Đà Nẵng: Tiêu thụ năng lượng tái tạo sẽ chiếm gần 10% trong 10 năm tới
Nhân Tâm
(KTSG Online) – Tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong tổng cung năng lượng sơ cấp tại thành phố Đà Nẵng sẽ đạt 9,69% năm 2035.
Theo đánh giá, Đà Nẵng có số giờ nắng trung bình 2.100 giờ/năm, qua đó, tiềm năng từ năng lượng mặt trời để sản xuất điện là 0,733 kWh/m2/ngày. Ảnh minh họa: Nhân Tâm |
Các nguồn năng lượng mới này bao gồm năng lượng mặt trời (điện mặt trời mái nhà, điện mặt trời mặt đất và điện mặt trời mặt nước), năng lượng sinh khối, năng lượng gió, năng lượng khí sinh học, năng lượng khí thiên nhiên, năng lượng sóng biển và thủy điện nhỏ và phân tán, theo Đề án Phát triển sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng mới trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 vừa được phê duyệt.
Theo đó, đến năm 2025 tổng công suất lắp đặt điện mặt trời toàn thành phố đạt 244,675 MW, sản lượng điện mặt trời tương ứng là 357.226 MWh, đóng góp 5,62% tổng nhu cầu điện thành phố. Những con số này sẽ là 577,49 MW, 843.133 MWh và 6,95 vào năm 2035.
Trong đó, đối với điện mặt trời mặt đất, Đà Nẵng kêu gọi đầu tư mô hình nông nghiệp công nghệ cao kết hợp điện mặt trời. Thành phố cũng sẽ nghiên cứu tận dụng các mặt nước để lắp đặt điện mặt trời như mặt sông, mặt hồ tự nhiên và nhân tạo, các hồ xử lý nước thải để phát triển điện mặt trời mặt nước.
Với năng lượng sinh khối, sản lượng điện sinh khối sẽ là 182.040 MWh vào năm 2025 và 259.594 MWh vào năm 2035.
Để đạt được những con số này, Đà Nẵng muốn nâng tỷ lệ xử lý chất thải thành phố cho mục đích năng lượng khoảng 70% vào năm 2030 và ưu tiên sử dụng năng lượng sinh khối cho sản xuất điện, khuyến khích đầu tư các nhà máy điện sinh khối đặt trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Liên quan đến hoạt động này, Đà Nẵng đang kêu gọi đầu tư nhà máy đốt chất thải rắn phát điện tại bãi rác Khánh Sơn quy mô 650 tấn/ngày và dự án nhà máy điện sinh khối (đồng phát nhiệt điện) trong khu công nghiệp Liên Chiểu.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng kêu gọi nghiên cứu đầu tư các loại năng lượng mới còn lại như năng lượng gió, năng lượng khí sinh học, năng lượng khí thiên nhiên, năng lượng sóng biển mà thành phố cũng có những tiềm năng đáng kể.
Cũng theo đề án, Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng được yêu cầu xây dựng kế hoạch nâng cấp , phát triển mới lưới điện cao thế, trung thế và hạ thế phù hợp với quy hoạch để kết nối với các nguồn năng lượng mới.
Trong thời gian chờ văn bản hướng dẫn tiếp theo của Thủ tướng Chính phủ, Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Đà Nẵng (DDIF) vẫn đang hướng dẫn lập hồ sơ vay vốn cho đối với doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư dự án sử dụng năng lượng mặt trời trong năm 2021 và thời gian đến. Khách hàng của DDIF sẽ được tiếp cận khoản vay với lãi suất ưu đãi theo quy định hiện hành đối với các dự án điện là 7%/năm với mức vay tối đa 80% giá trị tổng mức đầu tư và thời gian vay tùy theo mỗi dự án nhưng không quá 15 năm. Chính sách này nhằm hưởng ứng chủ trương khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tại thành phố Đà Nẵng. |