S&P nâng triển vọng kinh tế Việt Nam lên mức tích cực
Vân Phong
(KTSG Online) - Việt Nam là quốc gia duy nhất được cả ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm gồm Moody’s, Fitch và S&P nâng triển vọng lên mức tích cực, kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện và lan rộng ra toàn cầu.
Chính phủ và các cấp, ngành đang nỗ lực để thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong trạng thái bình thường mới. Ảnh minh hoạ: Phạm Hưng. |
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings (S&P) thông báo giữ nguyên hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam vào ngày 21-5, nhưng nâng triển vọng từ "ổn định" lên "tích cực".
Cơ sở để đưa ra kết luận này là việc Chính phủ Việt Nam tăng cường năng lực qua các quy trình hành chính hiệu quả, phù hợp và bền vững. Ngoài ra, Chính phủ đã nỗ lực giảm thiểu rủi ro về nghĩa vụ trả nợ nhằm đảm bảo việc chậm trả nợ không tiếp tục tái diễn.
Bên cạnh đó, nền kinh tế Việt Nam cũng ghi nhận sự phục hồi tích cực, lành mạnh. Còn các thiết lập tài khóa của Chính phủ vẫn sẽ được duy trì dù phải đối mặt với nhiều rủi ro từ đại dịch Covid-19.
Dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam, S&P cho rằng Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đà phục hồi kinh tế trong 1-2 năm tứi nhờ các giải pháp kiềm chế dịch Covid-19 của Chính phủ.
Ngoài ra, nước ta sẽ giữ vững vị thế là điểm đến hàng đầu về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) trong khu vực Đông Nam Á và đạt mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ổn định.
Bên cạnh đó, vị thế đối ngoại của Việt Nam cũng sẽ được củng cố vững chắc, theo S&P.
Hiện Việt Nam là quốc gia duy nhất được cả ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm gồm Moody’s, Fitch và S&P nâng triển vọng lên tích cực từ khi dịch Covid-19 lan rộng ra toàn cầu, tạo ra những bất ổn về kinh tế và xã hội ở hầu hết các quốc gia. Cùng giai đoạn, đã có 124 lượt hạ bậc và 133 lượt hạ triển vọng tín nhiệm quốc gia trên toàn thế giới.
Trước đó, Fitch Ratings đã nâng triển vọng của Việt Nam từ "ổn định" lên "tích cực" vào tháng 4-2021.
Tương tự, Moody’s giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam và nâng triển vọng từ tiêu cực lên tích cực. Đánh giá của tổ chức này dựa vào sự cải thiện sức mạnh tài khoá, tiềm năng tăng trưởng kinh tế thông qua thu hút vốn đầu tư nước ngoài và hưởng lợi từ sự tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu của Việt Nam.
Xem thêm: lmth.cuc-hcit-cum-nel-man-teiv-et-hnik-gnov-neirt-gnan-ps/345613/nv.semitnogiaseht.www