Ngành y tế đã lấy mẫu, xét nghiệm test nhanh các trường hợp F1, F2 có liên quan đến bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 tại Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam thuộc Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh) - Ảnh: TTXVN
Lãnh đạo hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh cho hay cũng đang lên phương án mở cửa cho các nhà máy, khu công nghiệp (KCN) hoạt động trở lại, có sự hỗ trợ, giám sát của ngành y tế. Tuy nhiên, hai tỉnh này đang rất chờ đợi có càng sớm càng tốt các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch - đầu tư.
Bắc Giang, Bắc Ninh cần làm mẫu
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay Bắc Ninh, Bắc Giang là hai tỉnh đầu tiên "thực chiến" phòng chống dịch bệnh trong KCN, nên trên tinh thần là "tướng chiến trường", tất cả các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Y tế, các bộ, ngành nếu chưa phù hợp trong thực tiễn thì hai tỉnh linh hoạt, sáng tạo, trách nhiệm trong thực hiện, từ đó đúc rút kinh nghiệm cho các KCN khác, cho các tỉnh khác.
Đơn cử, ông Đam nói quy định chung trước đây là F1 phải cách ly tập trung, xét nghiệm PCR mẫu đơn, nhưng trong KCN thì không thể cứng nhắc như vậy. Hay trước đây trong các nhà máy, việc phân ca, phân kíp, tổ chức sản xuất không quan tâm nhiều đến việc công nhân ở đâu, chỗ nào thì bây giờ khi hoạt động trở lại phải bố trí nơi ở bên ngoài của công nhân.
Phó thủ tướng nhắc lại thực tiễn nếu những công nhân có nguy cơ được quản lý thật chặt tại nơi ở, có xe đưa đến nơi làm việc, bố trí sản xuất an toàn thì an toàn hơn là dừng toàn bộ hoạt động một nhà máy, KCN và đưa mấy chục nghìn người vào các khu cách ly tập trung.
Ông Đam cũng yêu cầu Bộ Y tế phải ra văn bản điều chỉnh ngay lập tức để Bắc Ninh, Bắc Giang linh hoạt làm mẫu, đúc rút, kết quả tốt thì nhân ra toàn quốc.
Trước thực tế không thể xét nghiệm hằng ngày cho toàn bộ một nhà máy có hàng nghìn công nhân, một KCN có hàng trăm nghìn công nhân, Phó thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh hơn nữa ứng dụng công nghệ để tính toán, chỉ ra những phân xưởng, nhà máy, bộ phận sản xuất, đối tượng cần được xét nghiệm sàng lọc theo từng ngày, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm chi phí.
Nguy cơ mất đơn hàng, doanh nghiệp mong sớm sản xuất
Không những bị thiếu hụt lao động, khả năng mất đơn hàng và đối diện với nguy cơ phá sản nếu dừng hoạt động sản xuất kéo dài, nhiều doanh nghiệp mong muốn sớm kiểm soát được dịch để ổn định tình hình trở lại, khôi phục hoạt động.
Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất linh kiện nhựa kỹ thuật cho các tập đoàn đa quốc gia như Canon có nhà máy tại KCN Đình Trám (Việt Yên, Bắc Giang), hơn 10 ngày nay xưởng sản xuất rộng hơn 10.000m2 của Công ty TNHH sản xuất và thương mại Hikari Việt Nam phải tạm dừng hoạt động. Hơn 200 lao động cũng nghỉ việc để thực hiện lệnh giãn cách xã hội.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đức Cường, tổng giám đốc công ty, cho hay mặc dù lao động nghỉ việc nhưng công ty vẫn trả lương với mức tối thiểu theo quy định của luật. Tuy vậy, đây là mức rất thấp nên khó đáp ứng đời sống công nhân.
Ông Cường lo ngại nếu tình hình dịch kéo dài, nhân sự có thể không quay trở lại làm việc và phải tìm việc khác thay thế, khiến doanh nghiệp bị mất lao động đã đào tạo.
Điều đáng lo hơn, theo ông Cường, việc dừng sản xuất khiến toàn bộ đơn hàng bị dừng, đối tác phải chuyển qua nhà cung cấp khác.
"Chúng tôi đang làm 400 bộ khuôn cho khách hàng, giờ bị chuyển sang nhà sản xuất khác, nên thực sự không biết khi dịch qua đi, đối tác có quay lại đặt hàng nữa hay không. Việc dừng sản xuất cũng khiến doanh nghiệp không có cơ hội tiếp cận khách hàng mới nào.
Trong khi doanh nghiệp đang vay tiền ngân hàng để đầu tư máy móc sản xuất, hằng tháng vẫn phải trả lãi và đáo hạn, trả góp, nhưng toàn bộ nguồn tiền sản xuất không có, dẫn tới tình trạng thiếu hụt vốn, tài chính.
Còn tại Bắc Ninh, dù không phải thực hiện việc dừng sản xuất nhưng nhiều doanh nghiệp gặp không ít khó khăn.
Ông Trần Duy Nhất, giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất phụ tùng ôtô và thiết bị công nghiệp (JAT), cho hay nhiều nơi giãn cách xã hội nên doanh nghiệp bị thiếu hụt lao động, khi có khoảng 50 công nhân không thể đi làm.
Song khó khăn lớn nhất, theo ông Nhất, là đơn hàng đang có xu hướng giảm từ 15 - 20% trong khi đầu vào bị gián đoạn nguồn cung do nhiều nơi phong tỏa, giá cả tăng mạnh.
Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát mạnh, mặc dù doanh nghiệp đã đầu tư để phòng dịch như các trang thiết bị khử khuẩn, khẩu trang, vách ngăn, thuốc bổ... cho công nhân, nhưng ông Cường cho rằng Chính phủ cần sớm có chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp sản xuất được tiêm vắcxin cho người lao động bằng nguồn tiền tự chi trả, cũng như nhiều chính sách hỗ trợ khác để hoạt động sản xuất, lưu thông được thông suốt, giảm chi phí giá thành cho doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Xuân Ngọc, phó Ban quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang, giữa phát triển kinh tế và phòng chống dịch cần phải đảm bảo hài hòa, với phương châm chống dịch để sản xuất và sản xuất để chống dịch, chứ không thể đợi hết dịch mới sản xuất.
Bởi tình hình dịch hiện nay diễn biến vẫn phức tạp, nên vấn đề quan trọng là đánh giá, rà soát năng lực phòng chống dịch để có phương án cho doanh nghiệp đáp ứng đủ yêu cầu quay trở lại hoạt động sớm nhất, vừa quản lý công nhân hiệu quả.
Về lâu dài, ban quản lý cùng địa phương sẽ xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, tài chính, lãi suất để có thêm nguồn lực phục hồi hoạt động hiệu quả nhất.
Chính quyền cùng doanh nghiệp khôi phục sản xuất
Trao đổi với Tuổi Trẻ về khả năng khôi phục hoạt động sản xuất của các KCN, ông Lê Ánh Dương, chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết hôm nay 25-5, tỉnh sẽ ban hành kế hoạch từng bước đưa doanh nghiệp quay lại sản xuất theo phương châm chống dịch để sản xuất, sản xuất để chống dịch.
Ông Dương cũng cho hay trong tuần này có thể bắt đầu có doanh nghiệp quay trở lại sản xuất.
"Trên cơ sở rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, đáp ứng được yêu cầu phòng dịch theo quy định, chúng tôi sẽ cho lần lượt mỗi tuần một số doanh nghiệp quay lại hoạt động.
Tuy vậy, sẽ không thể quay lại sản xuất ồ ạt, và khi đã đi vào sản xuất rồi thì phải trên cơ sở mô hình an toàn phòng dịch mới mà chúng tôi xây dựng với sự tham gia của chính quyền trong công tác quản lý phòng dịch. Không để doanh nghiệp tự loay hoay nữa mà chính quyền sẽ tham gia cùng" - ông Dương khẳng định.
Ông Nguyễn Đức Cường cho rằng doanh nghiệp chấp nhận tăng đầu tư cho công tác phòng dịch, thậm chí giảm công suất từ 50 - 70%, nhưng mong muốn được sớm hoạt động trở lại để duy trì nhân sự, doanh thu và dòng tiền.
Ông Cường cũng kiến nghị có chính sách tháo gỡ cho doanh nghiệp không thể bố trí cho công nhân ăn ở tại chỗ khi hoạt động trở lại, để có phương án phù hợp nhất quản lý lao động vừa sản xuất, vừa đảm bảo an toàn phòng dịch.
TTO - Trước nguy cơ hoạt động sản xuất bị đình trệ do thiếu lao động trong bối cảnh các nơi đang phong tỏa và giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp phải tìm phương án kiểm soát dịch, chuẩn bị cho phục hồi sản xuất.
Xem thêm: mth.6444648052501202-tour-tos-hcid-gnuv-o-peihgn-hnaod/nv.ertiout