Theo ghi nhận của phóng viên PLO, trên địa bàn TP.HCM có không ít nơi buôn bán thức ăn nhưng người chế biến lại không đeo khẩu trang hoặc đeo không đúng cách, điều này có thể gây ảnh hưởng sức khỏe người dùng, đồng thời cũng làm tăng nguy cơ bùng phát dịch COVID-19.
Người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín không mang khẩu trang. Ảnh: NV
Anh Nguyễn Minh Tiến (quận Tân Bình) cho biết: “Tình hình dịch hiện nay hết sức phức tạp, vì vậy đến những nơi đông người nhưng có một ai đó không đeo khẩu trang hoặc đeo nhưng kéo xuống tôi rất ngại tiếp xúc. Nhất là ở những quán ăn, người chế biến món ăn mà không đeo khẩu trang lại càng nguy hiểm”.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Bệnh viện Nhi đồng 1, những người bán thức ăn, chế biến thức ăn nếu không đeo khẩu trang hoặc đeo sai cách sẽ làm tăng nguy cơ lây bệnh. Vì vậy, với những quán ăn, người bán nên đeo khẩu trang đúng cách, bàn ăn cần giãn cách tối thiểu 2m.
“Ở những quán ăn những người phục vụ và những người nấu ăn phải thường xuyên đeo khẩu trang đúng cách. Những người vận chuyển thức ăn cũng nên đeo khẩu trang để giảm nguy cơ lây bệnh”, BS Khanh nói.
Trong trường hợp không có dịch bệnh, việc không mang khẩu trang khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay trong kinh doanh dịch vụ ăn uống cũng không đủ điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết, Điều 15 cũng quy định mức phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với hành vi sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội mũ, đeo khẩu trang; không cắt ngắn móng tay; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay trong kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc loại hình cơ sở chế biến suất ăn sẵn, căn tin kinh doanh ăn uống, bếp ăn tập thể; bếp ăn, nhà hàng ăn uống… |