- Hơn 300 bức ảnh quý về Bác Hồ được trưng bày tại Phủ Chủ tịch
- Triển lãm 3.000 cuốn sách về Đảng, Bác Hồ, CAND
Một trong những bài hát nổi tiếng đầu tiên viết về Người là bài “Biết ơn cụ Hồ Chí Minh” của Lưu Bách Thụ (ký tên Thụ Trang) ra đời từ trước Cách mạng tháng 8/1945 đã được nhân dân đón nhận nồng nhiệt bởi tính quần chúng, dễ hát, dễ thuộc của một ca khúc thuộc thể loại chanson populaire (ca khúc quần chúng): “Dân Nam ơi biết ơn Cụ Hồ đời đời. Bao nhiêu năm sống trong nguy nan điêu linh…”.
Bác bắt nhịp bài ca “Kết đoàn” tại vười hoa Bách Thảo (Hà Nội) tối 3/9/1960. |
Chỉ sau đó một thời gian ngắn, trong những ngày đầu nước sôi lửa bỏng của cuộc kháng chiến chống Pháp, hình ảnh vị lãnh tụ vĩ đại lại hịên ra như một đấng cứu tinh trong những ca khúc của nhạc sỹ Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận, Văn Cao (cùng có tên “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”).
Những bài hát về Bác trong giai đoạn này có chung một đặc điểm là đề cao vị lãnh tụ theo hướng tôn nghiêm, coi Người như vầng thái dương, rất vĩ đại, cao siêu. Cả lời ca lẫn giai điệu đều có hơi hướng Thánh ca - nghĩa là ca ngợi như một vị thánh. Điều này sẽ không còn thấy ở những bài hát ra đời sau đó - từ năm 1954 trở đi.
Tiêu biểu nhất cho khuynh hướng trên là bài “Ca ngợi Hồ Chủ tịch” của Lưu Hữu Phước. Bài hát rất ngắn gọn, hàm súc, ở thể một đoạn đơn với tiết tấu dàn trải ở nhịp 4/4, âm vực hẹp tiện cho tất cả mọi người có thể hát, đã nhanh chóng có sức lan toả rộng rãi ngay từ khi ra đời.
Lời ca khái quát cô đọng: “Sao vàng phấp phới ánh hồng sáng tươi. Toàn Việt Nam đón chào ngày mới, Hồ Chí Minh dắt toàn dân nước ta, vững bền tranh đấu cho đời chúng ta…”.
Một bài hát ngắn nhưng có giai điệu trang nghiêm, khi hát đồng ca gây cho người nghe cảm giác âm thanh dày, sâu, rất phù hợp với việc ca ngợi một vị lãnh tụ như Hồ Chủ tịch. Có lẽ vì vậy mà bài này đã được coi là Lãnh tụ ca, giống như bài Tiến quân ca của Văn Cao là Quốc ca, bài Chào mừng Đảng Cộng sản Việt Nam của Đỗ Minh là Đảng ca.
Kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, sau năm 1954, bài hát về Bác Hồ đã bớt dần tính chất Thánh ca như đã nói. (Đây là một đặc điểm tâm lý mang tính tất yếu. Bởi ở thời kỳ đầu, lãnh tụ Hồ Chí Minh xuất hiện như một đấng cứu tinh trong suy nghĩ của người dân Việt Nam. Bác chưa có dịp gần gũi mọi tầng lớp nhân dân như về sau này - sau năm 1954). Hai trong số những bài hát hay nhất đã được ra đời trong thời kỳ này: “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” của Nguyễn Tài Tuệ và “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” của Trần Kiết Tường.
Nếu bài hát của Nguyễn Tài Tuệ khai thác chất dân ca Tày, Nùng ở Cao Bằng, diễn tả tình cảm của người dân Việt Bắc với Bác thì bài của Trần Kiết Tường lại sử dụng điệu hò Đồng Tháp làm chất liệu chính, biểu hiện lòng biết ơn và tình nghĩa sâu nặng của đồng bào miền Nam dâng lên Người. Đây là hai bài hát tuy sử dụng chất liệu dân ca ở hai địa phương cụ thể nhưng có sức khái quát nhất về việc khắc họa hình tượng Bác Hồ trong âm nhạc. Bởi vậy không khó hiểu khi nó đã có sức sống mãnh liệt suốt 60 năm qua.
Chuyện rằng nhạc sỹ Trần Kiết Tường sau khi sáng tác xong bài hát “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” vẫn chưa yên tâm trao tác phẩm cho ca sỹ nào. Ông có ý chờ ca sỹ Quốc Hương lúc này đang còn học ở Hunggary. Khi về nước, ca sỹ đã hào hứng tập và đến Đài Tiếng nói Việt Nam thu thanh. Ngay sau lần phát sóng đầu tiên, rất nhiều thư ở khắp nơi gửi về yêu cầu phát lại. Và thành công đặc biệt của ca khúc này đã vượt quá sự tưởng tượng của cả nhạc sỹ lẫn ca sỹ.
Cố nhạc sỹ Lưu Bách Thụ - người đầu tiên viết bài hát về Bác Hồ. |
Sự ra đời của bài “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” cũng khá độc đáo. Nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ cho biết: Sau khi học thanh nhạc ở nước ngoài về nước, ca sỹ Quốc Hương gợi ý ông viết một bài hát về Bác Hồ. Lúc ấy cũng đã có một số bài hát hay về Bác của các nhạc sĩ đàn anh như Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận, Văn Cao, Tô Vũ, Lưu Bách Thụ. Ông từng có những thời gian sống ở miền núi phía Bắc nên đã ngấm các chất liệu dân ca vùng này, đặc biệt là dân ca Tày, Nùng.
Trân trọng trước lời gợi ý của Quốc Hương, ông bắt đầu thai nghén tác phẩm. Ông nói ý định sẽ viết về Bác liên quan đến sự kiện Người trở về Tổ quốc và làm việc trong hang Pác Bó ở Cao Bằng. Nội dung này chưa ai đề cập, lại có dịp sử dụng chất liệu dân ca Tày, Nùng, hy vọng bài hát sẽ có cơ may thành công.
Quốc Hương ủng hộ ngay và còn rất nhiệt tình bàn là phải lên Cao Bằng, đến hang Pác Bó để tận mắt chứng kiến khung cảnh nơi đây cùng những vật dụng liên quan đến những ngày tháng Bác làm việc tại hang này còn lưu giữ được. Thế là hai người quyết định mua một chiếc xe đạp để thay phiên đèo nhau từ Hà Nội lên Cao Bằng, tối đâu sẽ ngủ đó, đang sức trẻ chẳng lo gì mệt nhọc.
Ngày ấy lên Cao Bằng rất khó khăn, không dễ có thể đi ôtô. Nhưng thật không may, ngay sau khi có được xe đạp, họ bị ngã xe đạp tại Hà Nội, người chỉ bị đau nhưng xe thì hỏng nặng nên chuyến đi phải gác lại. Sau đó họ đều vướng những công việc khác. Thế là cuộc lên Pác Bó lần ấy không thành.
Nhưng với lòng quyết tâm sáng tác, Nguyễn Tài Tuệ đã tìm rất nhiều tài liệu về Cao Bằng, Pác Bó và sự kiện Bác Hồ trở về hang này nên mặc dù không đến được tận nơi, ông vẫn viết nên bài hát bất hủ. Có thể nói ít có người Việt Nam nào lại không biết và ưa thích bài này.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần đã để lại tổn thất nặng nề không gì có thể bù đắp đối với toàn dân tộc. Cú sốc lớn này của người Việt ta đã khiến các nhạc sĩ cho ra đời hàng loạt bài hát xúc động. Có thể nói họ đã khóc Bác bằng âm nhạc.
Tiêu biểu nhất cho loạt bài này là “Người là niềm tin tất thắng” của Chu Minh với lời lẽ và âm điệu mang đậm chất bi thương, tưởng niệm: “Đất nước nghiêng mình, đời đời tiếc thương tên Người sống mãi với non sông Việt Nam…”. Cùng lúc này có rất nhiều bài khác đều chung chủ đề tưởng niệm Bác nhưng chỉ có bài của Chu Minh là sống mãi đến ngày hôm nay.
Viết về Bác, càng về sau, các nhạc sĩ càng có khuynh hướng bớt đi phần ca ngợi mang màu sắc Thánh ca mà thiên về việc bộc lộ tình cảm quyết tâm của các thế hệ thực hiện di chúc, lời dạy và noi theo đức độ, phẩm cách lớn lao của Người. Tính hành động đã thấm đượm trong ý nghĩa ca từ của những bài hát này.
Các nhạc sĩ đã hóa thân vào các tầng lớp: Bộ đội, nông dân, mọi miền đất nước mà hát về Bác. Có cảm giác khi nghe những bài hát này như là Bác vẫn còn ở bên ta, vẫn dắt tay ta cùng hoàn thành những nhiệm vụ nặng nề của lịch sử như những năm nào, vẫn cùng các cháu thiếu nhi vui trung thu hằng năm, vẫn chúc Tết giao thừa, vẫn bắt nhịp bài ca “Kết đoàn”. Đó chính là tài năng và cũng là công sức rất đáng ghi nhận của giới nhạc sĩ đã làm cho hình tượng Bác Hồ luôn sống động, vĩnh hằng.
Trong thành tựu chung, không thể không ghi nhận công sức và hiệu quả đặc biệt của một số nhạc sĩ đã có nhiều bài hát hay về Bác được đông đảo công chúng ưa chuộng: Thuận Yến, Phạm Tuyên, Văn An, Lưu Hữu Phước. Đây là những nhạc sĩ rất nổi tiếng, có những nhạc phẩm có sức sống lâu bền.
Một số bạn nước ngoài từng học và làm việc ở Việt Nam yêu thích âm nhạc đã hỏi tôi: “Do đâu mà lãnh tụ Hồ Chí Minh lại có quá nhiều bài hát hay nói về Người như thế? Ở nước họ và mọi nơi trên thế giới, lãnh tụ cũng rất vĩ đại, có công với đất nước mà không có nhiều bài hát ca ngợi như Bác Hồ ở Việt Nam”.
Tôi trả lời họ: “Là bởi mấy nguyên do: Thứ nhất: Dân tộc chúng tôi là một dân tộc rất yêu thích âm nhạc, ca hát. Bằng chứng là có hàng ngàn làn điệu dân ca hay lưu truyền từ bao đời. Thứ hai: Lãnh tụ của chúng tôi vĩ đại nhưng rất bình dị, gần gũi với tất thảy mọi người, nhất là những người lao động, nghèo. Khi Người qua đời, từ em nhỏ đến các cụ già đều khóc nức nở như khóc người thân của mình mất đi. Thứ ba: Sinh thời, Bác Hồ rất yêu âm nhạc và giới nhạc sỹ. Người đã có lần đích thân cầm đũa chỉ huy dàn hợp xướng hát bài ca “Kết đoàn””.
Tuy đã có rất nhiều bài hát hay về Bác nhưng đề tài này vẫn luôn là sự thôi thúc tự nhiên đối với bất kỳ nhạc sỹ nào mỗi khi tưởng nhớ đến Người.
Nguyễn Đình SanXem thêm: /280246-ys-cahn-mit-iart-gnort-oH-caB/aoh-nav-ueil-uT/nv.moc.dnac.acnv