Để hỗ trợ tiêu thụ nông sản tại Bắc Giang do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam có biện pháp hỗ trợ như giảm chi phí lưu kho, lưu bãi, giảm phí vận chuyển, bốc xếp hàng hóa để các doanh nghiệp phân phối, có thể tăng cường thu mua nông sản.
Đề nghị giảm chi phí lưu kho hỗ trợ Bắc Giang tiêu thụ nông sản
Những ngày qua, Bắc Giang là địa phương có tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, khi số ca mắc COVID-19 liên tục tăng. Các huyện Yên Dũng, Lạng Giang, Lục Nam đang cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16.
Do đó, hàng chục nghìn tấn nông sản tại các huyện này đang mắc kẹt cần được hỗ trợ. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cũng đã có văn bản đề nghị Chính phủ tháo gỡ những khó khăn trong vấn đề tiêu thụ nông sản ở địa phương này.
Về vấn đề này, tại Đại hội nhiệm kỳ VIII của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) diễn ra chiều nay, ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, hiện nay Bắc Giang đang là nơi có số ca nhiễm nhiều và tiếp tục tăng nhanh.
Trên địa bàn tỉnh có sản lượng 44.000 tấn thịt lợn; 10.000 tấn thịt gia cầm; gần 17.000 tấn thủy sản, 20.000 tấn rau các loại; 15.000 tấn dứa; 180.000 tấn vải thiều đã vào vụ thu hoạch; 20.000 tấn nhãn; 15.000 tấn na cho thu hoạch từ tháng 7 đến hết tháng 8 và các sản phẩm nông sản khác như cam, bưởi, táo... Các sản phẩm nông sản của tỉnh đang gặp khó khăn trong việc vận chuyển và tiêu thụ.
Trước tình hình đó, ông Trần Quốc Khánh đề nghị VLA và cộng đồng doanh nghiệp dịch vụ logistics phối hợp với các Bộ ngành, địa phương, các doanh nghiệp sản xuất và thương mại để có các giải pháp cho việc thúc đẩy vận chuyển, lưu thông hàng hóa đảm bảo an toàn, thông suốt trong tình hình dịch bệnh.
Đồng thời, có biện pháp hỗ trợ như giảm chi phí lưu kho, lưu bãi, giảm phí vận chuyển, bốc xếp hàng hóa để các doanh nghiệp phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị có thể tăng cường thu mua nông sản cho nông dân các địa phương có dịch, trước tiên là Bắc Giang.
"Đây sẽ là hành động thiết thực của các doanh nghiệp logistics để ủng hộ các nỗ lực của Chính phủ và toàn dân trong công tác phòng chống dịch", Thứ trưởng Khánh đánh giá.
3 kịch bản tiêu thụ vải thiều Bắc Giang
Trao đổi với Lao Động, ông Trần Quang Tấn - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang - cho biết, kế hoạch tiêu thụ vải thiều Bắc Giang trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 được các bộ ngành thông qua ngày 17.5. Theo đó, kế hoạch tiêu thụ được phân rõ theo từng kịch bản.
Kịch bản thứ nhất: Nếu dịch được kiểm soát, khoanh vùng hết, số ca mắc và các F1, F2 được kiểm soát chặt chẽ, thì 50% vải thiều Bắc Giang được tiêu thụ trong nước và 50% vải thiều sẽ xuất khẩu. Trong đó, tiêu thụ trong nước: 51.000 tấn, xuất khẩu dự kiến từ 51.000-53.000 tấn; chế biến sấy khô, nước ép, đóng hộp khoảng 6.000 tấn (sấy khô: 2.000 tấn; nước ép, đóng hộp, đông lạnh: 4.000 tấn).
Kịch bản thứ hai: Nếu dịch COVID-19 trên địa bàn không được kiểm soát một cách triệt để thì 70% vải thiều Bắc Giang sẽ được tiêu thụ trong nước và 30% xuất khẩu. Dự kiến tiêu thụ vải thiều tươi khoảng 95.000 tấn, trong đó tiêu thụ trong nước 60.000 tấn, xuất khẩu: 35.000 tấn; tiêu thụ bằng hình thức khác 25.000 tấn.
Kịch bản thứ ba: Nếu Bắc Giang không kiểm soát được dịch thì 100% vải thiều được tiêu thụ trong nước. Đi cùng kịch bản này cần phải lên kế hoạch chi tiết về việc tiêu thụ ở đâu, số lượng bán tại trung tâm thương mại và chợ đầu mối thế nào, bán trực tuyến trên các trang thương mại điện tử ra sao?
Ngoài ra, trong quá trình tiêu thụ vải thiều cũng cần sự phối hợp của các cơ quan chức năng khác. Ví dụ như khi dùng xe vận chuyển vải đi tiêu thụ thì lưu thông thế nào, khử trùng, cấp giấy chứng nhận phải được tính toán kỹ lưỡng với Bộ Công an và Bộ Giao thông Vận tải.
Xem thêm: odl.937119-ort-oh-nac-gnaig-cab-o-nas-gnon-nat-nihgn-cuhc-gnah/et-hnik/nv.gnodoal