Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Y tế Toàn cầu tổ chức tại Rome, Italy với sự tham gia của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva nói: "Bản đề xuất của chúng tôi đặt ra các mục tiêu, ước tính các yêu cầu tài chính và đề ra các hành động thiết thực".
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết con số ước tính 50 tỷ USD là sự kết hợp của ít nhất 35 tỷ USD tiền trợ cấp, cộng với các nguồn lực từ chính phủ và các nguồn tài trợ khác.
Với mục tiêu hướng tới sự phục hồi kinh tế toàn cầu bền vững trong dài hạn, kế hoạch đặt mục tiêu ít nhất 60% dân số thế giới được tiêm chủng vào cuối năm 2022.
Tổng giám đốc Georgieva nói rằng IMF trong thời gian qua đã cảnh báo về tình trạng phân hóa nguy hiểm trong sự thịnh vượng kinh tế của các quốc gia. Tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn khi khoảng cách giữa các nước giàu được tiếp cận với vaccine ngừa COVID-19 và các quốc gia nghèo ít khả năng mua vaccine ngày càng tăng.
IMF cho biết tính tới cuối tháng 4/2021, chưa đến 2% dân số châu Phi được tiêm chủng. Trong khi đó, hơn 40% dân số ở Mỹ và hơn 20% ở châu Âu đã được tiêm ít nhất một liều vaccine. Do đó, IMF đang ưu tiên thu hẹp khoảng cách về tiếp cận vaccine để đưa kinh tế thế giới tăng trưởng trở lại.
Các tác giả của bản kế hoạch cho hay các nước đã nhận ra rằng khủng hoảng kinh tế sẽ không thực sự kết thúc nếu khủng hoảng y tế không chấm dứt. Do đó, họ lập luận lợi ích của tất cả các quốc gia là phải chấm dứt dứt đại dịch COVID-19.
Để đạt được mục tiêu, IMF nhấn mạnh cần có các khoản trợ cấp bổ sung cho cơ chế Covax - được thiết lập để cố gắng ngăn các nước giàu tích trữ vaccine. Những khoản trợ cấp đó sẽ được thực hiện thông qua việc tặng lượng dư vaccine cũng như đảm bảo nguyên liệu sản xuất và vaccine thành phẩm được vận chuyển tự do xuyên biên giới. Nhưng cho đến nay, những lời kêu gọi này tỏ ra chưa mấy hiệu quả.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.13565436022501202-91-divoc-hcid-iad-tud-mahc-ed-dsu-yt-05-hcaoh-ek-taux-ed-fmi/et-hnik/nv.vtv