vĐồng tin tức tài chính 365

Doanh nghiệp Trung Quốc đua nhau niêm yết tại Mỹ

2021-05-21 10:06

Doanh nghiệp Trung Quốc đua nhau niêm yết tại Mỹ

Lạc Diệp

(KTSG) - Bất chấp tình trạng căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh, hoạt động phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của các công ty Trung Quốc tại thị trường Mỹ đang gia tăng với một tốc độ kỷ lục. Đâu là nguyên nhân dẫn đến xu hướng này?

Thêm nhiều doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết tại Mỹ

Khi niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán New York hôm 26-3 và thu về 523 triệu đô la, nền tảng hỏi đáp trực tuyến Zhihu đã trở thành công ty thứ 18 của Trung Quốc tiến hành IPO tại Mỹ chỉ trong quí 1 năm nay, chiếm một nửa tổng số thương vụ lên sàn của các doanh nghiệp nước ngoài tại Phố Wall.

Tốc độ lên sàn của các công ty Trung Quốc tại thị trường Mỹ đang gia tăng một cách chóng mặt. Hôm thứ Năm tuần trước, Ủy ban Đánh giá các vấn đề kinh tế và an ninh Mỹ - Trung, cơ quan tư vấn thuộc Quốc hội Mỹ đã công bố một báo cáo mới cho thấy, tính đến ngày 5-5, có tới 248 công ty có trụ sở tại Trung Quốc đã tiến hành niêm yết cổ phiếu trên các sản chứng khoán lớn của Mỹ, bao gồm Nasdaq, NYSE và NYSE American. Con số này tăng 14% so với mức 217 doanh nghiệp hôm 2-10-2021.

Các dữ liệu của Dealogic cũng cho thấy, trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 4, các công ty Trung Quốc đã huy động được tổng cộng 17,55 tỉ đô la nhờ các thương vụ IPO tại Mỹ, cao gấp 4 lần so với con số 4,1 tỉ đô la của cùng kỳ năm trước đó. Khối lượng giao dịch trong 12 tháng này cũng là mức cao nhất kể từ tháng 4-2015.

Ông Phil Ji - Giám đốc điều hành Lighthouse Capital nhận định: “Thị trường Mỹ vẫn là thị trường trưởng thành nhất trên toàn thế giới, không chỉ ở cấp độ giám sát mà còn ở cấp độ nhà đầu tư. Nguồn cung tiền vẫn khá dồi dào trong năm nay hoặc cả năm tới”. Lighthouse Capital hiện là một trong những công ty tư vấn hàng đầu tại Trung Quốc, đã tham gia vào quá trình niêm yết của Zhihu tại Mỹ, Bilibili tại Hong Kong và nhiều doanh nghiệp khác.

Cùng chung quan điểm trên, ông Benn Steil, Giám đốc kinh tế quốc tế tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại tại New York cho biết: “Nguồn vốn của Mỹ hiện đang rẻ, và các công ty Trung Quốc, cũng như công ty Mỹ, không muốn bỏ lỡ cơ hội vàng này”.

Còn theo Stephanie Tang, nhà quản lý cấp cao tại Công ty luật Hogan Lovells, Mỹ vẫn đang là thỏi nam châm thu hút các đợt IPO của doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc bởi nhiều lý do, như tính thanh khoản cao hơn, quy trình hợp lý hơn và sự cởi mở hơn đối với các doanh nghiệp đang thua lỗ.

Căng thẳng chính trị ảnh hưởng đến hoạt động IPO

Đây có thể coi là một kết quả đáng ngạc nhiên, nếu biết rằng doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết tại Mỹ đã phải đối mặt với áp lực rất lớn kể từ hồi năm ngoái, khi chính quyền Tổng thống Donald Trump cho rằng, nhiều công ty là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ. Hồi tháng 11-2020, Tổng thống Donald Trump đã ban hành lệnh cấm người Mỹ đầu tư vào 44 công ty mà Bộ Quốc phòng xác định là có mối liên hệ với quân đội Trung Quốc.

Hệ quả là 17 công ty Trung Quốc đã bị loại khỏi các sàn giao dịch của Mỹ trong những tháng gần đây, bao gồm cả những tên tuổi lớn như tập đoàn Sản xuất vật liệu bán dẫn quốc tế SMIC hay tập đoàn Dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC). NYSE mới đây cũng đã nộp đơn yêu cầu hủy niêm yết đối với ba hãng viễn thông hàng đầu Trung Quốc là China Unicom, China Telecom và China Mobile.

Triển vọng dường như chưa có gì sáng sủa hơn dưới thời chính quyền mới, khi hồi đầu tháng này, hãng tin Bloomberg dẫn các nguồn tin thân cận cho biết, Tổng thống Joe Biden nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì các biện pháp cứng rắn với các công ty Trung Quốc như người tiền nhiệm.

Tuy nhiên, những gì đang diễn ra thời gian qua đã phần nào cho thấy quan điểm của giới kinh doanh Trung Quốc đối với việc niêm yết tại Mỹ. Ông Matthew Kennedy, chiến lược gia cấp cao về IPO tại Renaissance Capital ở New York nhận định, trong khi có thể niêm yết một cách thuận lợi tại Hồng Kông, việc niêm yết ở Mỹ không phải lúc nào cũng có thể thực hiện được. Do đó, các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn muốn gọi vốn tại Mỹ ngay bây giờ, trong khi còn có thể, trước khi phải đối mặt với khả năng bị hủy niêm yết trong tương lai.

Theo chuyên gia Stephanie Tang, các doanh nghiệp Trung Quốc thừa nhận việc bị hủy niêm yết là một rủi ro tiềm ẩn và cần phải có kế hoạch dự bị nếu điều không may đó xảy ra. Nhưng bản thân rủi ro này sẽ không khiến họ thôi nghĩ đến chuyện niêm yết ở Mỹ, ít nhất là trong nửa cuối năm nay hoặc có thể là sang cả năm sau.

Kỳ vọng của các doanh nghiệp Trung Quốc càng trở nên lớn hơn, sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ mới đây đã đồng ý đưa nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc Xiaomi ra khỏi danh sách đen của chính phủ. Trước đó, tòa án Mỹ cũng đã đình chỉ lệnh cấm đầu tư áp dụng đối với Luokung Technology Corp, công ty phát triển bản đồ công nghệ của Trung Quốc, qua đó, giúp doanh nghiệp này tiếp tục trụ lại thị trường chứng khoán Phố Wall.

Những động thái này được cho là đang mở ra những tia hy vọng mới cho các hãng công nghệ Trung Quốc, vốn đang chịu nhiều sức ép từ giới chức Mỹ. Ông Will Wong - chuyên gia tại công ty nghiên cứu IDC cho biết, những kết quả như của Xiaomi sẽ không thể có được dưới thời Tổng thống Donald Trump. Ông đánh giá, dù Tổng thống Joe Biden sẽ tiếp tục giữ quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, nhưng chính quyền của ông đang thực hiện cách tiếp cận có mục tiêu hơn. Rõ ràng, một giải pháp chính trị giữa Bắc Kinh và Washington đang là điều mà các doanh nghiệp Trung Quốc kỳ vọng nhất vào lúc này.

Mối quan tâm của Phố Wall đối với doanh nghiệp Trung Quốc

Theo Reuters, thập kỷ vừa qua đã chứng kiến sự xuất hiện và trỗi dậy mạnh mẽ của các công ty công nghệ, tiêu dùng và giải trí Trung Quốc. Và giờ đây, sau quãng thời gian nhận vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, các quỹ đầu tư tư nhân, các doanh nghiệp đã sẵn sàng để gọi vốn trực tiếp từ công chúng.

Chuyên gia Phil Ji nhận định, việc Trung Quốc kiểm soát tốt đại dịch Covid-19 và sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Internet đã mang lại cơ hội cho các công ty của nước này. “Trên thực tế, Trung Quốc là nền kinh tế lớn đầu tiên kiểm soát được đại dịch Covid-19 hồi năm ngoái, điều này giúp nền kinh tế Trung Quốc phục hồi rất nhanh. Tôi nghĩ là tốc độ nhanh nhất trên toàn thế giới. Toàn bộ thị trường Trung Quốc cũng được hưởng lợi rất nhiều từ sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế Internet. Những yếu tố này đã mang lại rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Trung Quốc”.

Ở chiều ngược lại, việc ngày càng có nhiều công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ cũng mang đến cho các nhà đầu tư Phố Wall cơ hội để hiểu thêm về Trung Quốc và hưởng lợi từ những thành công kinh tế của nước này.

“Chúng tôi nhận thấy một xu hướng lớn, rất nhiều nhà đầu tư tổ chức có trụ sở tại Mỹ đã đến Trung Quốc, thiết lập văn phòng tại đây và nắm bắt các cơ hội lớn từ nhiều thương vụ đầu tư. Ví dụ như, công ty đầu tư Tiger Global trước đây chỉ hoạt động tại Mỹ, nhưng giờ họ đã đặt văn phòng ngay đối diện văn phòng của chúng tôi. Đó chắc chắn là một ví dụ điển hình về việc các nhà đầu tư Mỹ đang chú ý hơn đến các công ty Trung Quốc”, ông Phil Ji nói.

Tuy nhiên, theo báo cáo Ủy ban Đánh giá các vấn đề kinh tế và an ninh Mỹ - Trung, sự quan tâm của các nhà đầu tư Mỹ đối với cổ phiếu của các công ty Trung Quốc đang dần có dấu hiệu lắng dịu trong thời gian qua. Mặc dù số lượng công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ vẫn tăng lên, tổng giá trị vốn hóa thị trường của các doanh nghiệp này lại giảm nhẹ, từ mức 2.200 tỉ đô la hồi tháng 10 năm ngoái, xuống còn 2.100 tỉ đô la. Cần lưu ý rằng cũng trong giai đoạn này, thị trường chứng khoán Mỹ vẫn tăng trưởng tốt, khi cả chỉ số công nghiệp Dow Jones và S&P 500 đều tăng 23%.

Thậm chí nếu so sánh với các số liệu của năm 2020, kết quả còn kém ấn tượng hơn. Trong năm ngoái, tổng giá trị vốn hóa thị trường của các công ty Trung Quốc niêm yết tại Phố Wall đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước đó, vượt xa tốc độ tăng trưởng của các chỉ số chính trên thị trường.

Theo ông Kennedy, có một số lý do dẫn tới việc mối quan tâm đối với các cổ phiếu Trung Quốc sụt giảm tại Mỹ, trong đó bao gồm căng thẳng địa chính trị. “Mỹ có lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc và điều đó thực sự ảnh hưởng đến triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp. Những dự đoán về khả năng các công ty Trung Quốc bị hủy niêm yết có thể cũng góp phần vào sự sụt giảm gần đây”.

“Bên cạnh đó, lập trường cứng rắn hơn của chính phủ Trung Quốc đối với những tập đoàn công nghệ lớn tại nước này cũng đã góp phần khiến nhà đầu tư Mỹ e ngại hơn đối với cổ phiếu Trung Quốc”, ông Kennedy cho biết thêm.

Trong khi chờ đợi những bước tiến về chính trị, nhiều công ty Trung Quốc vẫn tiếp tục công bố kế hoạch niêm yết tại Mỹ, bao gồm ứng dụng mạng xã hội Soulgate, nền tảng podcast Ximalaya và công ty chia sẻ xe đạp Hello. Theo Reuters, dự kiến sẽ có khoảng 40 doanh nghiệp Trung Quốc tiến hành niêm yết tại thị trường chứng khoán Mỹ trong năm nay. Điều này hoàn toàn có thể khiến năm 2021 trở thành năm IPO sôi động nhất tại Mỹ của các công ty đến từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Dẫu vậy, nếu không có những sự thay đổi đáng kể, làn sóng IPO này được dự báo sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn trước mắt. Chuyên gia Kennedy cảnh báo: “Tôi khá ngạc nhiên khi thấy vẫn có nhiều công ty nộp hồ sơ, bởi chúng ta đã thấy thị trường IPO hoạt động kém hiệu quả trong hai tháng vừa qua. Vì vậy, chúng tôi dự đoán rằng các công ty Trung Quốc sẽ khó niêm yết cổ phiếu hơn. Sẽ có những thách thức đối với việc định giá”.

Nguồn: SCMP, Reuters, Bloomberg, Yahoo Finance

Xem thêm: lmth.ym-iat-tey-mein-uahn-aud-couq-gnurt-peihgn-hnaod/344613/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Doanh nghiệp Trung Quốc đua nhau niêm yết tại Mỹ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools