Trong tập 4 của chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 4, khán giả đã được chứng kiến màn “mặc cả” giằng co từng phần trăm cổ phần giữa Shark Việt và founder Công ty Cổ phần Y học tái sinh Việt Nhật (JVM).
JVM là đại diện độc quyền cho một đơn vị phòng khám (clinic) ở Nhật Bản chuyên về công nghệ y học tái sinh. Đây là công nghệ y học mới, đã được áp dụng tại Nhật Bản, đồng thời thành tựu của liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư cũng đã được thế giới công nhận qua giải Nobel y học năm 2018.
Ông Đinh Ngọc Hải là founder kiêm Tổng Giám đốc của JVM, muốn kêu gọi 20 tỷ đồng cho 30% cổ phần, nhằm mục đích mở một cơ sở tại Tp.HCM.
Do hoạt động trong lĩnh vực khá đặc thù và phức tạp nên trong 5 “cá mập”, chỉ có duy nhất Shark Việt hứng thú và ngỏ ý muốn đầu tư. Tuy nhiên, ông chủ Bệnh viện Phương Đông muốn sở hữu 50% cổ phần thay vì con số 30%, lý do bởi góp vào vốn điều lệ nên phải được coi như một founder “đến muộn”.
Ông Đinh Ngọc Hải gọi vốn online từ Nhật Bản.
"Anh mới góp có 10 tỷ, tôi góp 20 tỷ mà được có 30% thì không công bằng lắm", Shark Việt kỳ kèo.
Tuy nhiên, điều này dường như không làm ảnh hưởng đến tâm lý của founder. Ông Hải thẳng thắn thể hiện quan điểm không thích "mặc cả" của mình:
"Tôi ở Nhật hai mươi mấy năm rồi, kinh doanh cũng 15 năm nay. Đầu óc có vẻ hơi giống Nhật một chút, khi đưa ra một offer thì đã cân nhắc tương đối kỹ chứ không có muốn đàm phán, nâng lên đặt xuống. Đó không phải phong cách của tôi"
Không chỉ vậy, dù Shark Việt “năm lần bảy lượt” dùng chiêu mặc cả, đánh đòn tâm lý nhưng founder Lê Ngọc Hải vẫn tỏ ra rất “rắn” và kiên định. Nếu như Shark Việt đã phải hạ đề xuất tỷ lệ sở hữu từ 50% xuống 40%, rồi 35% nhưng vị founder chỉ chịu điều chỉnh 2-3%.
Thậm chí, ông Ngọc Hải còn hét giá “một bước lên trời” khi đòi thêm 10 tỷ đồng cho 2% cổ phần tăng thêm, tương đương với mức đề nghị 30 tỷ đồng cho 35%. Cuối cùng đến khi chốt deal, Shark Việt còn “hụt” mất 1% cổ phần và chấp nhận đầu tư 20 tỷ đồng cho 32%.
Thái độ cứng rắn và khả năng đàm phán của nhà sáng lập Đinh Ngọc Hải đã khiến nhiều khán giả ấn tượng, điều mà không phải startup nào cũng làm được. Thực tế, founder Công ty JVM vốn không phải là một doanh nhân non trẻ mới lập nghiệp mà đã có 15 năm kinh doanh.
Ông Đinh Ngọc Hải có học vấn Thạc sĩ và Tiến sĩ tại trường Đại học Saitama, Nhật Bản. Vị doanh nhân này đã sinh sống và làm việc ở Nhật Bản hơn 20 năm. Ông cũng tham gia nhiều hoạt động xã hội tại Nhật như là Sáng lập viên Câu lạc bộ Rotary quốc tế Yuai tại Tokyo và từng giữ chức Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản.
Trước khi thành lập Công ty Cổ phần Y học tái sinh Việt Nhật (JVM), ông Hải đã sáng lập công ty Công ty Cổ phần Quốc tế Việt Nam Nhật Bản (JVI) vào năm 2014. Lĩnh vực hoạt động của hai doanh nghiệp này khá tương đồng.
JVI chú trọng tập trung phát triển lĩnh vực dịch vụ y tế Nhật Bản, với mục tiêu hỗ trợ người Việt Nam tiếp cận các dịch vụ y tế cao cấp của Nhật Bản, thông qua việc đưa các khách hàng Việt Nam qua nước bạn khám chữa bệnh. Công ty này đã ký kết hợp tác với nhiều bệnh viện lớn như Bệnh viện Quốc tế Kobe, Bệnh viện Shonan Kamukura, Bệnh viện Toshiba,...
Ngoài việc cung cấp dịch vụ y tế cao cấp Nhật Bản cho khách hàng Việt Nam, JVI cũng triển khai các dự án chuyển giao công nghệ y tế tiên tiến của Nhật Bản về Việt Nam, tập trung vào trị liệu tế bào gốc,...
Với cương vị Chủ tịch JVI, ông Hải từng là một trong các doanh nhân Việt tại Nhật Bản vinh dự cùng nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính – Ông Đinh Tiến Dũng tham gia Hội nghị Thượng đỉnh G20 và thăm chính thức Nhật Bản.
Ông Đinh Ngọc Hải từng tham gia nhiều hội thảo, hội nghị với các lãnh đạo ban ngành.
“Chính nhờ sự am hiểu về văn hóa, kinh tế xã hội hai nước, cùng mối quan hệ với các tổ chức chính phủ, cơ quan nhà nước, JVI đã hỗ trợ xúc tiến hợp tác, hỗ trợ đầu tư cho nhiều doanh nghiệp, tổ chức giữa Việt Nam và Nhật Bản. Trong đó phải kể đến việc tổ chức thành công Diễn đàn hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nhật, Hội chợ hàng tiêu dùng Nhật Bản tại Việt Nam, cũng như kết nối nhiều cuộc gặp gỡ hợp tác giữa Tỉnh Cà mau và Tỉnh Ibaraki, giữa Bộ trưởng Bộ tài chính Đinh Tiến Dũng và Ngài Takebe Tsutomu, Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ Nhật Việt”, JVI giới thiệu trên website của mình.
Hoàng Thùy
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị