Tàng trữ 400 giấy chứng minh nhân dân
Ngày 21-5, Đội 4 - Phòng CSHS Công an TPHCM thông tin, vừa bắt 2 đối tượng trong nhóm 5 kẻ chuyên giả danh doanh nhân, quân nhân người nước ngoài, làm quen với phụ nữ Việt Nam, sau đó dụ dỗ rằng muốn tặng quà, tiền, vàng "khủng", đầu tư hoặc nhờ bạn gái giữ giúp... Khi "con mồi" sập bẫy, chúng giả làm nhân viên hải quan hoặc giao nhận hàng, gọi điện yêu cầu đóng phí và dùng giấy CMND giả mở tài khoản ngân hàng để nhận tiền, chiếm đoạt. Các đối tượng còn lại đang được lực lượng chức năng mở rộng điều tra, truy bắt.
Khoảng 9 giờ ngày 26-3-2021, một khách hàng nam sử dụng giấy CMND tên Võ Hoàng Long đến ngân hàng B. - chi nhánh Bình Hưng (H.Bình Chánh) để rút tiền. Nhân viên ngân hàng tiếp vị khách trên đã nhớ ra ít ngày trước đó, người này sử dụng giấy CMND tên Lê Quốc T. đến chi nhánh này mở tài khoản thanh toán, thay đổi chữ ký, chuyển khoản và rút thành công 45 triệu đồng. Sau đó, anh T. (chủ tài khoản thật) báo với ngân hàng rằng mình bị mất 45 triệu đồng trong tài khoản. Qua làm việc với anh T. và đối chiếu 2 giấy CMND, ngân hàng phát hiện người rút tiền sử dụng giấy CMND như anh T., nhưng ảnh dán trên giấy lại khác.
Vụ việc sau đó được ngân hàng trình báo CAH Bình Chánh điều tra, đồng thời cảnh báo trên hệ thống nội bộ cho các nhân viên biết và nâng cao cảnh giác. May mắn là nhân viên ngân hàng B. - chi nhánh Bình Hưng có trí nhớ tốt nên nhận ra nghi can, bí mật báo cho Công an xã Bình Hưng ngay tức thì.
Bị mời về trụ sở làm việc, biết khó che đậy hành vi, đối tượng khai tên Lê Văn Nam (SN 1992, quê Thanh Hóa, tạm trú H.Bình Chánh). Qua đấu tranh, Nam thừa nhận trước đó đã dùng CMND giả mạo tên Lê Quốc T. để rút 45 triệu đồng. Gã khai người cung cấp giấy CMND giả cho mình thực hiện 2 lần đến ngân hàng rút tiền là Phạm Văn Châu (ngụ cùng nhà trọ ở H.Bình Chánh).
Nghi vấn hành động của Nam - Châu là có hệ thống, băng nhóm, Công an H.Bình Chánh khẩn trương phối hợp với Phòng ANKT và Phòng CSHS mở rộng điều tra. Đột xuất kiểm tra phòng trọ của Châu, lực lượng công an lập biên bản thu giữ 400 giấy CMND, 44 giấy phép lái xe và 80 thẻ ATM. Trước số tang vật khó lý giải về nguồn gốc, Châu buộc phải khai ra hành vi phạm tội, cùng đối tượng "đầu trên".
Nhẫn tâm chiếm đoạt tài sản của nhiều phụ nữ
Theo lời khai của Châu, năm 2019, y làm công cho quán cơm ở Q.Phú Nhuận do người phụ nữ tên Na làm chủ. Sau đó, Châu nghỉ việc. Năm 2020, Na gặp lại Châu và hỏi có biết mở tài khoản ngân hàng không, nếu có thì bán lại cho ả sẽ thu lợi lớn. Na hứa mua của Châu mỗi tài khoản giá 10 triệu đồng. Sau khi lân la tìm hiểu, Châu biết chi phí các công đoạn để có giấy CMND và mở tài khoản tại ngân hàng chỉ khoảng 1 triệu đồng, nên quyết định hợp tác. Khi gom được giấy CMND từ nhiều nguồn, Châu thuê nhiều đối tượng mua sim điện thoại, đến ngân hàng mở tài khoản có đăng ký Mobile Banking và Internet Banking, rồi bán cho Na khoảng 50 tài khoản.
Khẩn trương truy xét, Phòng ANKT và Phòng CSHS xác định, bà chủ quán ăn Châu từng làm việc với tên thường gọi là Na, tên đầy đủ là Cao Lê Thị Duyên (SN 1984, ngụ Q.Phú Nhuận, hiện cư trú tại Q1). Biết Châu đã bị công an bắt, khó mà che giấu được hành vi phạm tội của mình, Duyên đã khai việc mua bán tài khoản ngân hàng trùng với lời khai của Châu. Ngoài ra, Duyên còn mua bán tài khoản ngân hàng từ người phụ nữ tên Đ., do Phạm Thị Ngọc Diễm (SN 1979, quê Bạc Liêu) móc nối. Qua làm việc, Diễm có cùng lời khai như Duyên và thừa nhận đã cung cấp 2 thẻ ngân hàng cho Duyên.
Duyên khai tiếp về "đầu dây mối nhợ" của chuỗi hành vi phi pháp đáng lên án như sau: Khoảng 6 năm trước, khi sang Malaysia làm "nail", ả quen Obinna (người Nigeria) và nên duyên, có một con chung. Bạn của chồng thường đến nhà ở Malaysia chơi, biết Duyên là người Việt Nam nên rủ thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của phụ nữ Việt bằng thủ đoạn giả doanh nhân, quân nhân người ngoại quốc, vờ kết bạn, hứa cưới, gửi quà, tiền "khủng" sang Việt Nam đầu tư, nhờ bạn gái giữ hộ...
Chúng soạn sẵn 2 "kịch bản". Tùy từng trường hợp, Duyên sẽ nói tiếng Việt giả làm nhân viên hải quan, nhân viên sân bay, thông báo hàng đã tới hoặc đang bị tạm giữ để dụ dỗ nạn nhân phải đóng thêm phí. Sau đó, ả cho số tài khoản để "con mồi" chuyển tiền. Mỗi lần rút được tiền của nạn nhân, Duyên được nhóm đối tượng Nigeria chia cho 10%. Từ năm 2015 đến nay, Duyên đã sử dụng rất nhiều tài khoản ngân hàng vào mục đích lừa đảo, đến nỗi ả không nhớ nổi là bao nhiêu lần, kể cả sau khi đã về Việt Nam sinh sống (!).
Duyên còn khai về một đối tác người Nigeria đang sinh sống tại TPHCM là Nnamdi Chikeluba Nwoye (SN 1990, tạm trú Q1). Ả mua của Châu 10 triệu đồng mỗi tài khoản, bán lại cho các đối tượng ngoại quốc giá 12 triệu đồng, để số đối tượng này sử dùng nhằm lừa chiếm đoạt tài sản của phụ nữ Việt Nam.
Khẩn trương truy vết, cơ quan điều tra tìm được Nwoye. Khoảng tháng 1-2020, Nwoye nhập cảnh vào nước ta, tình cờ đến quán bar của Duyên ở Q1 chơi, quen biết chủ quán và làm phụ bếp tại đây. Hiện tại, hộ chiếu của Nwoye đã hết thời hạn. Lực lượng chức năng đang làm rõ hành vi phối hợp lừa đảo giữa Duyên và Nwoye để xử lý triệt để.
Theo khai báo của Duyên và đồng bọn, mỗi tài khoản ngân hàng được chúng sử dụng lừa rút ít nhất vài chục triệu đồng, nhiều nhất là 1,5 tỷ đồng. Nếu chỉ tính 50 tài khoản mà Châu bán cho Duyên, rồi ả sang tay tiếp cho các đồng bọn khác thì con số thiệt hại thấp nhất là hơn chục tỷ đồng, đồng nghĩa với việc có hàng trăm phụ nữ sập bẫy "tình ngoại". Hiện Duyên đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi nên cơ quan điều tra tạm thời cho tại ngoại, chờ xử lý. Còn Châu và Nam đã bị bắt tạm giam. Công an đang củng cố tài liệu để xử lý Diễm, Nwoye và truy vết những kẻ còn lại.
Phòng CSHS thông báo, ai là nạn nhân của nhóm lừa đảo trên, liên lạc ngay với Đội 4 - Phòng CSHS Công an TPHCM (số 459 Trần Hưng Đạo, P.Cầu Kho, Q1, TPHCM; điện thoại: 0693.187.200) để cung cấp thông tin.