Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên - Ảnh: Bộ Ngoại giao Trung Quốc
Ngày 24-5, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, phóng viên Hãng tin Bloomberg đặt câu hỏi: "Ông có thể xác nhận thông tin 3 người từ Viện Virus học Vũ Hán (WIV) đã bị bệnh vào tháng 11-2019 đến mức nhập viện hay không? Liệu chi tiết đó là sự thật?".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên trả lời: "Thông tin mà bạn đề cập về việc 3 người tại Viện Virus học Vũ Hán bị bệnh là hoàn toàn sai sự thật".
Ông Triệu dẫn lại một tuyên bố hôm 23-3 từ Viện Virus học Vũ Hán của Trung Quốc cho biết viện này đã không phơi nhiễm với COVID-19 trước ngày 30-12-2019 và không có nhân viên nào ở viện mắc COVID-19.
Trước đó, ngày 23-5, báo Wall Street Journal (Mỹ) dẫn một báo cáo tình báo chưa được công bố của Mỹ cho biết 3 nhà nghiên cứu từ Viện Virus học Vũ Hán từng đến bệnh viện để chăm sóc y tế vào tháng 11-2019 - tức chỉ một tháng trước khi Trung Quốc chính thức công bố ghi nhận các ca COVID-19 đầu tiên.
Báo cáo này đã cung cấp những chi tiết mới về "số nhà nghiên cứu bị ảnh hưởng, thời gian bị bệnh và chuyện đến bệnh viện khám". Báo Wall Street Journal nói rằng báo cáo này có thể làm tăng thêm sức nặng cho những lời kêu gọi về việc tiến hành một cuộc điều tra rộng hơn về khả năng COVID-19 thoát ra từ phòng thí nghiệm.
Viện Virus học Vũ Hán ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào ngày 17-4-2020 - Ảnh: AFP
Vào cuối nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump, Bộ Ngoại giao Mỹ từng đăng trên trang web của bộ một tệp thông tin với tiêu đề "Hoạt động tại Viện Virus học Vũ Hán", trong đó viết: "Chính phủ Mỹ có lý do để tin rằng một vài nhà nghiên cứu bên trong Viện Virus học Vũ Hán đã bị bệnh vào mùa thu năm 2019, trước khi ca nhiễm đầu tiên được nhận diện, với các triệu chứng giống cả COVID-19 và những bệnh theo mùa thông thường".
Tuy nhiên, ngày 24-5, ông Triệu Lập Kiên nhắc lại hồi cuối tháng 1 và đầu tháng 2-2021, nhóm điều tra do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dẫn đầu đã tới Viện Virus học Vũ Hán và nhiều cơ sở khác ở Trung Quốc. Và họ đã nhất trí rằng khả năng rò rỉ virus từ phòng thí nghiệm cực kỳ khó xảy ra.
Ông Triệu còn nói rằng "ngày càng có nhiều báo cáo cho biết COVID-19 đã được phát hiện sớm ở nhiều nơi khắp thế giới vào nửa cuối năm 2019, và cộng đồng quốc tế cực kỳ quan ngại về những nghi ngờ xoay quanh phòng thí nghiệm sinh học ở Fort Detrick (bang Maryland của Mỹ) và ý định thật sự của Mỹ khi lập hơn 200 phòng thí nghiệm sinh học ở nước ngoài".
TTO - Một con ngựa được tin là có thể "xua đuổi COVID-19" đã được đưa tới ngôi làng Mastmaradi ở tây nam Ấn Độ. Xem cái chết của con ngựa là điềm gở, dân làng đã tụ tập tổ chức tang lễ cho nó, với hàng trăm người dự.