Trước tình hình dịch COVID-19 rất phức tạp, nơi tôi đang ở, cán bộ phường đang ra sức nhắc nhở và xử phạt những người không mang khẩu trang khi ra đường.
Gần đây, tôi nghe thông tin nếu có người không mang khẩu trang khi ra đường thì CSGT cũng có thể xử phạt được.
Cho tôi hỏi, theo quy định thì CSGT có quyền xử phạt trong phòng chống dịch ra sao?
Bạn đọc Thanh Tân, TP.HCM hỏi
Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn luật sư TP.HCM, trả lời: Theo hướng dẫn của Bộ y tế, để phòng chống dịch bệnh COVID-19 thì người dân cần thực hiện biện pháp 5K (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế). Do vậy, việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng là một trong những biện pháp cần thiết để phòng, chống dịch.
Điểm a, khoản 1 Điều 12 Nghị định 117/2020 quy định phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng nếu không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Về thẩm quyền xử phạt: Tại khoản 4 theo điều 106 Nghị định 117/2020 quy định Công an nhân dân có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính về y tế dự phòng.
Theo đó, Trưởng phòng An ninh kinh tế, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Trưởng phòng CSGT, Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt, Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu có quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền tùy theo mức độ vi phạm.
Cụ thể, các lực lượng kể trên có thẩm quyền phạt tiền đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về y tế dự phòng, phòng, chống HIV/AIDS; phạt đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế...
Như vậy, nếu cá nhân không mang khẩu trang ra ngoài đường để thực hiện việc phòng, chống dịch COVID-19, lực lượng CSGT có quyền xử phạt.