Người giúp việc Myanmar tập nấu ăn món Việt - Ảnh LÊ NAM
Hơn tháng nữa, cô giúp việc hết hợp đồng hai năm làm việc với gia đình tôi. Theo quy định, tôi sẽ mua vé máy bay để cô về nước dù cô có muốn làm việc nữa hay không. Nhưng tình hình Myanmar đảo lộn, COVID-19 khiến đường về của cô đầy trắc trở.
Sau 4 tháng làm việc với chúng tôi, Zar Chi (cô giúp việc người Myanmar) bỗng biểu hiện khác lạ. Cô báo vợ tôi là cô không hành kinh và cho biết cũng hỏi mẹ từng đi giúp việc ở Singapore. Bà ta từng rơi vào tình trạng này vài tháng, vì tâm lý lần đầu rời khỏi làng, đến nơi lạ lẫm như Singapore nên quá lo lắng đến... tắc kinh!
Khi osin dính... bầu
Ngay hôm sau, vợ tôi đưa cô đến bệnh viện phụ sản khám thì nghe bác sĩ báo cô có thai. "Ơ, sao lại có thai?", vợ tôi đang lùng bùng thì Zar Chi hoảng hốt, khóc thét lên đến nỗi bác sĩ cũng không hiểu đầu cua tai nheo thế nào. Sau đó, Zar Chi bảo: "Xin đừng báo cho chồng tôi biết". Chúng tôi lại càng hoang mang.
Mãi sau, Zar Chi mới tâm sự cô và chồng đã có đứa con gái 7 tuổi, cuộc sống khó khăn họ quyết định không sinh thêm con. Cô quyết đi Singapore làm giúp việc liền một mạch 4 năm không về, thay vì cứ 2 năm về nước 1 lần, với mục tiêu dành tiền mua đất cất nhà và có thêm chút tiền dành dụm. Sát ngày đi, cô đã gần gũi chồng.
Hồ sơ công ty môi giới cho biết Zar Chi vượt qua các cuộc xét nghiệm ở Myanmar vào 19-12-2019, sau đó đến Singapore lại đạt các chỉ tiêu xét nghiệm của Singapore vào ngày 30-12-2019... Đến ngày 1-6-2020, bệnh viện ở Singapore cho biết cô đang có thai bé trai.
Sau khi biết mình có thai, cô xin chúng tôi ở lại làm việc đến tháng thứ 8 để cố dành dụm thêm chút tiền, nhưng quy định của Singapore khi người giúp việc có thai buộc phải rời khỏi Singapore trong thời gian sớm nhất.
Chúng tôi thu xếp cho Zar Chi về vì sợ thai lớn quá, hãng hàng không từ chối vận chuyển thì việc kẹt lại Singapore còn căng thẳng hơn. Ngày đưa Zar Chi ra sân bay, chúng tôi gửi cô tiền lương và một ít tiền hỗ trợ...
Ngày nghỉ của Soe Soe (bìa phải) vui vẻ cùng bạn bè làm nghề giúp việc ở Singapore - Ảnh: LÊ NAM
Như "đấu giá" người giúp việc
COVID-19 khiến nhiều quy định ở Singapore thay đổi nhanh, các quy định liên quan người giúp việc cũng không ngoại lệ. Kết thúc 2 năm làm việc đầu tiên, vợ chồng bạn tôi cho cô giúp việc người Indonesia về nước thăm gia đình, nhưng rồi không thể quay lại được nữa.
Toàn bộ quá trình làm hồ sơ online, đến đoạn cuối quy trình để kết thúc thì MOM (Bộ Nhân lực) thông báo do diễn biến COVID-19, hạn chế nhập cảnh đặc biệt từ các quốc gia có dịch. Từ nay, MOM chỉ ưu tiên xét duyệt các trường hợp cần người giúp việc của công dân Singapore và thường trú nhân...
Do nhu cầu sử dụng người giúp việc vẫn vậy, thậm chí tăng vì số người làm việc tại nhà nhiều hơn mà lượng người giúp việc được phép làm việc ở Singapore có hạn, nên lương và chi phí môi giới đã thay đổi nhanh chóng.
Một cô bạn của tôi kể rất ưng một cô giúp việc có kinh nghiệm 12 năm ở Singapore và đồng ý mức lương 900 SGD/tháng (khoảng 15,6 triệu đồng), chưa kể các chi phí khác như lệ phí trả mỗi tháng cho chính phủ cho việc thuê mướn giúp việc từ 300-450 SGD/tháng tùy theo kinh nghiệm của người giúp việc, chi phí bảo hiểm, phí môi giới...
Ngày hôm sau, chính cô giúp việc nọ báo có người đồng ý trả 950 SGD/tháng, cô bạn tôi nâng lên thì bên kia cũng tiếp tục nâng lên như... đấu giá người giúp việc. Cuối cùng, cô bạn tôi phải đầu hàng.
Bạn tôi phải chọn cô giúp việc khác chỉ có 2 năm kinh nghiệm với mức lương 750 SGD/tháng (khoảng 13 triệu đồng). Thông thường, công ty môi giới sẽ lấy từ 5-6 tháng lương của người giúp việc như là chi phí môi giới.
Tuy nhiên, năm 2020, luật mới được Chính phủ Indonesia thông qua, khoản tiền này người sử dụng lao động phải trả cho công ty môi giới chứ không được phép trừ lương người giúp việc. Và quy định này khiến chủ sử dụng lao động phải mất thêm chừng 3.000 SGD để thuê người giúp việc Indonesia.
Soe Soe làm bánh cùng các con chủ nhà - Ảnh: LÊ NAM
Chủ và người giúp việc đều phải học
Theo quy định của Singapore, kể cả công dân đảo quốc này cho đến những người nước ngoài được phép cư trú và làm việc ở đây, không phải ai cũng có thể thuê người giúp việc nước ngoài. Người sử dụng lao động, phải trên 18 tuổi, không phá sản, có năng lực hành vi dân sự... mới đủ tư cách là người sử dụng lao động.
Với người lần đầu tiên sử dụng giúp việc phải đăng ký khóa học (online bằng tiếng Anh, Hoa, Malay và Tamil) hướng dẫn cho chủ sử dụng lao động do MOM tổ chức, phải thi và được cấp chứng chỉ mới đủ điều kiện để yêu cầu công ty môi giới tìm người giúp việc.
Khóa học này khá nhân văn, nó cung cấp những cách thức giao tiếp và chia sẻ khó khăn với họ với tiêu chí "thông cảm và kiên nhẫn".
Khóa học nhắc chúng tôi rằng họ phần lớn đều xuất phát từ làng quê với cách hành xử nông thôn, nhiều người giúp việc thậm chí chưa bao giờ nhìn thấy những tòa nhà cao tầng và càng không có cơ hội sinh hoạt trong những tòa nhà này, vì vậy thái độ và cách hành xử của họ cần được thông cảm, nhẫn nhịn.
Họ cũng là con người, cũng có người thân, nhiều người phải xa chồng con để đi làm nên chúng tôi được nhắc nhở tạo điều kiện để họ thường xuyên liên lạc với người nhà. Họ cũng cần nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, nên đảm bảo để họ có ít nhất 8 tiếng nghỉ ngơi trong một chỗ nghỉ cố định và riêng tư.
Khóa học cũng phân định trách nhiệm của người chủ sử dụng lao động: chủ phải đảm bảo chỗ ở riêng tư, nghỉ ngơi tối thiểu, không được đánh đập, hành hạ vô nhân đạo. Mỗi 6 tháng phải đưa người giúp việc đi kiểm tra y tế ở cơ sở y tế có đăng ký và được Chính phủ Singapore cấp phép, phải mua bảo hiểm, vé máy bay cho họ về nước...
Nếu vi phạm sẽ có những biện pháp xử phạt, từ tước giấy phép sử dụng lao động, phạt tiền, phạt tù...
Hồi chúng tôi thuê cô Soe Soe (người giúp việc sau), công ty môi giới mua giúp chúng tôi bảo hiểm. Chỉ đến khi làm thủ tục gia hạn hợp đồng, chúng tôi phát hiện mức bảo hiểm mà công ty môi giới mua chỉ chi trả những khoản vô cùng cơ bản, không chi trả các chi phí khám chữa bệnh và nằm viện nếu có.
Những người bạn tôi nói rằng chúng tôi may mắn, vì có nhiều trường hợp người giúp việc bị bệnh, vào nằm viện điều trị xong thì chi phí lên đến hàng chục ngàn SGD, chủ nhà trả mà méo hết cả mặt.
Về phía người giúp việc, họ phải trải qua khóa huấn luyện tay nghề, thậm chí là cách phơi quần áo rất đặc trưng ở các khu nhà chung cư Chính phủ Singapore xây cho công dân và thường trú nhân mới có quyền sở hữu: tay cầm cây sào tre dài với quần áo ướt, nhoài người ra khỏi cửa sổ và cắm vào một ống kim loại. Cũng đã có những trường hợp người giúp việc rơi từ tầng cao bị thương, thậm chí tử vong.
Ngày chúng tôi đón Zar Chi về, chúng tôi kéo vali đồ cho cô, trong khi cô ôm khư khư một túi nilông trước ngực. Hỏi mãi thì cô bảo đó là quà của MOM cho học viên khi kết thúc khóa học, về đến nhà mở ra hóa ra là... cây cao su lau kính dành cho các căn hộ cao cấp.
Trong vòng 10 năm số lượng người giúp việc ở Singapore gia tăng rõ rệt. Năm 2010, đảo quốc này chỉ có 201.000 người, thì đến tháng 6-2019 con số này tăng 27% với 255.800 người. Cứ 5 hộ gia đình ở Singapore thì 1 hộ có người giúp việc, trong khi con số này ở năm 1990 là 1/13.
Có ba loại người giúp việc để chọn: chưa từng đi giúp việc nhà, giúp việc nhà muốn chuyển đổi chủ lao động, có kinh nghiệm làm giúp việc.
Chính phủ Singapore chỉ cho phép nữ công dân trong độ tuổi 23-50 đến từ Bangladesh, Campuchia, Hong Kong, Ấn Độ, Indonesia, Macau, Malaysia, Myanmar, Philippines, Hàn Quốc, Sri Lanka, Đài Loan, Thái Lan và có trình độ văn hóa tối thiểu lớp 8... được phép làm.
TTO - Qua rồi cái thời khó tìm người giúp việc và phải chiều chuộng osin như... mẹ vợ, lúc nào cũng nơm nớp sợ osin giận 'tôi nghỉ đây, ông bà tự làm đi nhé'. Thời dịch giã, khó khăn, nhiều 'chợ osin 24/24h' tấp nập người mòn mỏi chờ được gọi đi làm.
Xem thêm: mth.86681959052501202-ut-us-couq-oad-o-niso/nv.ertiout