Bà Aung San Suu Kyi nằm trong số 4.000 người bị bắt giữ sau cuộc chính biến. Ảnh minh họa AP. |
Theo đó, ông Min Aung Hlaing cho biết, bà Aung San Suu Kyi “vẫn dang khỏe mạnh”. Bà này sẽ bị xét xử trước tòa án trong vài ngày tới.
Sau cuộc chính biến hồi tháng 2, Myanmar rơi vào hỗn loạn. Bà Aung San Suu Kyi, người từng đoạt giải Nobel Hòa bình cho cuộc đấu tranh lâu dài chống lại các nhà cầm quyền quân sự trước đây, nằm trong số hơn 4.000 người bị bắt kể từ khi chính biến xảy ra. Nhiều nguồn tin cho biết, bà phải đối mặt với các cáo buộc từ sở hữu bất hợp pháp bộ đàm cho đến vi phạm luật bí mật nhà nước.
Trong cuộc phỏng vấn mới đây, người đứng đầu chính phủ quân sự Myanmar cho biết bà Aung San Suu Kyi “đã làm tất cả những gì có thể”, khi được hỏi về suy nghĩ của mình về quá trình nắm quyền của bà này.
Ngoài ra, tướng Min Aung Hlaing cũng một lần nữa khẳng định rằng quân đội nổi dậy vì phát hiện có gian lận trong cuộc bầu cử mà đảng của bà Aung San Suu Kyi giành chiến thắng hồi tháng 11 năm ngoái, mặc dù những cáo buộc này đã bị Ủy ban bầu cử Myanmar bác bỏ.
Ông này cho biết thêm, quân đội sẽ tổ chức bầu cử và đã cân nhắc một số thay đổi tiềm tàng trong hiến pháp có thể sẽ được thực hiện nếu như đó là “ý muốn của nhân dân”.
Bà Aung San Suu Kyi sẽ ra hầu tòa vào ngày 24/5 tại Naypyidaw, tuy nhiên, đến nay bà chỉ xuất hiện qua video và chưa được cho phép nói chuyện trực tiếp với luật sư của mình.
Chính phủ quân đội viện dẫn lý do an ninh cho việc không cho phép bà này nói chuyện với luật sư, do quân đội chưa thiết lập được quyền kiểm soát do các cuộc biểu tình, đình công tiếp diễn.
Kể từ khi cuộc chính biến diễn ra, lực lượng an ninh Myanmar đã giết chết ít nhất 815 người trong các cuộc biểu tình, theo các nhóm nhân quyền. Trong khi đó, ông Min Aung Hlaing cho biết con số này là hơn 300, trong đó có 47 cảnh sát.
Xem thêm: /784246-aot-uah-ar-pas-iyK-uuS-naS-gnuA-aB/h42-ioig-ehT/nv.moc.dnac