Qua số liệu báo cáo tài chính quý I/2021 của một số ngân hàng niêm yết, theo đánh giá của Fiin Group, một trong những động lực quan trọng giúp hoạt động kinh doanh ngân hàng vẫn tăng trưởng tích cực dù vấp phải nhiều khó khăn do tác động từ dịch bệnh đó là nguồn thu từ dịch vụ tăng. Đơn cử, trong quý I/2021, Techcombank ghi nhận thu nhập từ hoạt động dịch vụ đạt 1,3 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 40,9% so với năm quý I/2020; tại VietinBank, thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng 21% so với cùng kỳ năm trước...
Trong bối cảnh dịch Covid vẫn diễn biến phức tạp gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, khiến cầu tín dụng sụt giảm, nợ xấu có xu hướng gia tăng, việc các ngân hàng chuyển hướng đẩy mạnh các sản phẩm dịch vụ phi tín dụng càng có ý nghĩa quan trọng, giúp các ngân hàng giảm phụ thuộc vào tín dụng để tăng trưởng bền vững hơn. Hơn thế, với độ mở của nền kinh tế ngày càng lớn, các NHTM Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội để gia tăng thu nhập từ hoạt động dịch vụ thanh toán, tài trợ thương mại…
Đặc biệt, mới đây, NHNN vừa ký quyết định phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Một trong những mục tiêu được lượng hoá đặt ra đối với các ngân hàng tại Kế hoạch này đó là sẽ có tối thiểu 50% các nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng có thể thực hiện hoàn toàn trên môi trường số, tối thiểu 50% người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử và tối thiểu 70% số lượng giao dịch của khách hàng được thực hiện thông qua các kênh số… Đây vừa là nhiệm vụ, mục tiêu, động lực để đa dạng nguồn thu, tăng cường cạnh tranh, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của bản thân ngân hàng đó cũng như toàn hệ thống.
Trên thực tế, thời gian qua, các ngân hàng đã có nhiều chính sách đa dạng hoá nguồn thu. Theo Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng, lãi từ dịch vụ không chỉ đảm bảo lợi nhuận bền vững mà đó còn là chỉ số cạnh tranh, nên năm nào ngân hàng cũng cố gắng cải thiện chỉ số này. Để gia tăng nguồn thu phi tín dụng nhanh hơn, theo ông Tùng, không chỉ trông chờ vào các dịch vụ truyền thống như chuyển tiền, thanh toán... bởi hiện tại các ngân hàng đang có xu hướng giảm phí về 0 đồng để thu hút khách hàng. Do đó, ngân hàng đang kỳ vọng vào các hoạt động, sản phẩm dịch vụ mới phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay. Ví dụ như các hoạt động liên quan như tư vấn đầu tư cho khách hàng cá nhân, M&A doanh nghiệp... Nếu các giao dịch của khách hàng lớn thì có thể phát sinh sử dụng thêm nhiều dịch vụ, ngân hàng thu phí nhiều hơn.
Một nguồn thu dịch vụ tiềm năng nữa, theo ông Tùng đó là tạo ra các sản phẩm mới hoàn toàn trên hệ sinh thái trong môi trường ngân hàng số. Chẳng hạn như dịch vụ bán chứng chỉ quỹ, thay vì phải đến ngân hàng giao dịch trực tiếp, khách hàng có thể mua qua app của ngân hàng... Khi giao dịch mua bán, thanh toán thuận tiện hơn khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ của ngân hàng.
Có chung quan điểm, lãnh đạo một ngân hàng cho rằng, sự cạnh tranh sẽ cuốn các NHTM vào một cuộc đua “phí 0 đồng” khiến một số loại phí thanh toán có thể biến mất. Bởi vậy muốn thành công trong chuyển dịch cơ cấu thu nhập theo hướng tăng thu dịch vụ, các NHTM Việt Nam cần nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc chuyển dịch cơ cấu thu nhập, đưa vào chiến lược kinh doanh dài hạn với các kế hoạch hành động cụ thể. Chiến lược này không chỉ dừng lại ở việc theo đuổi và đáp ứng nhu cầu của khách hàng mà còn phải tiến tới chuyển sang giai đoạn tạo ra những xu hướng mới cho các hoạt động kinh doanh khác trên cơ sở ứng dụng các sản phẩm dịch vụ tài chính hiện đại nhất. Theo đó, dịch vụ tài chính sẽ vươn lên đón đầu và dẫn dắt xu hướng phát triển của các ngành kinh tế khác. Đặc biệt ngân hàng số sẽ là mảng dịch vụ vô cùng tiềm năng.
Tiềm năng là điều không thể phủ nhận, nhưng đầu tư công nghệ phát triển ngân hàng số đòi hỏi chi phí rất lớn về tiền của và con người. Nếu không kiểm soát quá trình vận hành và sử dụng các chi phí này một cách hiệu quả thì nguồn thu từ hoạt động dịch vụ không những không tăng mà còn có thể làm giảm khả năng sinh lời của NHTM. Chia sẻ với phóng viên, lãnh đạo một ngân hàng thừa nhận, các ngân hàng đều phải đối mặt nhiều khó khăn khi đầu tư phát triển ngân hàng số. Cái khó nhất đối với ngân hàng là chuẩn bị nguồn lực bên trong, điều chỉnh quy trình để tận dụng được hệ thống công nghệ, và nâng hiệu quả vận hành. Điều này đòi hỏi sự chuẩn bị lâu dài.
Nhưng dù là khó ngân hàng cũng vẫn phải làm nếu không muốn bị tụt hậu, bỏ lại phía sau. Trao đổi với báo giới mới đây, lãnh đạo Techcombank tiếp tục khẳng định ưu tiên của ngân hàng sẽ là đẩy mạnh đầu tư, xây dựng năng lực nền tảng dữ liệu, số hóa và nhân tài để hoàn thành kế hoạch 2021 - 2025 và xây dựng kế hoạch dự phòng bao gồm cả các kịch bản xấu hơn liên quan đến đại dịch Covid. Mặc dù có thể mất một thời gian mới thấy được rõ hơn kết quả của những khoản đầu tư này, nhưng lãnh đạo ngân hàng tin tưởng họ sẽ thu lại được những kết quả khả quan. Minh chứng là Techcombank đã ghi nhận một vài triển vọng rất khả quan đối với một số lĩnh vực kinh doanh như bancassurance khi sự đầu tư vào dữ liệu, số hóa và con người đã giúp tăng doanh thu khai thác mới (APE) trong quý I lên hơn 80,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo nhận định của TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thu dịch vụ sẽ tiếp tục tăng trưởng cao trong năm 2021 nhờ động lực đến từ dịch vụ bảo hiểm, ngân hàng số và kinh doanh trái phiếu, ngoại tệ.
Xem thêm: lmth.52830000042210202-uv-hcid-uht-gnat-hnam-yad-gnah-nagn/nv.semitaer