Bắc Giang ráo riết tìm kênh bán 120.000 tấn vải thiều Lục Ngạn
Minh Duy
(KTSG Online) - Huyện Lục Ngạn, vùng trồng vải thiều chính ở tỉnh Bắc Giang ước tính sẽ có hơn 120.000 tấn vải trong mùa này. Hiện vải đã bắt đầu chín, UBND đang ráo riết tìm cách bán sản phẩm. Dự kiến, phần lớn trong số này, khoảng 97.000 tấn vải tươi sẽ bán ở thị trường trong nước, 32.000 tấn sẽ xuất khẩu sang Trung Quốc và một số nước khác, số khác sẽ được sấy khô.
Vải thiều Bắc Giang. Ảnh: TTXVN |
Theo thông tin từ UBND huyện Lục Ngạn, địa phương có 15.450 héc-ta đất trồng vải thiều với sản lượng ước đạt hơn 120.000 tấn, trong đó vải chín sớm khoảng 30.000 tấn. Thời gian thu hoạch vải bắt đầu khoảng từ ngày 20-5 đến 20-7, trong đó vải thiều chính vụ thu hoạch từ ngày 10-6 tới.
Dù dịch bệnh vẫn hoành hành gây khó khăn cho việc tiêu thụ nhưng UBND huyện vẫn đặt mục tiêu là toàn bộ vải thiều của Lục Ngạn trong năm 2021 phải được tiêu thụ hết hoặc chế biến, bảo quản đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Với hình thức bán vải tươi, khoảng 97.000 tấn sẽ được xuất khẩu và bán tại thị trường trong nước. Trong đó, xuất khẩu 32.000 tấn, chủ yếu sang thị trường Trung Quốc và một số thị trường khác như Úc, Pháp, Nhật Bản, Mỹ... thông qua các doanh nghiệp xuất khẩu như Công ty TNHH XNK trái cây Tránh Thu, Công ty TNHH sản xuất TMDV Rồng Đỏ, Công ty Cổ phần Thực phẩm XNK Toàn Cầu...
Số lượng vải thiều bán ở thị trường nội địa sẽ khoảng 67.000 tấn, chủ yếu bán ở TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng.. thông qua các kênh như các chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức, Long Biên, Phùng Khoang, Văn Quán, Hòa Cường, Sơn Trà; các hệ thống siêu thị lớn như Aeon Mall, Big C, Saigon Co.op, Vinmart, Happro cùng các sàn thương mại điện tử.
Tất cả vải thiều của Lục Ngạn sẽ được phun CloraminB để đảm bảo an toàn với khách hàng. Trên các thùng vải sẽ được dán tem "Vải thiều đã được kiểm dịch".
Với hình thức sấy tại chỗ, Lục Ngạn sẽ sấy khoảng 20.000 tấn vải thiều tại các lò sấy của tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện. 3.000 tấn sẽ được chế biến bởi các doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Chế biến Thực phẩm G.O.C, Công ty TNHH MTV Dũng Sỹ, Công ty Cổ phần Chế biến Tiến bộ AIC...
Hiện nay, 36 mã số vùng trồng vải của Lục Ngạn được Trung Quốc chấp nhận, 27 mã số vùng trồng được Nhật Bản chấp nhận. Vải Lục Ngạn đã được chào bán trên các sàn thương mại điện tử như Tiki, Lazada, Sendo, Voso cùng những mạng xã hội như Facebook, YouTube.
Cùng với việc hỗ trợ chi phí cho người dân xây lò sấy vải, quảng bá vải Lục Ngạn và đẩy mạnh các kênh bán, UBND huyện Lục Ngạn cũng tính đến việc thực hiện phương án cách ly y tế với thương nhân nước ngoài đến mua vải thiều. Trung tâm y tế huyện sẽ theo dõi sức khỏe cho tất cả lao động ở bên ngoài vào huyện Lục Ngạn trong mùa thu hoạch.
Mời đọc thêm:
Bắc Ninh đề nghị cho các nhà cung ứng của Samsung được hoạt động trở lại
Bắc Giang kêu khó tiêu thụ nông sản vì các tỉnh chặn xe
Xem thêm: lmth.nagn-cul-ueiht-iav-nat-000021-nab-hnek-mit-teir-oar-gnaig-cab/315613/nv.semitnogiaseht.www