Yếu tố nào đẩy giá nhà?
Trong báo cáo "Triển vọng ngành bất động sản dân cư năm 2021: Triển vọng tích cực" được phát hành, nhóm chuyên gia SSI cho rằng, xu hướng tăng giá căn hộ năm 2021 sẽ tiếp tục nhờ việc đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng.
SSI kỳ vọng rằng tiến độ giải ngân sẽ được đẩy nhanh trong năm 2021 - điều này tạo ra tâm lý tích cực hơn cho thị trường. Cụ thể, chuyên gia SSI cho biết, năm 2020 giải ngân vốn của Bộ Giao thông vận tải đạt 35.600 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ và dự kiến sẽ đạt 46.000 tỷ đồng trong năm 2021, tăng 28% so với năm 2020.
Nhiều đơn vị nghiên cứu thị trường bất động sản dự báo giá chung cư tiếp tục tăng trong năm 2021. (Ảnh minh họa).
Bên cạnh đưa các tuyến metro vào hoạt động, theo SSI, việc liên tục hoàn thiện hệ thống đường nội đô cũng như hệ thống giao thông đến các quận ngoại thành sẽ tác động tích cực đến mặt bằng giá đất và gia tăng nhu cầu bất động sản. Nhìn chung, đơn vị này ước tính giá bán căn hộ ở thị trường Hà Nội năm 2021 sẽ tăng 2% so với năm 2020.
Trong khi trước đó năm 2020, giá chung cư đã được ghi nhận tăng, thiết lập mặt bằng mới. Trong quý đầu năm 2021, giá căn hộ tiếp tục nhấp nhổm tăng lên mốc mới.
Số liệu từ CBRE cho thấy, trong quý I/2021 khu phía Đông và phía Tây tiếp tục là hai khu vực chính tập trung dự án mới, tổng cộng chiếm 77% nguồn cung mới.
Về giá bán trên thị trường sơ cấp trong quý I/2021, CBRE cho biết đã được ghi nhận trung bình ở mức hơn 33,5 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm VAT và phí bảo trì), tăng 7% theo năm và 3% theo quý.
Bà Nguyễn Hoài An - Giám đốc CBRE Việt Nam, Chi nhánh Hà Nội - thông tin: Tâm lý thị trường tích cực tiếp tục diễn ra trong quý I giúp cho khoảng cách giữa số căn mở bán mới và số căn bán được duy trì ở mức thấp. Giá bán trung bình trên thị trường sơ cấp cũng được đại diện CBRE dự báo sẽ tăng 4-6% trong năm 2021.
Số căn mở bán mới quý I/2021 so với thời điểm trước. Nguồn: CBRE.
Còn theo thống kê của Savills, giá chào bán sơ cấp trung bình quý I/2021 là 35 triệu đồng /m2 tăng 5% theo năm. Nhu cầu đối với các sản phẩm có giá từ 23 - 34,5 triệu đồng/m2 tăng mạnh, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng số căn đã bán. Các dự án chủ yếu tập trung ở các quận/huyện Từ Liêm, Gia Lâm, Long Biên…
Thị trường bất động sản ra sao sau thông tin quy hoạch sông Hồng?
Một trong những cơn sốt bất động sản gây chú ý thời gian qua là hiện tượng "ăn theo" quy hoạch thành phố hai bờ sông Hồng đang được lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan trước khi dự kiến được phê duyệt vào tháng 6 tới. Thêm vào đó, Hà Nội khẳng định sẽ xây dựng thêm 10 cây cầu bắc qua sông Hồng để thu hẹp khoảng cách hai bờ sông, khơi dậy tiềm năng trên mảnh đất bờ đông của con sông này.
Chưa kể, theo định hướng phát triển, Hà Nội đang có 12 quận nội thành, đến năm 2025 sẽ đưa 5 huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm lên quận. Đến năm 2030 sẽ có thêm 3 quận Thanh Oai, Thường Tín và Mê Linh.
Theo ghi nhận của phóng viên, quy hoạch 2 bờ sông Hồng kéo dài 40 km thực tế đã khiến một số thị trường bất động sản quận Long Biên, huyện Gia Lâm, Cổ Loa trở thành tâm điểm trên thị trường. Không chỉ hạ tầng, tiện ích đầy đủ của các khu vực này, từ đại siêu thị, trung tâm thương mại, đến khu vui chơi, trường học quốc tế... cũng hấp dẫn nhà đầu tư.
Trao đổi với PV Dân trí, đại diện batdongsan.com.vn cho biết, mức độ quan tâm bất động sản khu Đông Hà Nội trong quý I/2021 tăng mạnh so với quý IV/2020, lần lượt là 21% và 12% tại Gia Lâm và Long Biên. Mức giá rao bán cũng tăng nhẹ 2-3%.
"Sự tăng trưởng này được cho là kết quả tất yếu của quá trình đô thị hóa, cộng hưởng đòn bẩy từ thông tin quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng" - đại diện batdongsan.com.vn cho biết.
Bên cạnh đó cũng cần nhắc thêm sự thuận tiện trong giao thông khi di chuyển tới các khu vực khác nhau trong nội đô đã thay đổi "khẩu vị" bất động sản của rất nhiều người. Sự thay đổi này khiến "đất vàng" mở rộng hơn, không chỉ ở quận trung tâm như Hoàn Kiếm, Ba Đình... mà "chạy" ra các khu vực vùng ven, đảm bảo mô hình đa trung tâm. Khi nhu cầu tăng cao, giá cả chắc chắn khó đứng im.
Tuy nhiên, chuyên gia cũng lưu ý, trước thông tin quy hoạch, triển khai dồn dập các dự án hạ tầng, việc chọn lọc thông tin, tìm hiểu kỹ thị trường là vấn đề quan trọng. Không phải bất cứ dự án nào cũng có thể xuống tiền. Nhà đầu tư cần tỉnh táo để chọn các dự án đã thấy được "hình hài" của kết nối - tiện ích, tránh những dự án chỉ "ăn theo", "té nước theo mưa".
Nhận định vấn đề này, bà Đỗ Thị Thu Hằng - Giám đốc Cấp cao Savills Hà Nội - cho biết, những dự án bán đắt "vô lý", không dựa trên các yếu tố mang lại giá trị thực sẽ sớm muộn bị thị trường đào thải.
Trao đổi với báo chí mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ ngành và nhất là địa phương thì thời gian tới đây các dự án về bất động sản, đô thị, nhà ở sẽ được đầu tư một cách đồng bộ, tạo ra những nguồn cung lớn đáp ứng nhu cầu của thị trường ở khu vực đô thị, khu vực ngoài đô thị, nhất là vùng ven.
Đặc biệt, các dự án liên quan về du lịch, khu đô thị sẽ được đảm bảo tính đồng bộ hơn và sẽ tạo nên nguồn cung dồi dào trong thời gian tới, góp phần tạo nên thị trường bất động sản ổn định và lành mạnh.
"Với tinh thần như vậy, chúng tôi cũng khuyến cáo người dân, doanh nghiệp đang quan tâm đến lĩnh vực bất động sản hết sức bình tĩnh, cảnh giác với những thông tin đồn thổi, tìm hiểu, xem xét kỹ các hồ sơ pháp lý của các dự án bất động sản và chỉ giao dịch bất động sản với những bất động sản có hồ sơ pháp lý rõ ràng, đúng quy định của pháp luật" - ông Sinh nhấn mạnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.97354546012501202-iom-gnab-tam-nel-oel-ad-ud-gnat-cut-peit-uc-gnuhc-aig/et-hnik/nv.vtv