Giảng viên Trường ĐH Văn Lang dạy trực tuyến tại trường - Ảnh: TRÀ MY
Từ giữa tháng 5-2021, các trường đại học tại TP.HCM ngừng giảng dạy trực tiếp tại trường, chuyển sang dạy trực tuyến để phòng chống dịch COVID-19. Sinh viên thắc mắc vì sao dạy trực tuyến nhưng trường không giảm học phí?
Học phí không thay đổi
Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) thông báo tạm ngưng các hoạt động dạy - học lý thuyết, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và các hoạt động sinh hoạt ngoại khóa từ ngày 17-5. Từ 31-5, trường chuyển sang dạy học trực tuyến. Học phí không thay đổi so với học phí sinh viên đã đóng (học trực tiếp tại trường).
Đây là lần đầu tiên trường áp dụng phương pháp dạy học trực tuyến. Rất nhiều sinh viên băn khoăn về việc trường trả lời không giảm học phí khi chuyển qua học trực tuyến.
Một sinh viên cho biết khi học trực tuyến, sinh viên hoàn toàn không sử dụng cơ sở vật chất, điện nước cũng như trang thiết bị học tập. Sinh viên đặt vấn đề như vậy trường đã tiết kiệm một khoản chi phí so với khi tổ chức lớp học trực tiếp, vì sao khoản này không giảm cho sinh viên?
Một sinh viên khác cho biết vì nhà trọ không có Internet nên khi học trực tuyến buộc phải dùng 4G. "Học như vậy rất tốn dung lượng, sinh viên phải tốn thêm một khoản phí. Trong khi đó sinh viên không sử dụng cơ sở vật chất của trường, không xài máy lạnh của trường... nhưng trường không giảm học phí là điều vô lý" - sinh viên này nói.
Đây cũng là tâm tư của sinh viên nhiều trường đại học khác như Văn Lang, Hoa Sen, Hồng Bàng, Sư phạm kỹ thuật TP.HCM…
Một sinh viên Trường ĐH Văn Lang ý kiến: Dịch COVID-19 khiến nhiều gia đình gặp khó khăn. Chưa biết khi nào mới có thể đi học trở lại. Hơn nữa, học trực tuyến chất lượng không đảm bảo như học trực tiếp. Do đó, trường nên xem xét giảm học phí cho sinh viên như đã từng làm năm 2020.
"Dạy trực tuyến chi phí cao hơn"
Ông Nguyễn Quốc Anh - phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM - cho biết năm 2020, một số sinh viên sắp tốt nghiệp nhưng trường không dạy trực tuyến khiến các bạn bị trễ tiến độ. Do đó năm nay trường tổ chức dạy trực tuyến để thêm một hình thức lựa chọn cho sinh viên. Những bạn không đủ điều kiện, ở quê có thể xin bảo lưu, trường chuyển các môn học này vào kỳ sau.
"Dạy trực tuyến nhưng giảng viên vẫn phải lên lớp, sử dụng cơ sở vật chất. Hơn nữa trường cũng phải đầu tư hạ tầng mạng, đường truyền để đảm bảo dạy học đạt kết quả. Do đó, trường không giảm học phí" - ông Quốc Anh giải thích thêm.
Lý giải việc năm 2020 giảm học phí nhưng năm nay lại không, ông Hoàng Hữu Dũng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành - cho biết do năm nay trường đã chủ động, xây dựng được bài giảng các môn học hoàn chỉnh, không bị động như năm 2020.
"Năm rồi trường mới chuẩn bị được một số bài giảng nên giảm học phí cho những môn trường chưa chuẩn bị kịp. Năm nay trường đã có đủ bài giảng online để dạy học nên không giảm học phí" - ông Dũng thông tin.
Cũng theo ông Dũng, chi phí thực hiện một video bài giảng rất tốn kém, có khi lên đến cả trăm triệu đồng từ việc soạn bài giảng, tổ trường quay, nhân sự thực hiện, dựng phim…
"Những trường chuyên về dạy trực tuyến, họ có cơ sở dữ liệu và sử dụng được nhiều lần ở nhiều chương trình đào tạo nên chi phí rẻ. Trường đầu tư nhiều nhưng chỉ khi có dịch mới sử dụng nên chi phí cao" - ông Dũng nói thêm.
Nhiều trường khác cho rằng phần lớn thời gian học kỳ sinh viên đã học trực tiếp, chỉ có vài tuần học trực tuyến nên không giảm học phí.
"Nếu dịch kéo dài, học kỳ hè vẫn phải dạy trực tuyến, khi đó trường sẽ xem xét giảm học phí" - ông Nguyễn Xuân Hoàn, hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho hay.
Tương tự, ông Nguyễn Trường Thịnh - phụ trách Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - cho biết do học kỳ 2 đã gần kết thúc nên trường không có kế hoạch giảm học phí. Nếu học kỳ hè vẫn phải học trực tuyến, hội đồng trường sẽ xem xét giảm học phí cho sinh viên.
Năm 2020: Nhiều trường giảm học phí trực tuyến từ 5-25%
Năm 2020, nhiều trường đã giảm 5-25% học phí học trực tuyến cho sinh viên như ĐH Công nghệ thực phẩm TP.HCM, ĐH Văn Lang, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Văn Hiến, ĐH Hoa Sen, ĐH Hồng Bàng, ĐH Công nghệ Sài Gòn, ĐH Ngoại ngữ tin học TP.HCM, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM)…
Không nên giảm cào bằng
PGS.TS Đỗ Văn Dũng - nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - cho biết năm 2020, việc giảm 8% học phí khiến nguồn thu của trường giảm khoảng 40 tỉ đồng. Tuy nhiên ông cũng cho rằng mức giảm cào bằng cho tất cả sinh viên như vậy là chưa hợp lý. Có những sinh viên thực sự rất khó khăn, thay vì cào bằng có thể miễn 100% học phí cho sinh viên khó khăn sẽ tốt hơn.
Nói về việc các trường không giảm học phí khi học trực tuyến năm nay, ông Dũng cho rằng sinh viên đã học trực tiếp 2/3 thời gian, chỉ học online vài tuần nên các trường không giảm học phí là hợp lý.
Học phí là nghĩa vụ là ngân sách nhà nước giao cho trường thu, chủ yếu để chi lương cho cán bộ giảng viên, đầu tư cơ sở vật chất. Trong đó, phần cho giảng dạy lý thuyết chỉ chiếm khoảng 18%.
TTO - 'Tôi là Vũ Ánh Dương - giảng viên ngành truyền thông đa phương tiện lớp mình đây. Cái môn mà chúng ta gặp nhau một buổi chiều thứ ba ngày 7-1 rồi không gặp nhau nữa, lâu lắc lâu lơ từ ấy đến bây giờ'.
Xem thêm: mth.72804421142501202-oas-iv-neyut-curt-coh-ihc-ihk-ihp-coh-maig-gnohk-coh-iad-gnourt-cac/nv.ertiout