- Đến 11h ngày 23/5, tỷ lệ cử tri cả nước đi bầu cử đạt 66,84%
- Trong buổi sáng, gần 50% cử tri TP Hồ Chí Minh đi bầu cử
- Công an tỉnh Thái Nguyên thực hiện quyền và nghĩa vụ của cử tri
Đúng 7h ngày 23/5, hơn 960 tổ bầu cử trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã đồng loạt đón những cử tri đầu tiên đến lựa chọn, bỏ phiếu lựa chọn các đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Thời tiết ở Khánh Hòa ngày 23/5 được dự báo có nắng gián đoạn, đề phòng mưa dông bất chợt, nhiệt độ từ 26 độ C đến 33 độ C; vùng biển có mưa rào và dông rải rác. Riêng tại Nha Trang, buổi sáng trời khá mát mẻ, rất thuận lợi để cử tri rời khỏi nhà, thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình.
Ảnh: TTXVN. |
Tỉnh Khánh Hòa có 13 người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV (trong đó có 3 người được Trung ương giới thiệu), để bầu 7 đại biểu; 84 người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, để bầu 52 đại biểu; 479 người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, để bầu 290 đại biểu; 5.387 người được ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã (trong đó có 10 trường hợp tự ứng cử) để bầu 3.211 đại biểu. Tỉnh Khánh Hòa có tổng số trên 988.000 cử tri.
Ngoài 20 khu vực bỏ phiếu ở các điểm đảo thuộc thị trấn Trường Sa, xã Sinh Tồn, xã Song Tử Tây đã tiến hành bầu cử vào ngày 16/5 vừa qua, khu vực bỏ phiếu thuộc đảo Trường Sa Lớn (thị trấn Trường Sa) và 3 khu vực bỏ phiếu còn lại thuộc huyện Trường Sa nằm trên đất liền, hôm nay (23/5) cùng bỏ phiếu bầu cử với cả nước.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Khánh Hòa đã chủ động xây dựng kịch bản, phương án cụ thể, chuẩn bị các điều kiện, cơ sở vật chất kỹ thuật để ứng phó với các tình huống.
Ngày 23/5, hơn 995 nghìn cử tri trong toàn tỉnh Bến Tre cùng với cử tri cả nước đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, tại 1.286 khu vực bỏ phiếu trong toàn tỉnh.
Tại Bến Tre, có 15 đại biểu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV (10 người đang công tác tại địa phương; 3 người do Trung ương giới thiệu ứng cử tại tỉnh; 87 đại biểu ứng cử Hội đồng Nhân dân tỉnh; 493 đại biểu ứng cử Hội đồng Nhân dân huyện và 6.682 đại biểu ứng cử Hội đồng Nhân dân xã.
Trước đó, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phối hợp Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, xã tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 tại các huyện, thành phố Bến Tre và 33 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Để đảm bảo công tác bầu cử và công tác phòng, chống dịch COVID-19, Ủy ban Bầu cử tỉnh Bến Tre đã tổ chức thông tin tuyên truyền, chuẩn bị cơ sở vật chất cho bầu cử; công tác phòng, chống dịch, công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh được tiến hành rất khẩn trương, chặt chẽ, đúng theo quy định.
Cùng với cử tri cả nước, ngày 23/5, gần 1,4 triệu cử tri tỉnh Hải Dương đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 để bầu 9 đại biểu Quốc hội, 63 đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, 407 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện và 5.817 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã.
Trong số gần 1,4 triệu cử tri, Hải Dương có 1,248 cử tri thuộc diện F1 và 9.720 cử tri là F2 đang cách ly. Để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19, các điểm bỏ phiếu đều được chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất, thuận lợi cho cử tri đi bầu cử; Thông điệp 5K được thực hiện nghiêm tại các điểm bỏ phiếu. Cử tri đi bỏ phiếu được hướng dẫn giãn cách, sát khuẩn trước và sau khi bỏ phiếu...
Tỉnh Hải Dương có 4 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội với số đại biểu Quốc hội được bầu là 9 đại biểu với 17 ứng cử viên; có 13 đơn vị bầu cử 63 đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh với 102 ứng cử viên. Toàn tỉnh có 1.787 khu vực bỏ phiếu tại 235 xã, phường, thị trấn.
Cử tri đồng bào Hà Nhì phấn khởi đi bầu cử. (Ảnh: Nguyễn Văn Oanh/TTXVN) |
Hòa chung không khí phấn khởi của cử tri cả nước đi bầu cử, ngày 23/5, hơn 274.200 cử tri đồng bào các dân tộc, tại 867 tổ bầu cử của tỉnh Lai Châu rộn ràng đi bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Ngay từ sáng sớm, trên các tuyến phố, phường, đường trung tâm huyện, thành phố hay những nẻo đường ở mỗi bản làng, vùng quê của tỉnh Lai Châu đều náo nức không khí Ngày hội của non sông. Những điểm bầu cử rợp sắc cờ đỏ sao vàng bay phấp phới, băng rôn, khẩu hiệu đỏ rực được treo dọc hai bên cổng, thể hiện sự chuẩn bị chu đáo của địa phương trong ngày bầu cử.
Công tác phòng, chống dịch COVID-19 được chú trọng với quy định, đeo khẩu trang, sử dụng nước sát khuẩn, thực hiện 5K. Các cử tri đều mặc những bộ quần áo đẹp, chỉnh tề, nô nức đến điểm bầu cử để thực hiện quyền công dân của mình.
Cách trung tâm thị trấn huyện Mường Tè (Lai Châu) gần 100km và thành phố Lai Châu gần 300km, ở độ cao 1.300 mét so với mực nước biển, xã biên giới Ka Lăng có dân số hầu hết là đồng bào dân tộc, trong đó dân tộc Hà Nhì chiếm hơn 80%.
Ghi nhận của phóng viên tại tổ bầu cử số 3 ở bản Mé Gióng, xã Ka Lăng, huyện Mường Tè từ 6 giờ 45 phút, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử xã Ka Lăng Hoàng Xì Chừ đã phát biểu khai mạc Ngày Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Tại khu vực bỏ phiếu, tổ bầu cử đã bố trí đầy đủ nước sát khuẩn, khẩu trang, thực hiện giãn cách theo quy định và yêu cầu các cử tri thực hiện đúng thông điệp 5K của Bộ Y tế.
Trên tuyến đường từ các cụm dân cư dẫn về điểm bỏ phiếu số 3, Nhà văn hóa xã Ka Lăng, từng tốp người xúng xính trong bộ trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc để đi bầu cử, nét mặt ai cũng hào hứng, phấn khởi. Là một trong những người bỏ lá phiếu đầu tiên, cử tri Lỳ Gia Mé, gần 40 tuổi, dân tộc Hà Nhì ở bản Mé Gióng, xã Ka Lăng phấn khởi cho biết: "Đã từng đi bầu cử, nhưng mấy hôm nay tôi vẫn háo hức chờ đợi để được cầm lá phiếu lựa chọn những cán bộ tiêu biểu, đủ tài, đức giúp dân bản ấm no."
Cầm phiếu cử tri trên tay, chị Lỳ Pé Nu hào hứng nói: “Từ 5 giờ 30 phút, tôi đã hào hứng cầm lá phiếu đi bầu cử. Thông qua phiếu bầu, tôi hy vọng lựa chọn được những đại biểu ưu tú nhất giúp bà con dân tộc Hà Nhì phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.”
Trong số các cử tri bầu cử lần này, có nhiều cử tri lần đầu tiên tham gia bầu cử, thực hiện quyền công dân của mình, trong đó có các em học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú xã Ka Lăng - ngôi trường trung học phổ thông xa nhất của tỉnh Lai Châu.
Lần đầu tiên được cầm lá phiếu trên tay, em Lò Thị Hương, học sinh lớp 12 Trường Phổ thông dân tộc nội trú xã Ka Lăng xúc động cho hay: "Lần đầu tiên được thực hiện quyền công dân của mình, em mong sẽ lựa chọn được những đại biểu ưu tú nhất, đại diện cho bà con nhân dân xã Ka Lăng nói lên những tâm tư, nguyện vọng, xây dựng Ka Lăng ngày một phát triển hơn nữa."
Ông Phùng Xì Che, Bí thư Đảng ủy xã Ka Lăng, huyện Mường Tè cho biết: Toàn xã có 8 bản với gần 1.600 cử tri, 5 đơn vị bầu cử và 11 tổ bỏ phiếu. Mặc dù ngày bầu cử diễn ra đúng vào dịp bà con bước vào vụ cấy nhưng người dân đã gác lại công việc đồng áng của mình để đi bầu cử đầy đủ.
Đặc biệt, người dân Hà Nhì có phong tục sau một tuần làm việc mệt mỏi, ngày cuối tuần sẽ là ngày để bà con nghỉ ngơi, không đi làm xa. Đây là điều kiện thuận lợi để bà con tham gia bầu cử đạt tỷ lệ cao nhất. Đến 7 giờ, đã có hơn 200 cử tri đến bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tại tổ bầu cử số 3 ở bản Mé Gióng, xã Ka Lăng.
Tại tổ bầu cử số 7 ở Trường Mầm non bản Thăm Pa, xã biên giới Pa Ủ, huyện Mường Tè (Lai Châu) có gần 400 cử tri, trong đó chủ yếu cử tri là đồng bào La Hủ. Trước giờ khai mạc, nơi đây đã có mặt rất đông cử tri háo hức chờ đời thời khắc được cầm lá phiếu bầu trên tay để thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
Ông Lý Phí Giá, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã, Chủ tịch Ủy ban bầu cử xã Pa Ủ cho biết: Kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp lần này, toàn xã có hơn 2.000 cử tri, trong đó có hơn 90% cử tri là đồng bào La Hủ, với 11 tổ bầu cử. Do xã phối hợp với lực lượng biên phòng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, cách Ngày bầu cử 23/5 ba ngày, các tổ bầu cử đã tiến hành họp mặt cử tri tại các bản và 100% cử tri cam kết đi bầu cử đúng, đủ theo quy định.
Để đảm bảo an toàn cho các điểm bầu cử trên địa bàn, các lực lượng biên phòng, công an, dân quân tự vệ cũng đã triển khai các lực lượng thường trực tại các điểm bỏ phiếu từ nhiều ngày qua. Đồng thời, đề phòng mưa lũ xảy ra, giao thông đi lại khó khăn, Ủy ban bầu cử xã Pa Ủ dự kiến sẽ cho vận chuyển các hòm phiếu về trung tâm xã để kiểm phiếu.
Cử tri đồng bào Hà Nhì bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. (Ảnh: Nguyễn Văn Oanh/TTXVN) |
Ông Đặng Thế Hùng, Trưởng phòng Nội vụ huyện Mường Tè cho biết: Đồng bào các dân tộc vùng cao biên giới Mường Tè xem Ngày Bầu cử là Ngày hội của toàn dân. Tuy địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn nhưng trên các nẻo đường, tại các khu vực bỏ phiếu đều được trang hoàng lộng lẫy cờ, băng rôn, khẩu hiệu. Bà con đều nâng cao nhận thức đi bỏ phiếu sớm, mặc chỉnh tề trong bộ trang phục của dân tộc mình.
Toàn tỉnh Lai Châu có hơn 274.200 cử tri, hai đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội, 13 đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh, 58 đơn vị bầu cử Hội đồng Nhân dân cấp huyện và 570 đơn vị bầu cử Hội đồng Nhân dân cấp xã.
Ông Trần Tiến Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh Lai Châu cho biết: Ngay từ rất sớm, cử tri đồng bào dân tộc trên địa bàn diện trang phục đẹp, nô nức tới các điểm bầu cử thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân. Các thành viên của Ủy ban Bầu cử tỉnh Lai Châu đã xuống các tổ bầu cử tại các huyện, thành phố kiểm tra công tác bầu cử để đảm bảo đúng ý nghĩa Ngày Bầu cử-Ngày hội của toàn dân.
Tại Hà Giang, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn là một trong các địa điểm được Đài Truyền hình Việt Nam chọn làm cầu truyền hình trực tiếp cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Đúng 6h sáng 23/5, lãnh đạo Thường trực Huyện ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân huyện Đồng Văn, các cơ quan, đoàn thể, các lực lượng vũ trang và đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số xã Lũng Cú đã có mặt tại Cột cờ Quốc gia Lũng Cú để thực hiện trọng thể nghi thức chào cờ.
Nghi lễ chào cờ tại Cột cờ Quốc gia Lũng Cú là một điểm nhấn trong tuyên truyền về bầu cử. Bởi qua đó, không chỉ truyền tải cho cử tri cả nước hiểu rõ hơn về điểm bầu cử nơi đây mà còn giới thiệu, quảng bá hình ảnh thiên nhiên hùng vĩ, con người ở vùng biên cương cực Bắc của Tổ quốc.
Cùng với cử tri cả nước, sáng 23/5, trên 539.000 cử tri Hà Giang tham gia bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Với nỗ lực chuẩn bị cho cuộc bầu cử của cả hệ thống chính trị, sẵn sàng cho ngày hội non sông trên mảnh đất Hà Giang, Ủy ban bầu cử các cấp đã chỉ đạo, chuẩn bị chu đáo các điều kiện cơ sở vật chất, sẵn sàng các phương án tổ chức để cuộc bầu cử diễn ra thành công tại 1.475 điểm bầu cử trong toàn tỉnh.
Đồng bào dân tộc thiểu số đến các điểm bầu cử. (Ảnh: TTXVN) |
Trước tình hình dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian bầu cử. Tại các điểm bầu cử trong tỉnh, các cử tri đều thực hiện tốt “Thông điệp 5K” đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Tất cả cử tri đi tham gia bỏ phiếu đều phải đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, sát khuẩn, giữ khoảng cách.
Cùng với cử tri toàn tỉnh, lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Bầu cử tỉnh Hà Giang đã tham gia khai mạc, bỏ phiếu bầu tại các điểm.
Theo thông tin từ Ủy ban Bầu cử tỉnh, Hà Giang có hai đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội, được bầu 6 đại biểu Quốc hội trong số 9 người ứng cử; 13 đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Hà Giang khóa XVIII nhiệm kỳ 2021-2026, được bầu 57 đại biểu trong số 92 người ứng cử; 91 đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp huyện, được bầu 370 đại biểu trong số 620 người ứng cử; 1.165 đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã, được bầu 4.054 đại biểu trong số 6.822 người ứng cử.
Là tỉnh miền núi biên giới nằm ở cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang gặp nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, do có đường biên giới dài, có nhiều đường mòn, lối mở tiếp giáp với hai tỉnh của nước bạn Trung Quốc.
Để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, tỉnh Hà Giang thường xuyên duy trì 64 chốt kiểm soát liên ngành trên tuyến biên giới và 17 tổ cơ động gồm cán bộ, chiến sỹ biên phòng, công an, dân quân tự vệ và ngành y tế chốt chặn 24/24 giờ; xây dựng kịch bản để khi có tình trạng công dân xuất, nhập cảnh trái phép được cách ly theo quy định.
Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, đồng thời đảm bảo quyền và nghĩa vụ của những công dân ở các khu cách ly tập trung, Ủy ban bầu cử các địa phương đã đặt các hòm phiếu phụ để các công dân cách ly có thể bỏ phiếu ngay tại chỗ. Khi tiến hành bỏ phiếu đảm bảo nghiêm các biện pháp phòng dịch.