TTO - Từ một doanh nghiệp có thế mạnh trong ngành hạ tầng, Trung Nam đã rẽ hướng sang đầu tư mảng năng lượng tái tạo và đây là một bức ngoặt đưa doanh nghiệp này vươn lên vị trí dẫn đầu trong ngành năng lượng Việt Nam.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Tâm Tiến - tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam - đã chia sẻ chặng đường phát triển của doanh nghiệp cũng như những khó khăn, thách thức khi bước vào mảng năng lượng. Đồng thời, những triết lý trong việc lèo lái con thuyền doanh nghiệp cũng được vị tổng giám đốc của Trung Nam trải lòng sau 17 năm gầy dựng doanh nghiệp để bước ra biển lớn.
Ông Nguyễn Tâm Tiến chia sẻ về quá trình xây dựng dự án điện gió Trung Nam
*Vì sao từ một doanh nghiệp chuyên đầu tư các dự án hạ tầng, chỉ mới tham gia mảng năng lượng bằng các dự án thủy điện nhưng Trung Nam lại "bẻ lái" sang phát triển rất nhanh về năng lượng tái tạo?
Cơ hội về năng lượng tái tạo là Chính phủ cho cơ chế, tiềm năng của đất nước này cho chúng ta để phát triển.
Cách đây khoảng 4-5 năm, nhu cầu về hạ tầng, đường cao tốc rất lớn, lúc đó có nhiều vấn đề về BOT, thu phí... nói chung là "hot" về hạ tầng và chúng tôi cũng là doanh nghiệp kéo theo "dòng đời" kinh doanh như thế.
Chúng tôi nhìn ta công nghệ của thế giới là hướng đến ngành năng lượng, lúc đó chúng tôi cũng đang sở hữu, vận hành 3 nhà máy thủy điện, do đó Trung Nam đặt mũi nhọn là ngành năng lượng.
Thời điểm ấy, Chính phủ ra cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo bằng quyết định 39 về điện gió và quyết định 11 về điện mặt trời với mức giá ưu đãi. Chúng tôi tính toán có hiệu quả nên quyết định đầu tư, song phải nhìn nhận là chúng tôi thể hiện sự nghiêm túc trong đầu tư.
Khi đó xin dự án, địa phương cho và Chính phủ đồng ý, sau đó là mình làm liền, có ngay sản phẩm. Từ đó, địa phương cũng như Bộ Công thương, Chính phủ thấy được người thật, việc thật.
Xin cũng không quá khó khăn, điều quan trọng là biết lượng sức mình như thế nào thôi. Dù là một trong nhiều nhà đầu tư nhưng may mắn mình có các lợi thế là làm nhanh, dân ủng hộ, địa phương, ngân hàng ủng hộ, dẫn đến chuỗi dự án của chúng tôi hình thành một cách nghiêm túc.
*Thường các doanh nghiệp sẽ bắt đầu từ những dự án nhỏ đến dự án lớn, song ông lại chọn xây dựng những dự án quy mô lớn trước, sao ông lại chọn hướng đi này?
Chúng tôi nhìn nhận những dự án có quy mô lớn sẽ hiệu quả, song lớn quá sẽ vượt tầm của mình, còn nhỏ quá thì công sức dồn vào đó sẽ không xứng. Do đó, chúng tôi phải làm những dự án tương đối lớn, mang lại hiệu quả cho cả một tập thể.
Đồng thời, chúng tôi có lực lượng lao động kỹ thuật, có tâm huyết, có sức trẻ và con người là nền tảng giá trị để xây dựng nên doanh nghiệp. Còn quan điểm của chúng tôi là thiếu tiền phải đi vay.
Chúng tôi được như hôm nay là do con người mà ra. Do đó, về chủ quan là con người của doanh nghiệp, còn khách quan là chúng tôi đi thuyết phục các địa phương để làm các dự án như thế, lãnh đạo các địa phương nhìn ra được vấn đề, thấy có niềm tin và đồng ý.
Vì thế, các dự án của chúng tôi đều trên 150 MW và làm rất nhanh. Khi xin dự án 450 MW cộng với trạm biến áp, đường dây, không ai tin chúng tôi làm được, sẽ không bao giờ đóng điện được trước tháng 12-2020 nhưng cuối cùng rất nhiều người bất ngờ chúng tôi đã đóng điện trước 1-10. Đó là một kỳ tích, nỗ lực của cả tập thể và sự ủng hộ của chính quyền địa phương cũng như người dân.
*Việc hoàn thành sớm dự án nhà máy điện mặt trời 450 MW cộng với trạm biến áp, đường dây 500 kV được ông đánh giá là một kỳ tích, điều gì đã giúp Trung Nam tạo nên được kỳ tích này?
Thực ra các doanh nghiệp tư nhân họ mạnh dạn hơn, họ chịu trách nhiệm với tài sản và quyết định của họ. Nói thẳng là nhà máy điện mặt trời 450 MW cộng với trạm biến áp, đường dây 500 kV hoàn thành trong 102 ngày là nói phiếm.
Sự can đảm của doanh nghiệp nằm ở chỗ trước đó chúng tôi đã đi đặt các thiết bị, nó sẽ xảy ra 2 trường hợp: nếu Chính phủ không đồng ý thì phải ôm hàng trong kho để chờ kiếm một dự án khác hoặc thanh lý, thiệt hại sẽ thuộc về doanh nghiệp tư nhân. Còn với doanh nghiệp nhà nước, không ai dám làm chuyện đó bởi nếu có chuyện gì họ sẽ đi tù ngay.
May mắn là Chính phủ đồng ý, sau đó chúng tôi mở chiến dịch 102 ngày đêm để làm. Nói thẳng là trước đó đã có sự chuẩn bị, còn chờ tới lúc Chính phủ đồng ý mới vắt chân lên chạy thì có thánh cũng làm không kịp. Cái nỗ lực ở đây là sự can đảm nhìn thấy cơ hội và sự liều.
Hơn nhau ở chỗ anh có can đảm không, anh có gan không? Nhưng can đảm, gan mà không thấy được lối ra sẽ là điều tệ hại. Điều quan trọng chúng tôi thấy lối ra. Tất nhiên, trên đời này ai có thể nói điều gì cũng 100%, đôi khi 1% cũng khiến chúng ta mệt rồi.
May mắn mọi thứ đều đi theo xu thế như chúng tôi mong muốn. Thời điểm đó, chúng ta đang kẹt đường dây truyền tải. Chúng tôi biết Chính phủ và chính quyền phải có giải pháp cứu các nhà đầu tư về điện tái tạo ở vùng Ninh Thuận, Bình Thuận.
Do đó, có đến 85 dự án phải đẩy lên đường truyền tải 500 kV mà chúng tôi làm, từ đây chúng tôi thấy rằng làm gì thì làm nhưng tư nhân bỏ tiền thì Chính phủ không thể nào không cho và Chính phủ cho thì 85 nhà máy đó được hưởng. Sau khi được Chính phủ cho, chúng tôi làm đến bây giờ không gặp vấn đề gì.
Lúc đầu nhiều người nghi ngờ tư nhân, nhưng thực tiễn cho thấy tư nhân làm cũng tốt như thế, thậm chí họ làm nhanh hơn bởi chúng tôi có thể giải quyết nhanh, tự chịu trách nhiệm so với các đơn vị nhà nước.
Nói thêm về sự liều, thời điểm này năm ngoái tôi ký hợp đồng gần 100 triệu USD để mua cần cẩu, nhiều người nói tôi "khùng". Nhưng đến thời điểm này người ta phải nhìn nhận tôi là người tỉnh táo nhất bởi thị trường cẩu để lắp điện gió không có, thuê không ra, người ta đang xếp hàng để thuê chúng tôi làm.
Nếu không có số lượng cả 100 cây cẩu đó thì chúng tôi bây giờ cũng đầu hàng. Bây giờ nước ngoài họ cho thuê cẩu với giá gấp 10 lần ngày thường nhưng thuê không ra nữa.
*Làm sao để ông có thể thúc bộ máy cả ngàn người có thể cuốn vào "vòng xoáy" và nhịp độ nhanh để chạy tiến độ các dự án?
Tôi ví von thế này, một cô gái được cha mẹ nuôi nấng, khi còn nhỏ luôn miệng nói "con không bao giờ lấy chồng để ở với bố mẹ". Song khi lớn lên, đã trưởng thành, suy nghĩ chín chắn hơn và thấy mình phải cần một "nửa kia" và lấy chồng, tách hẳn với bố mẹ song vẫn thương yêu bố mẹ.
Với Trung Nam cũng vậy, chúng tôi nhìn nhận vấn đề cốt lõi là ở con người, chúng tôi không hô hào khẩu hiệu, vấn đề là mang giá trị gì cho những người đồng hành và họ mang lại giá trị gì cho chúng tôi. Nếu không mang giá trị cho nhau thì không bao giờ có sự kết dính và chúng tôi điều hành theo hình tháp, tôi điều hành tốp giữa, tốp giữa điều hành tốp dưới chứ không thể nào tôi điều hành tất cả.
Nguyên tắc đầu tiên là tôn trọng, phải tin và mang lại giá trị cho người lao động, trong đó có thu nhập, cho người ta có cuộc sống tốt để gắn bó với mình. Do đó, dù có những doanh nghiệp trả lương cao hơn nhưng những người đã gắn bó, đã vì tình thân thì họ chịu ở lại với Trung Nam, đồng hành với sự phát triển của công ty.
Bên cạnh đó, làm sao phải kết nối với những người tài lại với nhau, kết nối để họ làm, kích thích tinh thần tích cực để họ sáng tạo. Tôi có những cộng sự làm từ 1992 đến nay vẫn đồng hành. Với chúng tôi, nhân viên vẫn là đối tác, chúng tôi coi trọng trí tuệ và sức lao động của họ.
*Từ một Trung Nam khởi thủy với quy mô khiêm tốn, bây giờ chèo lái con thuyền Trung Nam quy mô lớn, ông có gặp áp lực gì không?
Người ta nhìn vào dư nợ vay của Trung Nam và hỏi tôi có lo không? Tôi lo chứ! Nhưng không có gì phải áp lực vì khi vay một dự án phải đảm bảo tài sản ngân hàng mới cho vay. Họ phải thấy được dòng tiền, đầu ra và đảm bảo trong quá trình đầu tư, đồng thời khi cho vay họ phải yêu cầu thế chấp tài sản khác...
Do đó, điều chúng tôi lo là phải làm sao vận hành nhà máy tốt, đảm bảo an toàn. Nói chung, thuyền lớn thì sóng lớn, ra biển lớn thì phải biết cách lèo lái con thuyền đương đầu với bão táp hơn so với một ông chạy gần bờ.
Có những người muốn an phận sáng đi chiều về để nhận lương, còn có những người sẵn sàng vùng vẫy, dám đối diện với những áp lực. Nên tôi là tổng giám đốc nhưng thường xuyên ra lăn lộn với kỹ sư công trường để anh em thấy tinh thần của mình.
*Vậy những lúc gặp "sóng to gió lớn", làm sao ông có thể hóa giả những khó khăn của doanh nghiệp để tiếp tục lèo lái bộ máy vận hành?
Đầu tiên, mọi thứ phải thật sự bình tĩnh. Hãy nghĩ rằng chúng ta đi qua một nghĩa địa mà run thì chúng ta đi không được, hai chân đá nhau, nhưng khi bình tĩnh lại, suy nghĩ rằng việc gì tới cũng tới rồi nên phải bình tĩnh để suy nghĩ để đi xuyên qua nó.
Thứ hai, phải dám đối đầu, vượt qua khó khăn đó. Như ai cũng trải qua kỳ thi đại học, khi chúng ta nghĩ rằng quá áp lực, quá nhiều bài vở và cứ mãi ngủ nướng lại càng mệt.
Nhưng chúng ta dám vùng dậy, bước ra đi tắm và đối diện với nó thì chúng ta sẽ giải quyết xong thấy nhẹ người. Do đó, cách xử lý vấn đề của tôi là sẵn sàng đối diện, bình tĩnh gỡ từng vấn đề, ráng làm và nếu làm được rồi không hống hách.
Ví dụ như bây giờ người ta hỏi tôi rằng làm được đường dây 500 kV là hơn hẳn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nhưng tôi trả lời EVN họ to như cái núi, họ làm bao nhiêu năm nay trải dài cả đất nước, còn chúng tôi chỉ làm 21 km, do đó tôi không bằng họ được. Chúng tôi phải đi học hỏi EVN từng ngày.
Nhưng tôi chỉ hơn họ một điều mà kể cả tôi đã trao đổi với lãnh đạo EVN thì họ cũng thừa nhận, là chúng tôi quyết nhanh. Còn họ, vì cơ chế nên cả một hệ thống phải xin ý kiến. Triết lý của tôi là phải bình tĩnh khi ra sóng lớn và phải tìm cái thế của mình để "thuyền lên nước lên".
Một mình Trung Nam cũng không thể làm được gì đâu hoặc chỉ làm được trong cái ao nhỏ bé. Điều này cũng lý giải vì sao chúng tôi lại tiếp tục đầu tư vào sản xuất bo mạch điện tử để ăn theo các thương hiệu nổi tiếng, còn nếu kêu chúng tôi sản xuất tivi là chúng tôi từ chối liền.
Chúng tôi đi sản xuất tốt những bo mạch trong tivi cho họ, làm thật tốt để họ bán tivi nhiều thì sẽ đặt hàng chúng tôi nhiều. Họ bán tivi có thể lời 100 đồng, tôi lời 10 xu nhưng chúng tôi làm cho 100 ông như thế. Triết lý của tôi thì khi chúng tôi còn yếu thì phải thuyền lên nước lên, khi nhìn ra nước ngoài thì chúng tôi còn quá nhỏ.
*Với một thương hiệu của Trung Nam hiện tại và nhân hiệu của cá nhân ông, ông muốn người ta đánh giá thế nào về cả thương hiệu lẫn nhân hiệu?
Tôi muốn người ta nhìn vào Trung Nam là người thực, việc thực, nói được làm được. Đối với tôi, tài chính là vô tận, nếu không có tiền thì đi thuyết phục để đi vay.
Song không thể thiếu giá trị, thiếu tâm huyết và thiếu cái nhìn về con người bởi nguồn lực con người là nguồn lực tạo nên doanh nghiệp. Thiếu máy móc, công nghệ thì phải đi mua, thiếu tiền là vay nhưng con người là phải gầy dựng để tạo nên một Trung Nam bây giờ.