Chiều 21-5, Hội đồng bầu cử quốc gia (HĐBCQG) tổ chức họp báo về công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng ban Công tác đại biểu, trao đổi với báo chí
tại buổi họp báo. Ảnh: HOÀNG HẢI
Chống bệnh thành tích trong bầu cử
Trả lời câu hỏi HĐBCQG có giải pháp gì để chống bệnh thành tích trong bầu cử, chống bầu hộ, bầu thay, Trưởng ban Công tác ĐB Nguyễn Thị Thanh cho rằng đây là “câu chuyện rất thời sự”.
Theo bà Thanh, việc bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Việc đi bầu cử là quyền và nghĩa vụ của mỗi cử tri để bầu ra người đại diện cho mình. Bởi vậy, việc đi bầu hộ, bầu thay là làm mất quyền cử tri của mình.
Tuy nhiên, trưởng Ban Công tác ĐB thừa nhận trong thực tế cũng có những trường hợp đi bầu thay, bầu hộ. Theo bà Thanh, việc báo chí tuyên truyền thời gian vừa qua cũng chính là “giải pháp” quan trọng tránh việc bầu hộ, bầu thay, khi báo chí tuyên truyền đến người dân ý thức trách nhiệm đối với cuộc bầu cử.
“Tôi hy vọng các cơ quan báo chí trung ương và địa phương tiếp tục là cánh tay nối dài của HĐBCQG, cùng với các tổ chức bầu cử làm sao tuyên truyền để người dân và cử tri thực hiện đầy đủ quyền của mình” - bà Thanh nói tiếp.
Theo bà, trước hết, báo chí tập trung tuyên truyền quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc tham gia bầu cử, giúp cho cử tri hiểu rõ việc bầu hộ, bầu thay là vi phạm nguyên tắc bầu cử. Đặc biệt là quan tâm đến địa bàn vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thường xuất hiện tình huống này nhiều hơn.
Bà Thanh cho rằng những địa phương ở những cuộc bầu cử trước đây có việc bầu hộ, bầu thay cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng hơn nữa. Bà đặc biệt nhấn mạnh vai trò của MTTQ và đoàn thể các địa phương bởi các tổ chức này có hệ thống “chân rết” đến thôn, xóm, khu phố. “Cần theo dõi diễn biến, tâm lý của cử tri đi bầu để nhắc nhở những gia đình, cử tri chưa đi bầu cử…” - bà Thanh lưu ý.
Các lãnh đạo chủ chốt bỏ phiếu ở đâu? Cũng tại cuộc họp báo, Tổng thư ký QH, Chánh Văn phòng HĐBCQG Bùi Văn Cường đã thông tin về nơi bỏ phiếu bầu cử của bốn lãnh đạo chủ chốt. Cụ thể, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bỏ phiếu tại Hà Nội; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bỏ phiếu tại TP.HCM; Chủ tịch QH Vương Đình Huệ bỏ phiếu tại Hải Phòng và Thủ tướng Phạm Minh Chính bỏ phiếu tại Cần Thơ. Đây cũng là nơi bốn lãnh đạo chủ chốt ứng cử ĐBQH khóa XV. Trưởng ban Công tác ĐB Nguyễn Thị Thanh cho hay về nguyên tắc, hầu hết các lãnh đạo ở địa bàn nào, đang cư trú ở đâu thì đi bầu cử ở nơi đó. Tuy nhiên, gắn với nhiệm vụ cụ thể của các thành viên HĐBCQG và nhiệm vụ của lãnh đạo, theo luật quy định, các lãnh đạo đi bỏ phiếu ở một số địa phương gắn liền với việc kiểm tra, chứng kiến giờ khai mạc và không khí của ngày bầu cử. “Ý nghĩa là vừa đi kiểm tra, vừa động viên các địa phương trong ngày bầu cử, tạo không khí chung cả nước” - bà Thanh nói. |
Không được kiểm phiếu trước 19 giờ
Cũng tại cuộc họp báo, Tổng thư ký QH, Chánh Văn phòng HĐBCQG Bùi Văn Cường cho biết có 16 tỉnh, TP có đơn đề nghị và được HĐBCQG cho phép một số khu vực ở các tỉnh này bỏ phiếu sớm, gồm: Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Định, Cà Mau, Cần Thơ, Đắk Nông, Hải Phòng, Hậu Giang, Khánh Hòa, Kiên Giang, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Đắk Lắk, Kon Tum, Bạc Liêu và Bắc Ninh.
Trả lời câu hỏi về việc tại sao tại Bắc Giang, nơi có tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng không có phương án bầu cử sớm ở những địa điểm có cách ly, phong tỏa, ông Cường cho biết việc bầu cử sớm phải do ủy ban bầu cử địa phương đề nghị và HĐBCQG quyết định.
“Tình hình dịch bệnh của Bắc Giang đang phức tạp nhưng Bắc Giang không có văn bản đề nghị bầu cử sớm. Còn Bắc Ninh đã có văn bản xin bầu cử sớm vào ngày mai, 22-5” - ông Cường nói.
Cũng tại cuộc họp báo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng lưu ý thời gian tiến hành bầu cử từ 7 giờ đến 19 giờ ngày 23-5. Ở một số địa phương, tùy theo tình hình cụ thể, tổ bầu cử có thể bắt đầu bỏ phiếu sớm hơn nhưng không được trước 5 giờ; có thể kết thúc muộn hơn nhưng không được muộn hơn 21 giờ.
Cũng theo ông Tùng, ngay cả khi số cử tri trong danh sách đi bỏ phiếu tại khu vực bỏ phiếu đạt 100% trước giờ quy định, tổ bầu cử cũng không được tuyên bố kết thúc cuộc bỏ phiếu và không được kiểm phiếu trước thời điểm 19 giờ ngày 23-5.
“Nếu tổ bầu cử kiểm phiếu trước 19 giờ thì sẽ thực hiện trước các khu vực bầu cử khác trong cùng đơn vị bầu cử. Kết quả bầu cử của khu vực bỏ phiếu đã kết thúc sớm có thể bị lộ, lọt ra bên ngoài, ảnh hưởng đến kết quả bầu cử của các khu vực khác trong cùng đơn vị bầu cử” - ông Tùng lý giải.•
Tiếng nói từ cử tri Cử tri MAI THỊ LỆ, quận Bình Tân: Tôi chờ đợi để được bỏ lá phiếu chọn lựa của mình Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và ĐB HĐND các cấp là sự kiện năm năm có một lần. Vì vậy, bản thân tôi và người dân trong khu phố đều đang rất háo hức chờ đợi, mấy ngày này đều ra xem tiểu sử và chương trình hành động của các ứng cử viên mà mình sẽ tự tay bỏ lá phiếu bầu. Thậm chí còn xem danh sách cử tri có tên mình không, đúng tên chưa vì sợ mất quyền lợi đi bầu của mình. Nhiều người còn bàn luận với nhau, đắn đo làm sao chọn ra được người đủ đức, đủ tài, thực sự tâm huyết với công việc, là đại diện cho tiếng nói của mình, không khí vô cùng phấn khởi. Mặc dù loa tuyên truyền ở khu phố vẫn thường xuyên phát lên thời gian, địa điểm đi bầu nhưng nhiều bà con vẫn ra trụ sở khu phố hỏi lại… cho chắc. Cá nhân tôi thấy hiện nay công tác phòng chống tham nhũng là vấn đề mà bà con quan tâm nhất, bởi mỗi lần phanh phui một vụ việc là chúng tôi vừa phấn khởi nhưng cũng rất suy nghĩ. Phấn khởi là vì Đảng, Nhà nước đã đưa được ra ánh sáng những con người sai phạm, làm trong sạch được bộ máy. Còn suy nghĩ là vì ngày càng phát hiện những người tham nhũng là các vị có chức tước lớn. Tôi mong rằng trong nhiệm kỳ tới, các ĐB của chúng ta sẽ mạnh dạn đấu tranh hơn cho vấn đề này, làm sao để không còn thiên vị, bao che, nể nang mà phải mạnh tay, ai sai đến đâu xử lý đến đó, lấy lại niềm tin cho người dân. Cử tri NGÔ TIẾN NHỢ, Mong bầu được những đại biểu tâm huyết với dân Ngày bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND các cấp đang đến gần rồi, cử tri chúng tôi mong muốn các ứng cử viên sau khi trúng cử sẽ đi tiếp xúc cử tri nhiều hơn, dành tâm huyết của mình để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân; giải quyết thỏa đáng bức xúc, khiếu nại của dân hơn. Còn nhớ, nhiệm kỳ trước, chúng tôi đã nhiều lần phản ánh một khu vực vướng quy hoạch treo nhiều năm ở địa bàn quận khiến bà con phải đợi chờ vất vả. Nhiều người muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng, buôn bán cũng không được. Thử hỏi nếu quy hoạch này có thể thực hiện được thì nên khẩn trương làm, còn không khả thi thì xóa quy hoạch để bà con ổn định cuộc sống. Điều quan tâm hơn nữa là việc đầu tư trường học, bệnh viện cho một quận đông dân như Bình Tân. Bà con chúng tôi đã mong mỏi trên địa bàn phường Bình Hưng Hòa A có một trường cấp III để các em học sinh không phải đi học xa. Vì hiện nay một phường đông dân nhất TP như vậy mà không có trường cấp III là rất bất tiện. Phụ huynh phải đưa con em sang các trường ở phường khác như Tân Tạo, An Lạc, Bình Hưng Hòa B để học, thậm chí đưa con sang quận Tân Phú để học cấp III. Việc này chúng tôi cũng đã có ý kiến nhiều, mong rằng nhiệm kỳ tới sẽ được như ý nguyện. LÊ THOA ghi |