Đua nhập khẩu bắp - bước đi khôn ngoan hay dại dột?
Nguyễn Đình Bích
(KTSG) - Trước việc giá bắp nói riêng và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thế giới nói chung tăng nóng trong những tháng gần đây, mức nhập khẩu của Việt Nam cũng đã tăng đột biến. Đây sẽ là bước đi khôn ngoan một khi giá những mặt hàng này tiếp tục tăng trong những tháng tới. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào những dự báo gần đây nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), dường như khả năng này khó xảy ra.
Giá bắp trên thị trường thế giới đã thực sự lên cơn sốt nóng. |
Thế giới sốt nóng, nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng đột biến
Trước hết, cho tới thời điểm này, cho dù câu chuyện “siêu chu kỳ” vẫn còn tiếp tục được bàn tán, nhưng giá bắp cũng như nhiều loại nông sản chủ yếu trên thị trường thế giới đã thực sự lên cơn sốt nóng.
Các số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới cho thấy, giá bắp thế giới tháng 8-2020 chỉ là 149 đô la Mỹ/tấn, nhưng tháng 9-2020 đã tăng lên 166 đô la/tấn và sau đó đã liên tục tăng ngày càng mạnh, cho nên tháng 4 vừa qua đã đạt 268 đô la/tấn, chỉ còn kém mức đỉnh 298 đô la năm 2012 không bao xa.
Còn nếu tính bình quân, giá bắp bốn tháng đầu năm nay đã tăng rất mạnh 33,8% so với bốn tháng cuối năm ngoái, còn so với cùng kỳ năm 2020 thì tăng tới 52,8%. Bên cạnh bắp, giá của mặt hàng đậu nành, bột đậu nành... cũng ở trong tình trạng tương tự, thậm chí mức giá 594 đô la/tấn của đậu nành tháng 4 vừa qua đã xấp xỉ mức đỉnh năm 2012.
Đây chính là lý do để câu chuyện “siêu chu kỳ” được bàn tán sôi nổi trên bình diện toàn cầu hiện nay.
Trong điều kiện như vậy, nhập khẩu bắp cũng như các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của nước ta đã tăng đột biến về lượng, còn giá trị còn tăng mạnh hơn rất nhiều do bị giá đội lên.
Nói tóm lại, việc giá bắp cũng như một loạt nông sản khác sốt nóng trong những tháng gần đây bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân cộng hưởng lẫn nhau, nhưng cán cân cung - cầu không phải là nguyên nhân mang tính quyết định. Do vậy, không có căn cứ đủ vững chắc để cho rằng tình trạng này sẽ còn kéo dài. |
Theo các số liệu thống kê của hải quan vừa công bố, tổng khối lượng bắp nhập khẩu bốn tháng vừa qua đã đạt 3,41 triệu tấn, tăng 59,3% so với cùng kỳ, với giá trị nhập khẩu 862 triệu đô la, tăng tới 92,9%.
Nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu trong cùng kỳ cũng đã đạt 1,65 tỉ đô la, tăng 51,1%.
Có nhiều khả năng đây chỉ là câu chuyện “tích cốc phòng cơ” của ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, bởi trong điều kiện dịch tả heo châu Phi vẫn còn lai rai, chăn nuôi heo vẫn chưa thể phát triển mạnh trở lại, còn ngành chăn nuôi nói chung cũng khó có khả năng phát triển đột biến trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang căng thẳng như hiện nay và càng không phải là do xuất khẩu thức ăn chăn nuôi tăng đột biến.
Quả bóng giá sẽ xì hơi?
Nếu như giá cả trong những tháng tới còn tiếp tục tăng, thậm chí đây cũng chỉ mới là “khúc dạo đầu” của siêu chu kỳ mà thế giới đang bàn luận, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi sẽ thắng lớn, bởi đã kịp “ôm vào” khối lượng hàng hóa không nhỏ.
Thế nhưng, nếu như những dự báo đầu trung tuần này của USDA là đúng, sẽ không có cơ sở nào để cho rằng cơn sốt nóng hiện nay còn tiếp diễn, vì những lý do sau:
Thứ nhất, trong khi lo ngại về việc mất mùa do khô nóng ở khu vực Nam Mỹ là không chắc chắn, thì giá tốt sẽ khuyến khích sản xuất ở khu vực Bắc Mỹ phát triển, cho nên tình trạng khan hàng hiện nay sẽ chấm dứt.
Tổng sản lượng bắp của khu vực Nam Mỹ hầu như đã “giậm chân tại chỗ” trong năm 2020 vừa qua với 163,7 triệu tấn, ước sản lượng bắp của khu vực này năm nay sẽ chỉ giảm 4 triệu tấn, trong khi sản lượng của khu vực Bắc Mỹ ước sẽ tăng 14,8 triệu tấn. Còn trong năm 2022, dự báo sản lượng của cả hai khu vực này đều tăng hơn 21 triệu tấn và phần còn lại của thế giới cũng sẽ tăng được gần 20 triệu tấn.
Như vậy, nguồn cung bắp năm nay sẽ không quá căng thẳng như những lo ngại gần đây, còn trong năm tới sẽ dồi dào hơn rất nhiều.
Thứ hai, kho dự trữ bắp thế giới hiện nay không vơi tới mức khiến giá bắp sốt nóng. Dựa trên cơ sở dự trữ và tiêu dùng bắp của thế giới, có thể thấy rằng, dự trữ bắp thế giới đầu năm nay đã là năm thứ ba liên tiếp giảm, nhưng khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thế giới vẫn không hề thấp.
Bởi lẽ, các kết quả tính toán cho thấy, 2018 là năm kỷ lục có thể đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thế giới trong 117 ngày, nhưng năm nay đã giảm xuống chỉ còn 97 ngày. Thế nhưng, nếu so với khả năng có thể đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thế giới chỉ khoảng 51-62 ngày trong suốt 10 năm 2005-2014 và đây cũng chính là giai đoạn giá bắp thế giới liên tục leo thang và đạt kỷ lục “vô tiền khoáng hậu” 305 đô la/tấn năm 2011, thì rõ ràng mức dự trữ 97 ngày trong năm nay là không hề thấp.
Thứ ba, dự báo mới đây của USDA cũng cho biết cán cân cung - cầu lúa mì thế giới hiện nay “rất khả quan”, nên đây là mặt hàng nông sản cũng có thể “chia lửa” với bắp nếu xảy ra thiếu hụt nguồn cung.
Theo cơ quan này, sản lượng lúa mì thế giới năm nay và năm tới sẽ tiếp tục tăng và thế giới sẽ chứng kiến chuỗi ba năm liên tiếp tăng. Trong bối cảnh sản xuất như vậy, mặc dù tổng tiêu dùng cũng liên tục tăng, nhưng đều thấp hơn sản lượng, cho nên dự trữ lúa mì thế giới liên tục đứng ở mức cao và nguồn cung bắp khan hiếm cũng có thể được bù đắp bằng lúa mì. Nhờ giá lúa mì trong hai năm 2016-2017 mềm hơn hẳn so với những năm trước đó, chúng ta đã tăng nhập khẩu cao gấp đôi và hơn gấp đôi, trong đó hơn một nửa được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi là một minh chứng.
Nói tóm lại, việc giá bắp cũng như một loạt nông sản khác sốt nóng trong những tháng gần đây bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân cộng hưởng lẫn nhau, nhưng cán cân cung - cầu không phải là nguyên nhân mang tính quyết định. Do vậy, không có căn cứ đủ vững chắc để cho rằng tình trạng này sẽ còn kéo dài.
Xem thêm: lmth.tod-iad-yah-naogn-nohk-id-coub--pab-uahk-pahn-aud/614613/nv.semitnogiaseht.www