chiến lợi phẩm - TG), khi nấu cháu phải bẻ ra từng khúc, nấu với thịt nạc. Cuộc kháng chiến chống Pháp còn khó khăn, ta chưa có điều kiện, không có thịt nạc để nấu, các cháu là phụ nữ thì phải chịu khó học văn hóa, học chính trị, học nữ công gia chánh và phải biết nấu ăn ngon….”.
Năm 1952 cơ quan Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam từ Đầm Hồng (huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) chuyển về đóng gần đình Tân Trào (huyện Sơn Dương, tỉnh Thái Nguyên), mỗi lần Bác từ bên kia đèo De (Định Hóa, Thái Nguyên) sang nói chuyện, họp hành, làm việc với các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội, Tuyên huấn Trung ương… trên đường Người thường ghé thăm Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam. Mỗi dịp đến thăm, Bác thường bày dạy cho chị em những điều bổ ích, tạo nên sự gần gũi, thân thiết như người cha, người chú, người ông trong gia đình.
Nhà báo Thanh Hương kể tiếp: Một lần khác đến thăm, câu đầu tiên Bác hỏi: “Các cô có khỏe không? Có cô nào bị sốt rét không?”. Chị Hoàng Thị Ái khi đó là Bí thư Đảng Đoàn Phụ nữ Trung ương thay mặt chị em thưa với Bác: “Thưa Bác, chị em chúng cháu khỏe, không ai bị sốt rét ạ. Các chị em trong chi bộ vừa chỉnh huấn xong, kiểm điểm, phê bình và tự phê bình thành khẩn, đảm bảo đoàn kết nội bộ, hoàn thành nhiệm vụ được giao một cách tốt đẹp ạ”. Bác cười khen: “Các cô chỉnh huấn tốt, công tác tốt, đoàn kết nội bộ tốt, giữ gìn bí mật “3 không” tốt. Bác có quà khen thưởng”.
Nghe Bác nói vậy chúng tôi ai cũng vui, hồi hộp chờ xem Bác cho quà gì. Dứt lời, Bác đưa ra một gói “quà” nhỏ được gói trong giấy báo rồi bỏ vào ống bơ. Lấy tay bịt kín miệng ống bơ, rồi Bác hỏi: “Đố cô nào cạy được tay Bác xem quà gì?”. Mấy chị em đều không ai cạy được. Bác cười tươi rồi bảo: “Không cô nào cạy được tay Bác à? Thế các cô đoán là quà gì?”. Một chị thưa: “Thưa Bác, cháu đoán là kẹo bạc hà ạ”.
Bác lắc đầu nói: “Không phải”, rồi Người mở tay khỏi miệng ống bơ, trong gói giấy nhỏ có năm chiếc Huy hiệu Bác Hồ. Rồi Bác nói luôn: “Các cô bình xét xem, những cô nào chỉnh huấn tốt, công tác tốt thì tặng cho các cô ấy, mỗi người một cái”. Chúng tôi không ngờ lại được nhận phần thưởng lớn lao đến như vây.
Mặc dù nhà báo Thanh Hương không được nhận quà của Bác tặng trong đợt chỉnh huấn lần này, nhưng bà đã rút ra được nhiều bài học bổ ích trong công tác và cuộc sống gia đình.
Trọn tâm huyết với nghề báo
Từ năm 1946 đến năm 1954 tại căn cứ địa Việt Bắc, bà Thanh Hương được giao nhiệm vụ làm công tác đoàn thể, lúc thì ở Phụ nữ, lúc ở Đoàn Thanh niên, lúc làm công tác tuyên huấn ở Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Trong thời gian này, được Bác khuyên nhủ, bà Thanh Hương đọc nhiều sách, báo của Pháp, của Liên Xô (in bằng tiếng Pháp). Những bài viết ấy đã giúp bà hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của báo chí. Từ đó, bà bắt đầu cầm bút viết các mẩu chuyện phục vụ công tác trước mắt như: Nữ dân công, gương anh hùng chiến sỹ thi đua… để in trong các tập sách nhỏ của Hội Phụ nữ. Lúc rảnh rỗi, bà còn tập viết truyện ngắn và làm thơ.
Sau hòa bình lập lại (năm 1954), bà Thanh Hương được tổ chức phân công làm phóng viên của Báo Phụ nữ Việt Nam. Bà rất vui vì ước mơ của mình đã trở thành hiện thực. Tháng 3 năm 1955, Báo Phụ nữ Việt Nam ra số đầu tiên, có đăng bài của nhà báo Thanh Hương. Kể từ đó, bà đã gắn bó trọn vẹn sự nghiệp của mình với sự trưởng thành của tờ Báo Phụ nữ Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu năm 1988.
Tại Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức tại Việt Bắc (1-5-1952), nữ anh hùng Nguyễn Thị Chiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng khẩu súng lục, phóng viên Thanh Hương đã viết bài để gửi đăng báo về sự kiện này. Trong một lần được gặp Bác năm 1965, bà đã xin ý kiến của Người cho bản thảo bài viết của mình. Bác đã xem và trực tiếp sửa lại bằng nét mực màu đỏ tím.
Chia sẻ về cách góp ý của Bác, nhà báo Thanh Hương tâm sự: “Bác sửa cho tôi từng chữ, từng chi tiết nhỏ, từ dấu chấm, dấu phẩy, cách viết dễ hiểu theo văn phạm Việt Nam, giúp cho câu văn chính xác hơn”.
Thời kỳ làm báo, tôi được nghe các chị kể lại, để chuẩn bị ra tờ Phụ nữ Việt Nam, Bác dặn: “Tác phong làm báo, viết như thế nào giản dị để bạn đọc hiểu được, không viết cầu kỳ, rối rắm, không dùng danh từ nước ngoài, không dùng những gì khó hiểu cho nhân dân… Viết báo Phụ nữ, không thể cứ ngồi trong bốn bức tường rồi nghĩ ra viết điều này điều nọ, mà phải viết về những chuyện, những việc cụ thể, thiết thực trong đời sống hàng ngày của phụ nữ, của bà mẹ, của trẻ em”…
Từ những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sau này, mỗi khi xem lại bản thảo bài báo có bút tích của Bác, nhà báo Thanh Hương càng rút ra kinh nghiệm và kỹ năng viết báo cho riêng mình. Dẫu biết rằng nghề báo là một nghề phải đối mặt với những khó khăn, vất vả, nhiều khi còn nguy hiểm, nhất là đối với các phóng viên nữ, nhưng nhà báo Thanh Hương rất vui vì thực hiện được đam mê, thỏa sức được viết, được đi...
Danh dự và hạnh phúc của người làm báo, là giá trị trên mỗi trang viết, bà nghĩ thế! Bởi vậy, bà luôn tự nhắc mình phải trau dồi nghiệp vụ và có trách nhiệm với ngòi bút của chính mình. Nhắn nhủ đến các đồng nghiệp trẻ, bà bảo: “Muốn làm báo giỏi, một trong những việc quan trọng là phải chịu khó đi, đọc và viết”.
Suốt cuộc đời với 34 năm làm báo, bằng sự nỗ lực và cố gắng của bản thân, năm 1978, nhà báo Thanh Hương được bổ nhiệm làm Tổng biên tập Báo Phụ nữ Việt Nam, được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất… Dù nhiều năm đã trôi qua, nhà báo Thanh Hương vẫn luôn ghi nhớ về sự khuyên bảo của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy của nền báo chí cách mạng Việt Nam, là động lực giúp bà trưởng thành như hôm nay.
Phí Hồng VânXem thêm: /970246-oH-caB-pag-nal-gnuhn-ev-neiv-gnohp-un-auc-cu-yK/aoh-nav-ueil-uT/nv.moc.dnac.acnv