vĐồng tin tức tài chính 365

Doanh nghiệp Việt đăng ký sáng chế ở Mỹ

2021-05-21 07:18

Trong niềm vui vừa nhận khoảng 100 bằng sáng chế do Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ (USPTO) cấp cho hàng loạt thức uống đông khô làm từ rau củ, trái cây nội địa, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinamit, cho biết con số này vẫn chưa dừng lại khi Vinamit đã đăng ký xin bảo hộ với số lượng lên đến 500 sáng chế.

Đăng ký nhiều cho chắc!

Sáng chế của Vinamit chính là tạo ra công nghệ đông khô rau, củ, quả nhưng vẫn giữ được "sự sống" trong sản phẩm, như: hương vị tự nhiên với hàm lượng vitamin, khoáng chất và các vi khuẩn có lợi, tạo nên sự sống cho đường ruột tương đương sản phẩm tươi. "Số lượng bằng sáng chế lớn do doanh nghiệp (DN) đăng ký "bao vây" để phòng trường hợp "người ngoài" đăng ký chen chân gây sự nhầm lẫn. Ví dụ như để bảo hộ gạo ST25 thì DN phải đăng ký bảo hộ từ ST1 đến ST100 mới chắc chắn" - ông Viên giải thích.

Doanh nghiệp Việt đăng ký sáng chế ở Mỹ - Ảnh 1.

Nhiều sản phẩm, công nghệ sản xuất của Vinamit đã được công ty này đăng ký bảo hộ sáng chế ở Mỹ. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

"Từ cuối năm 2018, khi Vinamit đưa sản phẩm nước mía tươi sấy thử nghiệm ra thị trường lập tức tạo ra cơn sốt với hàng loạt đặt hàng từ khắp nơi trên thế giới. Do sản phẩm mới chưa được bảo hộ, nguy cơ bị sao chép rất lớn nên chúng tôi buộc phải hạ nhiệt thị trường, sau khi được USPTO tiếp nhận đơn bảo hộ thì mới tung sản phẩm ra thị trường. Đó là lý do vì sao phải đến năm 2020, các dòng thức uống đông khô của Vinamit mới xuất hiện trên kệ của siêu thị" - ông Viên tiết lộ.

Để thực hiện đăng ký bảo hộ sáng chế tại thị trường Mỹ, Vinamit đã lập hẳn công ty con ở Mỹ là Vinamit USA và thuê một văn phòng luật sư chuyên về mảng này thực hiện.

Theo ông Viên, chi phí để xin bảo hộ nhãn hiệu khoảng 1.000 USD/đơn thì chi phí để xin bảo hộ bằng sáng chế lên đến 10.000 USD/đơn nên với số lượng 500 đơn đăng ký, Vinamit đã chi ra tới 5 triệu USD để được bảo hộ chất xám tại thị trường Mỹ. Tuy nhiên, đây là khoản đầu tư cần thiết để bảo vệ chất xám của DN tại thị trường lớn là Mỹ. Ngoài ra, Vinamit còn làm thủ tục xin bảo hộ những sáng chế trên tại Việt Nam và Trung Quốc.

Trong khi đó, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết trong ngành rau quả phần lớn là DN vừa và nhỏ nên thiếu tiềm lực để đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ (bằng sáng chế, nhãn hiệu…) ở nước ngoài, thực tế rất hiếm DN làm được như Vinamit. Ngoài ra, do phần lớn DN rau quả xuất khẩu ở dạng thô hoặc dạng nguyên liệu, chưa phải là sản phẩm cuối cùng để bán cho người tiêu dùng nên chưa cần đầu tư cho thương hiệu. Tuy vậy, khi thông tin gạo ST25 có nguy cơ mất thương hiệu ở nước ngoài, một số DN cũng giật mình xem lại công tác đăng ký bảo hộ để tránh rơi vào thế bị động.

Hiệu quả thấy rõ

PGS-TS Trần Doãn Sơn, Khoa Cơ khí Trường ĐH Bách khoa TP HCM, người đang sở hữu đến 9 bằng sáng chế độc quyền đã được thương mại hóa thành sản phẩm máy móc công nghiệp dùng trong chế biến thực phẩm. Hiện sản phẩm đã được sử dụng rộng rãi trong các nhà máy chế biến thực phẩm trong nước, một số được đưa sang tận Mỹ, Nhật…vì tính tiện dụng của nó. Mới đây, PGS-TS Trần Doãn Sơn đã làm thủ tục để đăng ký sáng chế tại Mỹ cho sản phẩm là máy mini có thể dùng để chế biến, tạo hình nhiều loại thực phẩm từ bột gạo như bún, bánh phở, bánh tráng, bánh hỏi...

"Hồ sơ thủ tục để xin cấp chứng nhận sáng chế tại Mỹ rất nhiêu khê, trong đó quan trọng nhất là khâu mô tả sáng chế theo đúng quy chuẩn của tổ chức cấp chứng nhận, chi phí lên đến hơn 10.000 USD (bao gồm cả phí dịch vụ), thời gian kéo dài ít nhất 1 năm rưỡi đến 2 năm nhưng đã đến lúc cần đăng ký sáng chế ở nước ngoài để quảng bá rộng rãi hơn cho sản phẩm Việt, ẩm thực Việt Nam ra thế giới" - ông Sơn nói về lý do cần đăng ký sáng chế tại Mỹ.

Theo PGS-TS Trần Doãn Sơn, khi sáng chế được cấp chứng nhận tại Mỹ, sản phẩm sẽ được bảo hộ tại thị trường Mỹ. Giấy chứng nhận do Mỹ cấp cũng là cơ sở tham chiếu có giá trị trong trường hợp cần đăng ký sáng chế tại một quốc gia khác.

Được biết, ngoài việc làm thủ tục đăng ký sáng chế tại Mỹ, PGS-TS Sơn cũng đồng thời đăng ký sáng chế độc quyền sản phẩm này tại Việt Nam. Lý do, theo ông Sơn, Luật Sở hữu trí tuệ cùng hành lang pháp lý để bảo vệ sở hữu trí tuệ của Việt Nam đã hoàn chỉnh, đó là căn cứ để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại thị trường trong nước. Trước đây, từng có một vài sản phẩm/giải pháp của ông dù đã được cấp bằng sáng chế độc quyền nhưng vẫn bị nhiều DN, cơ sở sản xuất máy móc thiết bị đánh cắp trọn gói, tất cả ông đều bỏ qua.

Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) cho biết đơn vị này hiện sở hữu 37 bằng độc quyền sáng chế được cấp tại Việt Nam và 4 bằng sáng chế được bảo hộ độc quyền tại Mỹ. Mỗi năm, số lượng bằng độc quyền sáng chế được cấp của Viettel tăng 142%, gấp gần 8 lần so với mức tăng trung bình 18% các chủ đơn trong nước. Viettel cũng có 339 đơn xin cấp bằng sáng chế đang chờ được các cơ quan bảo vệ sở hữu trí tuệ xét duyệt.

Ông Nguyễn Cương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT), cho hay thành quả sở hữu các bằng sáng chế của tập đoàn là nhờ kết quả của 10 năm chuẩn bị các khâu về con người, công nghệ, cơ sở hạ tầng. "Từ năm 2017, chúng tôi bắt đầu làm chủ các công nghệ lõi, từ công nghệ lõi đưa vào các sản phẩm. Đến thời điểm này, VHT đã có 54 tài sản trí tuệ được bảo hộ trong nước. Công ty nào, tổ chức nào muốn phát triển công nghệ riêng, các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh thì bắt buộc phải chú ý đến vấn đề này từ rất sớm. Nếu để đối thủ copy và đăng ký sở hữu trí tuệ trước, chúng ta coi như mất cả công nghệ lẫn lợi thế cạnh tranh" - ông Hoàng lưu ý và nhấn mạnh VHT xác định rõ nếu muốn đứng được ở thị trường công nghệ cao thì bắt buộc phải có sở hữu trí tuệ.

Kể tên những sản phẩm hiện đại của VHT như máy thông tin thế hệ mới nhất (cognitive radio); radar thế hệ 3D - thế hệ thứ tư - hiện đại nhất bây giờ; các hệ thống chỉ huy điều khiển có ứng dụng trí tuệ nhân tạo…, ông Hoàng cho biết VHT hoàn toàn tự tin những sản phẩm này có thể cạnh tranh sòng phẳng ở tầm thế giới.

Ông Nguyễn Cương Hoàng cũng chia sẻ VHT chưa gặp phải vấn đề liên quan đến các xung đột quyền sở hữu trí tuệ trong nước bởi sản phẩm tương đối đặc thù và gần như chưa có đối thủ. Tuy vậy, công ty cũng đã có ý thức chuẩn bị từ sớm để nếu sau này áp lực cạnh tranh trên thị trường cao hơn thì DN có vũ khí bảo vệ mình. 

Vì sao đăng ký ở nước ngoài trước?

Theo ông Nguyễn Lâm Viên, để được cấp bằng sáng chế, quan trọng nhất là chứng minh được cho cơ quan cấp bằng tính mới của công nghệ, sản phẩm. Việt Nam quy định thời gian thẩm định là 24 tháng, Mỹ 12 tháng, Trung Quốc 11 tháng. Việc để thời gian chờ quá lâu khiến cho tính mới của sản phẩm, công nghệ không còn. Đó cũng là lý do một số DN chọn đăng ký bằng sáng chế ở nước ngoài trước khi đăng ký bảo hộ tại Việt Nam.

Xem thêm: mth.53395640202501202-ym-o-ehc-gnas-yk-gnad-teiv-peihgn-hnaod/et-hnik/nv.moc.dln

Comments:0 | Tags:No Tag

“Doanh nghiệp Việt đăng ký sáng chế ở Mỹ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools